Mỗi gia đình nhỏ tạo thành gia đình lớn, nhiều gia đình lớn tổ hợp thành một xã hội hoàn chỉnh. Bức tranh xã hội là bức tranh chân thực nhất phản ánh sự thịnh suy của một quốc gia.
Thế nhưng có một vấn đề đang rất nổi cộm trong xã hội hiện đại. Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa rằng, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Theo đó, gia đình tan vỡ ngày một tăng theo cấp số nhân khắp nơi trên thế giới.
Người ta thường ví gia đình là bến đỗ bình an cho mỗi người sau đủ thứ rắc rối và phiền toái gặp phải ở bên ngoài. Nhưng bây giờ về mặt tinh thần người ta rất khó tìm được cảm giác gia đình là nơi quay về, thay vào đó là cảnh ly tán, con cái thiếu sự giáo dưỡng đầy đủ từ cha mẹ, người già không có người phụng dưỡng chăm lo,…
Trạng thái bế tắc trong cuộc sống dẫn đến số người mắc các chứng trầm cảm, tự kỉ cũng ngày một nhiều. Thậm chí là có một phần giới trẻ có xu hướng độc thân, sợ kết hôn, hoặc họ chọn làm mẹ đơn thân. Tại sao lại như vậy?
5 nguyên nhân căn bản sau đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể hơn về vấn đề này:
1. Rất nhiều người không hiểu được nội hàm chân chính của hôn nhân
Truy tìm nguồn gốc, con người hiện đại đã không còn hiểu được nội hàm chân chính của hôn nhân, càng không hiểu được sự thiêng liêng, nghiêm túc và vẻ đẹp của hôn nhân. Trong văn hóa truyền thống phương Đông và phương Tây, hôn nhân là do Thần định đoạt, do “Ông Trời tác hợp”, dựa theo ân oán duyên phận đời đời kiếp kiếp của một người mà tác thành. Điều này hoàn toàn không giống như người ta nghĩ nó chỉ là tự nhiên. Thật sự phải là khi duyên phận đến thì hai người mới có thể kết nghĩa phu thê. Người xưa hiểu rằng, nam giới và phụ nữ đều do Thần tạo ra dựa theo hình tượng của bản thân mình, đều là những chúng sinh bình đẳng trước mặt của Thần.
Người xưa nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”.
Nhưng hiện nay rất nhiều người mất đi tín ngưỡng, hoàn toàn không hiểu rằng hai người có thể kết duyên vợ chồng là do ý Trời, là sự cam kết và nương tựa một đời, chứ không phải chỉ đơn giản là ý nguyện của con người.
Thực vậy, hôn nhân được xây dựng trên cơ sở đạo nghĩa, lấy lễ nghĩa làm chủ yếu. Nhưng quan niệm ngày nay cho rằng hôn nhân lấy tình cảm làm trọng, lễ nghĩa chỉ là phụ.
Cổ nhân nói: “Hôn lễ lấy lễ làm gốc”. Khổng Tử giảng: “Không học lễ, thì khó lập thân”, mà cái nghĩa của Lễ rất rộng lớn. Quốc gia lấy gia đình làm nền tảng, gia đình vững mạnh thì quốc gia hưng thịnh. Gia đình ly tán thì quốc gia suy vong. Nền tảng của xã hội là quốc gia, nền tảng của quốc gia là gia đình, mà nền tảng của gia đình là tại bản thân mỗi người.
Đạo nghĩa là chuẩn tắc cho hành vi con người, còn tình cảm là một thứ có thể thay đổi theo thời gian. Nếu lấy tình cảm làm trọng thì những bất hòa nhỏ dễ dẫn khởi đến mâu thuẫn lớn, rồi đi tới ly hôn cũng là điều dễ hiểu và cũng khó tránh được.
Nếu như, hai người thực sự đã cùng nhau trải qua vô vàn sóng gió thì nhất định sẽ xây dựng được một tình cảm gắn bó vượt trên cả mối quan hệ huyết thống.
2. Thiếu “tương kính” trong hôn nhân
Trong văn hóa truyền thống, người xưa có câu: “vợ chồng tương kính như tân”.
