Tân Thế Kỷ – Trong hơn 2.000 ngày đi đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), lần nào 500 công nhân nhà máy dệt cũng nhận được cùng một câu trả lời “chưa có tiền trả”.
Chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may của Nhà máy dệt kim Haprosimex (Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex), bật khóc trong hội thảo chủ đề nợ đóng BHXH ngày 21/7, khi kể lại 6 năm đi đòi quyền lợi từ 2017.
Doanh nghiệp nợ BHXH gần 500 công nhân từ tháng 7/2011 và nợ lương từ tháng 1/2017 đến hết tháng 3/2023 tổng cộng hơn 15 tỷ đồng. Người lao động nhiều lần tìm gặp lãnh đạo công ty qua các thời kỳ, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả”.
Theo chị Huyền, nhiều nữ công nhân ngóng chế độ thai sản từ lúc mang bầu tới khi con lớn vẫn chưa được nhận. Người qua đời không có tử tuất, hết tuổi lao động không có lương hưu. Công nhân lành nghề không thể chuyển việc vì không chốt được sổ BHXH, phải xoay sang rửa bát, chạy xe ôm.
Nữ quản đốc nghẹn giọng khi nhắc hoàn cảnh chị em công nhân Lê Thị Là, Lê Thị Ngân. Trước tháng 3/2023, chị Là hai lần sinh con nhưng chưa được hưởng một đồng thai sản. Chị Ngân bị ung thư máu, qua đời năm 2012 không có tử tuất, trợ cấp mai táng phí. Công nhân cùng cảnh, mỗi người góp một ngày lương trao gia đình làm đám tang cho Ngân.
Dưới sức ép của truyền thông các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Và mãi đến tháng 4-6/2023, hơn 500 công nhân mới được tách đóng, chốt sổ sau khi doanh nghiệp hai lần chuyển trả nợ hơn 15 tỷ đồng cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Cầm được cuốn sổ BHXH có người mừng đến mất ngủ.
Đến ngày 25/6, doanh nghiệp đã chốt sổ BHXH cho 84 người còn lại. Và những người công nhân quyết định lấy ngày này làm ngày gặp mặt kỷ niệm hàng năm.
“Khoản nợ bảo hiểm đã được giải quyết, song tiền lương vẫn còn vướng mắc khi công ty nói khó khăn, chỉ chốt trả một nửa”, chị Huyền cho hay.
Khó khởi kiện?
Xử lý tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng đến nay chưa vụ nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội củng cố hồ sơ gần 400 vụ trốn đóng BHXH chuyển công an song gần một nửa số vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, khó làm rõ tội trốn đóng. Có doanh nghiệp mang tiền nợ đến đóng ngay khi công an vào cuộc.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay pháp luật trao quyền cho công đoàn khởi kiện song thực tế vướng mắc vì quy định tại các luật Tố tụng dân sự, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động chưa thống nhất.
Có luật cho phép công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có luật quy định rõ là công đoàn cơ sở, có luật lại yêu cầu công đoàn phải được lao động ủy quyền.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng không nên giao khởi kiện cho công đoàn cơ sở vì đội ngũ này hưởng lương doanh nghiệp, ít người dám ra mặt vì ngại ảnh hưởng quyền lợi. Pháp luật nên trao quyền này cho công đoàn cấp trên và có hướng dẫn cụ thể.
Cũng có ý kiến cho rằng, hàng tháng, lao động đã trích tiền lương đầy đủ để đóng BHXH nghĩa là đã hoàn thành đầy đủ trách nhiệm. Họ không có lỗi, thậm chí không biết khi công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần giải quyết quyền lợi cho người lao động trước, rồi đòi nợ doanh nghiệp sau vì cũng có trách nhiệm liên đới khi để khoản này bị nợ đọng quá dài, thậm chí không thể thu hồi.
“Cơ quan nhà nước phải gánh phần khó chứ không thể đẩy hết về phía người lao động vì họ luôn ở trong thế yếu”, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn nói.
Vũ Nam tổng hợp.
Bộ Tài chính đặt vấn đề về tiền công đức chùa Yên Tử và Ba Vàng
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*