Tân Thế Kỷ – Một kênh truyền thông cá nhân ở Trung Quốc đưa tin rằng, ở Bắc Kinh có hơn 6.000 người sống trong các nhà vệ sinh công cộng. Kênh truyền thông này đã phỏng vấn hai cặp vợ chồng trong số đó.
Vào ngày 22/4, tài khoản WeChat “Tiancai Bushou Jihua” (tạm dịch: ‘Kế hoạch Đuổi bắt Thiên tài’ hay ‘Genius Catcher Project’) đăng một bài phỏng vấn cho biết, trong thành phố Bắc Kinh có tổng cộng 12.769 nhà vệ sinh công cộng. Chúng được chia thành loại I, loại II, loại III và dưới loại III. Trong đó, có 7.354 nhà vệ sinh công cộng loại I và loại II được phục vụ 24/24 và có phòng quản lý riêng, cho nên có thể ở lại trong đó.
Tuy nhiên, bất kể là nhà vệ sinh công cộng hạng nhất hay hạng hai, phòng quản lý cũng chỉ rộng vài mét vuông, tối đa chỉ kê được một chiếc giường và một chiếc tủ. Một số nhà vệ sinh có điều kiện khá hơn thì lắp điều hòa trong phòng quản lý, nhưng phần lớn là không có điều hòa, mùa hè và mùa đông sống trong đó đều vô cùng khó khăn.
Phóng viên đã phỏng vấn một cặp vợ chồng phụ trách nhà vệ sinh công cộng trong một con ngõ ở vành đai hai của Bắc Kinh. Căn phòng quản lý của họ chỉ rộng chừng 2 mét vuông, bên trong chỉ có một lối đi và một chiếc tủ. Ngoài quần áo, trong tủ còn có bếp từ, ấm đun nước điện và nồi cơm điện, đây là toàn bộ đồ đạc trong “nhà”. Nếu muốn ngủ, phải bắc thang leo lên “gác xép” rộng 2 mét vuông ở phía trên. Nó được ngăn cách với phòng quản lý bằng những tấm ván gỗ, không gian bên trên chỉ đủ để ngồi và nằm, không thể đứng.
Phòng quản lý nhà vệ sinh công cộng của một cặp vợ chồng khác thì lớn hơn một chút, có thể đặt một chiếc giường ở đó, vì vậy họ không cần phải trèo lên trèo xuống để ngủ.
Hai cặp vợ chồng này là công nhân vệ sinh của nhà vệ sinh công cộng ở Bắc Kinh. Mọi nhu cầu cơ bản trong 24 giờ mỗi ngày của họ đều vẻn vẹn trong “ngôi nhà” này. Họ chịu trách nhiệm trông giữ và dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng cả ngày. Chỉ khi có ít người trong nhà vệ sinh, họ mới có thời gian nghỉ ngơi và ra ngoài mua thứ gì đó.
Các nhà chức trách yêu cầu, trong nhà vệ sinh công cộng “bất cứ lúc nào cũng phải có ít hơn hai con ruồi, chất thải không được tồn đọng quá nửa giờ”. Những người đi vệ sinh thường làm vấy bẩn khắp nơi, trong bồn tiểu thường có nhiều dị vật như tã lót, băng vệ sinh và thậm chí là các loại rác thải sinh hoạt khác. Các công nhân vệ sinh phải dọn dẹp bất cứ lúc nào.
Vì công việc thấp kém, họ bị người khác coi thường nên cũng rất ít khi giao tiếp với người dân địa phương. Họ cũng rất ít khi ra đường, có người đã đến Bắc Kinh nhiều năm mà chưa từng đến danh lam thắng cảnh nào. Mỗi ngày, họ chỉ chi tiêu một số tiền nhỏ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống, vài nghìn nhân dân tệ tiền lương còn lại đều được cất đi tích góp để gửi về quê nuôi gia đình.
Một người được phỏng vấn cho biết, ông không muốn người khác biết mình là ai, không muốn người ở quê biết mình đang sống trong cảnh “thất bại và thảm hại” thế này, vì ông không muốn ảnh hưởng đến đứa con trai chưa kết hôn của mình.
Theo bài viết, hàng nghìn công nhân vệ sinh nhà vệ sinh công cộng ở Bắc Kinh đến từ khắp nơi trên cả nước cũng đang sống trong cảnh tương tự.
Trước đây, truyền thông Trung Quốc cũng từng đưa tin về những gia đình tương tự sống trong nhà vệ sinh công cộng ở Thượng Hải và những nơi khác, nhưng không đề cập đến số người cụ thể.
Theo NTD tiếng Trung
Minh Lý (NTDVN) biên dịch
Xem thêm:
Ukraine và các nước Baltic “sốc” sau khi Trung Quốc nói về chủ quyền Ukraine
‘Mâu thuẫn’ đằng sau dữ liệu tháng 3 quá tốt của kinh tế Trung Quốc
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*