spot_img
21 C
Vietnam
Thứ năm,19 Tháng chín
spot_img

Luận bàn về “đạo vợ chồng”

Hàng nghìn năm nay, trong sử sách và truyền thuyết đều lưu truyền rất nhiều câu chuyện về tình yêu và hôn nhân. Biết bao đôi nam nữ đã gửi gắm cả sinh mệnh và tâm hồn của mình trong những vui buồn hợp tan, yêu hận tình thù, lưu lại cho hậu nhân những câu chuyện để suy ngẫm mà soi xét mình.

Luận bàn về "Đạo Vợ Chồng"
Luận bàn về Đạo vợ chồng – Ảnh: Sohu

Những chuyện tình lưu danh thiên cổ

Nhân duyên khác nhau, thời gian khác nhau, hoàn cảnh lịch sử khác nhau biểu hiện ra nội hàm văn hóa khác nhau. Bi kịch tình yêu của Romeo và Juliet thể hiện một tình yêu dũng cảm giúp hóa giải mọi sự gián cách và hận thù nơi thế gian. Câu chuyện “Ngưu Lang – Chức Nữ” lưu lại cho người đời sau một tấm gương về đức tính hiếu thuận, cần cù lao động của hai vợ chồng khiến Thần phải cảm động.

Điển tích “Bá Vương biệt Cơ” thể hiện tình cảm sâu nặng đối với vợ của người anh hùng trong bước đường cùng cận kề cái chết. Tình yêu chân thành của “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” có thể vượt qua cõi âm dương, linh hồn của họ hóa thành đôi bướm để được mãi bên nhau.

Địa vị khác nhau, dân tộc khác nhau, tình cảm khác nhau cũng có những chuẩn mực xã hội khác nhau. Đường Thái Tông Lý Thế Dân cùng vợ là Trưởng Tôn hoàng hậu; Tạng Vương Tùng Tán Cán Bố cùng công chúa Văn Thành đã trở thành những hình mẫu được các quân vương đời sau kính phục và noi theo. Nhạc Vũ Mục đối xử ân nghĩa, thủy chung với cả hai người vợ: người vợ trước vì chiến loạn mà phải chia lìa, người vợ sau gắn bó với ông không sợ bần hàn, thật là phẩm cách của bậc hào kiệt. Nàng Trác Văn Quân cùng chồng là Tư Mã Tương Như bán rượu nơi phố chợ ồn ào, không màng phú quý, địa vị, tình yêu của họ đã trở thành giai thoại nghìn thu của biết bao tài tử giai nhân.

Vai trò khác nhau, sứ mệnh khác nhau, cảnh giới khác nhau thể hiện sự lựa chọn khác nhau của sinh mệnh. Con gái của Tần Mục Công cùng chàng thanh niên thổi tiêu sống ẩn cư ở núi Hoa Sơn. Hai người tâm đầu ý hợp, cùng thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Về sau cả hai đều cưỡi rồng phượng mà trở về thiên giới. Vợ chồng tráng sĩ thời cận đại Đàm Tự Đồng, nàng gảy đàn, chàng múa kiếm, người khẳng khái hy sinh vì chính nghĩa, người thủ tiết tới già. Vợ chồng đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Ma Ha Ca Diếp và thiện nữ Diệu Hiền cùng nhau cầu đạo, 14 năm tuân thủ giới luật, cuối cùng tu thành chính quả, lưu lại một câu chuyện truyền kỳ về sự tinh tấn tu hành.

Ngược lại, cũng có kẻ lựa chọn con đường bất chính. Thương Trụ vương bị con cáo chín đuôi mê hoặc, phóng túng dục vọng mà hủy mất cả cơ nghiệp của tổ tiên. Ngô Vương Phù Sai bị mỹ sắc làm mê muội mà nước mất nhà tan, cha con Đổng Trác và Lã Bố tranh nhau nàng Điêu Thuyền. Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên dâm loạn giết người, tự hủy hoại mình mà để lại tiếng ác muôn đời. Những câu chuyện như vậy cũng lưu truyền nghìn thu, nhiều không kể xiết.