Vào triều Chu, có một nông dân tên là Khích Khuyết sống ở nước Tấn. Khích Khuyết chung sống với vợ rất hòa thuận, họ tôn trọng lẫn nhau như hồi mới quen biết (tương kính như tân). Một ngày nọ, vợ của Khích Khuyết mang thức ăn ra cánh đồng nơi chồng đang làm việc. Người vợ lễ phép đưa thức ăn cho anh bằng cả hai tay. Khích Khuyết cũng không kèm phần cung kính chìa hai tay ra nhận thức ăn.
Ngay lúc đó, một vị quan triều đình tên Cửu Quý đi ngang qua và rất cảm phục khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Cửu Quý liền bái kiến vua nước Tấn là Tấn Văn Công và hết lời khen ngợi Khích Khuyết trước mặt nhà vua, ông còn tiến cử Khích Khuyết làm đại tướng quân thống lĩnh toàn bộ quân đội của quốc gia. Khi Tấn Văn Công hỏi nguyên do, Cửu Quý đáp: “Tâu Bệ Hạ, Khích Khuyết rất mực tôn trọng người khác, kể cả vợ của mình. Biết tôn kính người khác là biểu hiện quan trọng nhất của một người đoan chính; chúng ta nhất định phải trọng dụng người này.”
Những diễn biến sau đó đã chứng minh Cửu Quý nói đúng. Sau khi Khích Khuyết được phong chức vị đứng đầu đại quân nước Tấn, anh đã qua tác phong chính trực mà thu phục được lòng người; Khích Khuyết còn chứng tỏ bản thân là một nhà chiến lược quân sự tài ba, và cũng là một chiến binh dũng cảm phi thường. Trong trận chiến chống lại ngoại bang ở gần nơi gọi là Ký Châu, Khích Khuyết đã lãnh đạo quân sĩ bắt sống vua của ngoại bang và lập công lớn với triều đình.
Kết quả là Khích Khuyết được ban thưởng hậu hĩnh. Anh được cấp cho rất nhiều đất đai ở quanh Ký Châu.
Ngược lại, có một sự thật đáng buồn trong cuộc sống hôn nhân hiện đại, vợ chồng càng sống với nhau lâu càng trở nên coi thường nhau. Có lẽ vì quá quen thuộc, nên lâu dần sẽ chứng kiến những khuyết điểm của nhau, từ đó sinh tâm lý coi thường lẫn nhau, không tôn trọng nhau. Đây là khuynh hướng đi xuống trong các mối quan hệ quá thân thiết. Một khi thân thiết, con người ta thường giải đãi trong cách hành xử với người khác, không coi trọng việc “lễ kính” như thuở ban đầu.
3. Âm dương đảo chiều, âm thịnh dương suy
Vợ chồng tựa như âm dương. Nam giới là dương cương, phụ nữ là âm nhu. Cả hai tương sinh tương khắc, mà cũng bổ trợ giúp đỡ thành tựu lẫn nhau. Chồng bất nghĩa thì ắt sẽ không có người vợ trung trinh; vợ không hiền thì ắt không thể có người chồng làm nên đại sự. Xác thực là như thế, thuận theo đạo trời mà hành.
Ngày nay xuất hiện quan niệm “Nam nữ như nhau, phụ nữ gánh vác nửa vùng trời”. Trên bề mặt nghe có vẻ như nâng cao địa vị của phụ nữ. Nhưng người ta lại không biết rằng quan niệm này được thiết lập là để ép buộc phụ nữ đảm đương rất nhiều công việc không phù hợp mà hoàn toàn không quan tâm tới sự khác biệt về sinh lý, dùng tiêu chuẩn của đàn ông để yêu cầu phụ nữ, thực tế chính là sự bất công với phụ nữ, cũng thực sự là sự nô dịch phụ nữ. Kỳ thực, quan niệm này dẫn tới hiện tượng âm thịnh dương suy trên quy mô lớn.
Trong quá trình nam tính hóa dần mất đi đặc tính dịu dàng của mình, trở nên thô bạo ngang ngược, phụ nữ từ bỏ sự nhu mì theo đuổi sự cương trực, cũng chính là vứt bỏ sở trường của mình, dùng sở đoản của mình đi tranh với sở trường của đàn ông, khiến cho xã hội ngày nay rất nhiều cô gái mất đi đặc trưng của phụ nữ. Mối quan hệ hôn nhân gia đình căng thẳng rất nhiều là đến từ nguyên nhân này.
Cuộc sống hôn nhân và gia đình đã bị làm cho biến dị. Có những phụ nữ nghĩ: “chuyện mà đàn ông làm được tôi cũng làm được”, thậm chí họ dạy con gái mình cả tư tưởng đó. Điều này vô hình chung đã thay đổi vai trò giữa phụ nữ và nam giới. Do đó ắt sẽ khiến phụ nữ trở nên dũng mãnh như đàn ông. Trong nhà không ai phục ai, tranh đấu thắng thua với nhau khiến gia đình mất đi sự ấm áp.
Đàn ông oán trách phụ nữ không nữ tính. Phụ nữ cũng hận người đàn ông của mình không cương quyết, hèn nhát yếu đuối. Người đàn ông bị phụ nữ áp chế, không thể đội trời đạp đất, mang sự tôn nghiêm của nam tử hán, mà bị biến thành “vợ quản chặt”. Rất nhiều người đàn ông không thể thể hiện được sự tôn nghiêm của mình trong nhà, bèn ra ngoài tìm người phụ nữ biết phục tùng và tôn trọng đàn ông, kết quả tạo nên càng nhiều mâu thuẫn hơn, tinh thần trách nhiệm với hôn nhân của con người ngày càng nhạt nhòa. Gia đình theo đó bất hòa và nghiêm trọng hơn là tỷ lệ ly hôn cao trong xã hội hiện đại, ngoại tình tràn lan có liên quan rất nhiều tới việc gia đình bị quan niệm biến dị ngày này hủy hoại.
4. Trẻ con không cảm nhận được hơi ấm thực sự từ gia đình
Gia đình truyền thống là cái nôi, là sợi dây gắn kết, truyền thừa các giá trị về tín ngưỡng, đạo đức, và duy trì ổn định xã hội. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ chính là cha mẹ. Nếu đứa trẻ qua lời nói và cử chỉ mẫu mực của cha mẹ mà học được các đức tính truyền thống tốt đẹp như vô tư, khiêm tốn, biết ơn, kiên nhẫn,… như vậy nó sẽ được lợi ích suốt đời.
Ở các gia đình hiện đại, số gia đình giữ được văn hóa truyền thống còn lại rất ít. Hầu như con trẻ thường xuyên phải chứng kiến những cảnh bất hòa, lục đục, tranh đấu vợ chồng của cha mẹ chúng. Nhìn vào bức tranh gia đình chỉ hai màu đen và trắng, chúng sẽ nghĩ gì về hôn nhân? Thông thường chúng sẽ nghĩ, hôn nhân là nấm mồ của hạnh phúc. Từ đó tạo thành rào cản tâm lý cho con trẻ về cuộc sống hôn nhân gia đình.
5. Đâu đâu cũng toàn tuyên truyền khiêu dâm
Ra ngoài đường, đâu đâu cũng toàn những hình ảnh poster, lên trên mạng internet thì nào là tranh ảnh khỏa thân, cái gì cũng có, lôi kéo sự chú ý của người ta.
Các cuộc thi hoa hậu ngày xưa là thông qua tài sắc mỹ đức vẹn toàn, tôn vinh giá trị nét đẹp truyền thống. Cuộc thi hoa hậu ngày nay thì nào là biểu diễn áo tắm, ăn mặc hở hang khoe thân, càng thiếu vải càng được tán dương, càng kín cổng cao tường càng cho là lập dị, cổ hủ, không được đánh giá cao.
Ngay cả những bộ phim điện ảnh và truyền hình nếu không có cảnh chăn gối thì tỷ lệ người xem không đạt. Các loại đồ chơi, các trò giải trí trên đường phố cũng đều tràn ngập những thứ như thế dù là lộ liễu hay ẩn ý. Đàn ông ra ngoài tìm hoa ngắt liễu, bao vợ hai, vợ ba, phụ nữ cũng cam tâm tình nguyện làm gái bao, buôn phấn bán hương, quan hệ luân lý giữa con người đã trở nên hỗn loạn. Những gia đình như vậy liệu có thể tìm thấy sự ấm áp chăng?
Gia đình bất hòa bởi những lý do trên thực ra là sự thụt lùi của xã hội, là biểu hiện của sự tha hóa đạo đức, chứ không phải là một hiện tượng bình thường. Đây là điều mà tất cả mọi người chúng ta cần cảnh giác, cần phải từng bước làm chính lại, đưa hôn nhân và gia đình quay trở lại trạng thái bình thường.
An Thanh