Hiểu về đạo nghĩa vợ chồng trong văn hóa xưa

Đạo vợ chồng trong văn hóa truyền thống vô cùng sâu sắc. Nên duyên vợ chồng như “Thiên nhân hợp nhất”. Người với người hòa hợp, người với Đất Trời hòa hợp. Theo tiêu chuẩn đạo đức truyền thống, một cuộc hôn nhân hợp pháp cần có sự thu xếp của mai mối, sự đồng thuận của cha mẹ, và sự ban phước của Thiên thượng.

Dao vo chong 2
Vợ chồng “Tương kính như tân”, phu thê tôn trọng lẫn nhau để giữ cho mối quan hệ luôn hòa hợp – (Ảnh: Internet)

Chuyện yêu thương và kết hôn của nam nữ là kết quả của duyên phận quá khứ và hiện tại, nó liên quan tới vận mệnh của dân tộc, gia đình, cha mẹ, con cái. Điều này có ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng sâu sắc đối với đạo đức, sức khỏe, lễ nghĩa, luân lý, cảm thụ của con người. Cho nên từ xưa các bậc thánh hiền giảng rằng đạo vợ chồng là luân thường đạo lý quan trọng nơi thế gian con người.

Tình cảm nam nữ xuất phát từ sự công chính, thuần khiết, thanh tịnh. Nam nữ sống với nhau xuất phát từ trách nhiệm, sự tôn trọng, yêu thương và trân quý lẫn nhau. Luôn lấy kinh nghiệm của cha mẹ làm tấm gương để soi xét tâm hồn, suy xét mọi thói quen sinh hoạt, sức khỏe cơ thể, vẻ bề ngoài đoan chính, phẩm chất và tài năng, v.v. 

Những tiêu chuẩn và điều kiện này giúp con người rút ra những kinh nghiệm và bài học, phân biệt giữa lý trí và tình cảm. Nó cũng trở thành điều kiện tất yếu để có một cuộc hôn nhân mỹ mãn, bền vững, chứng minh cho đạo lý “nhân lành, quả ngọt”, cũng để duy trì sự phát triển và sinh tồn của con người. Đây là văn hóa về hôn nhân mà Thần đã lưu lại cho con người.

Hôn nhân là điều kiện cần thiết để nhân loại sinh sôi, phát triển, đó cũng là lời cam kết của con người đối với Thần linh, trời đất, cha mẹ và người bạn đời của mình. Các phong tục và nghi lễ cưới xin ở phương Tây và phương Đông đều thể hiện ý nghĩa thần thánh này. Dù cuộc hôn nhân dài lâu hay ngắn ngủi đều yêu cầu hai vợ chồng phải một lòng chung thủy, sắt son, dù nghèo khó, bệnh tật, tai họa, sống chết cũng không được phản bội và rời xa nhau. Vợ chồng phải tuân thủ lời thề với Thần, tôn trọng, bù đắp cho nhau, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, sát cánh cùng nhau tới già để thực hiện lời hứa của mình.

Trong cuộc hôn nhân bắt nguồn từ mối thiện duyên đời trước, nam nữ phải luôn luôn cảnh giác, không được vì tình yêu mà phóng túng dục vọng, không được vì tình yêu mà thiên vị công tư, không được vì tình yêu mà mất đi chí hướng. Cần phải cân bằng, tiết chế dục vọng, nam cương nữ nhu, âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở đời sau, kế thừa cơ nghiệp tổ tiên, đi cho hết chặng đường của đời người.

Trong cuộc hôn nhân bắt nguồn từ mối ác duyên đời trước, nam nữ cần tự suy xét bản thân, không nên vì tranh đấu mà làm tổn thương nhau, không nên vì sắc đẹp mà phản bội nhau, không nên vì giàu sang mà ruồng bỏ nhau, càng không nên vì họa hoạn mà xa rời nhau. Nên cùng nhau chịu nhục, chịu khổ, kiềm chế nóng giận, tránh xa những thứ dơ bẩn, chịu khổ tiêu nghiệp, chỉ có làm như vậy thì hôn nhân vợ chồng mới có thể được tôi luyện mà thăng hoa.

Trong quan hệ vợ chồng của con người đã bao hàm những yêu cầu và nguyên tắc về đặc điểm sinh lý, tâm lý, luân lý, tình lý, pháp lý, thiên lý mà Thần Phật đặt ra cho nam và nữ. Trong tình yêu và hôn nhân, nam và nữ cần thủy chung, kiên định, tôn trọng lẫn nhau, giữ sự tôn nghiêm và giới hạn làm người, bước qua những chặng đường thăng trầm của cuộc sống. Biết sống nhẫn nại và tiết chế mà gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Từ câu chuyện người xưa, ngẫm lại đạo nghĩa vợ chồng thời buổi hiện tại

Từ ngàn xưa, đạo nghĩa vợ chồng vốn rất thiêng liêng nhưng thuận theo sự trượt dốc đạo đức nó đã không còn được coi trọng nữa. Vì sao người xưa có thể chung sống cả đời với nhau? Là vì họ luôn coi trọng đạo nghĩa, thuận theo an bài của Thần linh mà làm tốt trách nhiệm của mình, duy trì quan hệ hôn nhân một cách bền chặt. 

Dao vo chong 3
Luôn coi trọng đạo nghĩa, thuận theo an bài của Thần linh mà làm tốt trách nhiệm của mình, duy trì quan hệ hôn nhân một cách bền chặt

Đạo nghĩa ấy cũng không phải lý thuyết suông mà nó được thể hiện một cách tự nhiên. Lấy câu chuyện sau làm ví dụ, Yến Anh – một nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng của nước Tề, được Vua Tề Cảnh Công rất coi trọng.

Một lần, Vua Tề Cảnh Công đến nhà Yến Anh làm khách. Lúc hai người đang uống rượu, Cảnh Công nhìn thấy vợ của Yến Anh đi qua, liền hỏi: “Đó là thê tử của khanh à?”.

Yến Anh trả lời: “Tâu, đúng vậy”.

Cảnh Công cười và nói: “Cô ta vừa già lại vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp. Ta nghĩ chi bằng gả cho khanh”.

Yến Anh nghe xong, lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Tâu, hiện giờ, vợ của thần vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp đã cùng thần chung sống lâu dài. Hơn nữa, làm vợ vốn dĩ là trao thân gửi phận cả đời, từ lúc trẻ trung xinh đẹp cho đến lúc già nua xấu xí. Vợ thần khi còn trẻ đã phó thác cuộc đời cho thần, thần đã tiếp nhận lòng tin cậy ấy. Quân Vương tuy rằng hiện giờ muốn ban thưởng, nhưng làm sao thần có thể phụ bạc lòng tin của thê tử được?”

Yến Anh bái mấy bái xin tạ ơn và từ chối Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công thấy Yến Anh dứt khoát, coi trọng tình nghĩa vợ chồng như vậy nên từ đó trở đi cũng không nhắc lại thêm lần nào nữa.

Có một lần, Điền Vô Vũ, vị tông chủ thứ năm của họ Điền gặp Yến Anh ở nhà một mình và gặp một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản tiện, mái tóc đã bạc. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Anh, nói: “Người đàn bà đó là ai vậy?”

Yến Anh trả lời: “Là thê tử của ta”.

Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn trong triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”.

Yến Anh trả lời: “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp mà bội nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ luân thường thì đó là nghịch đạo. Yến Anh ta làm sao có thể có hành vi dâm loạn, coi thường luân lý, đi ngược lại với lời dạy của cổ nhân như thế được?”.

Tề Cảnh Công tuy có công danh nhưng không phụ nghĩa “Tào Khang”. Hiện tại có thay đổi vẫn một lòng với người vợ của mình. Điều mà con người ngày nay cần phải học tập.

Mỗi người kết hôn chính là được Thần linh chứng giám, cũng là lời thề trước Thần. Có câu: “Tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng”, nhân duyên vợ chồng quả thực rất lớn, cũng đều đã được định sẵn. Ngẫm lại ngày nay, con người chỉ một câu “hết duyên” hay “giải thoát cho nhau” mà buông bỏ trách nhiệm, bỏ quên lời thề với Thần linh. Cũng quên rằng đó là an bài để con người trả nợ, trả ân từ bao đời. Mong rằng, chúng ta có thể học tập người xưa, “có thuỷ, có chung” để bảo vệ, gìn giữ hôn nhân một cách bền vững.

                                                               Chân Tâm 

Nguồn tham khảo:   https://chanhkien.org/2018/11/luan-ban-ve-dao-vo-chong.html

Untitled 3 01 4

Bài liên quan:

> Duyên vợ chồng theo luật nhân quả: Thiện và ác duyên

> Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, hãy biết giữ gìn và trân quý

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều