spot_img
19 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

8 lần thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân

bom hat nhan wjhr
Một nghiên cứu mới cho thấy, nếu xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân giữa các quốc gia thì hàng tỷ người trên thế giới sẽ chết đói, đồng thời gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Kỷ nguyên hạt nhân trên thực tế ra đời từ trước khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Trong Chiến tranh thế giới lần 2, có 3 nước đã quyết định phát triển bom nguyên tử, gồm Anh, Mỹ và Liên Xô.

Sau này, Anh đã từ bỏ phát triển một mình và năm 1943 chỉ tham gia vào Dự án Manhattan (dự án phát triển bom nguyên tử do Mỹ chủ trì với sự hỗ trợ của Anh và Canada) với tư cách là một đối tác. Trước tháng 8/1945, nỗ lực phát triển bom nguyên tử của Liên Xô cũng chưa đáng kể. Kết quả của Dự án Manhattan là việc Mỹ cho ra đời 2 quả bom nguyên tử (bom A) đầu tiên có tên “Little Boy” và “Fat Man”.

Hai quả bom này đã được sử dụng vào tháng 8-1945, ném xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, ngay cả khi phe phát xít đã đầu hàng. Hai tuần sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, ngày 20/8/1945, Liên Xô thành lập Ủy ban đặc biệt về bom nguyên tử đặt dưới sự chỉ huy của Lavrenty Pavlovich Beria. Có thể nói, đối đầu hạt nhân giữa hai phe manh nha hình thành từ khi đó. Kết quả của cuộc chạy đua hạt nhân giữa hai phe là kho vũ khí của chỉ riêng Liên Xô và Mỹ đã đủ khả năng hủy diệt nhiều lần Trái đất.

75 nam sau tham hoa bom nguyen tu o nhat ban no luc vi mot the gioi phi hat nhan
Ngày 6 và 9/8/1945, người dân hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản đã trở thành những nạn nhân đầu tiên của bom nguyên tử. (Nguồn: Pinterest)

Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh (năm 1947) cho đến khi kết thúc (năm 1991), nhân loại đã nhiều lần đứng bên bờ vực của thảm họa khi vũ khí hạt nhân luôn được đưa ra làm chiếc gậy răn đe lẫn nhau.

Trong suốt hơn 40 năm Chiến tranh Lạnh và một số năm sau đó, đã có 8 lần nhân loại suýt rơi vào vòng xoáy của chiến tranh hạt nhân và bị hủy diệt bởi thứ vũ khí có sức công phá khủng khiếp này.

1. Ngày 5/11/1956: Khủng hoảng kênh đào Suez

Trong cuộc khủng hoảng Suez khởi nguồn từ việc Ai Cập (khi đó đang là đồng minh của Liên Xô) đe dọa quốc hữu hóa kênh đào kết nối châu Âu và châu Á này. Kênh đào Suez khi đó có vốn do nhiều cổ đông Anh và Pháp nắm giữ, điều hành. Điều này dẫn đến phản ứng và gia tăng căng thẳng giữa một bên là Anh, Pháp và một bên là Ai Cập. Đây cũng là lần hiếm hoi trong Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều chung một quyết định, gây áp lực buộc Anh, Pháp và Israel phải rút lui.

Những con tàu đắm tại lối vào kênh đào Suez, Ai Cập, hồi tháng 11/1956. Ảnh: AP.
Những con tàu đắm tại lối vào kênh đào Suez, Ai Cập, hồi tháng 11/1956. Ảnh: AP.

Xung đột đã nổ ra giữa các bên, nhưng ít ai biết rằng ngày 5/11/1956 đã suýt xảy ra một biến cố khủng khiếp cho nhân loại: Một loạt những sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên diễn ra trong ngày thiếu chút nữa đã gây ra một vụ tấn công hạt nhân nhắm vào Liên Xô và sẽ kéo theo đó là một cuộc tấn công trả đũa của Liên Xô, dẫn tới chiến tranh hạt nhân.

Đêm ngày 5/11/1956, Bộ tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) nhận được các báo cáo cho thấy nhiều hoạt động đáng báo động đang xảy ra, bao gồm cả báo cáo cho biết nhiều máy bay chưa xác định rõ của bên nào đang bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và máy bay Liên Xô cũng đang vận hành trên bầu trời Syria, một máy bay ném bom của Anh bị bắn rơi ở Syria và nhiều hoạt động bất thường của một biên đội Hải quân Liên Xô tại eo biển Dardanelles thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng sau khi kiểm tra lại thông tin thì hóa ra đó chỉ là một nhóm thiên nga bay qua bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ, một chiếc máy bay hộ tống của Tổng thống Syria và một chiếc máy bay cường kích của Anh bị rơi do các vấn đề kỹ thuật và một cuộc tập trận thường xuyên của Hải quân Liên Xô.

2. Ngày 5/10/1960

Ngày 5/10/1960, Bộ tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ báo động sau khi radar ở Greenland nhận nhầm ảo ảnh lúc trăng lên ở Na Uy thành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô về phía Mỹ trong giai đoạn căng thẳng đang leo thang trong Chiến tranh Lạnh. Sau này, Hiệp hội Các nhà khoa học quan ngại (Union of Concerned Scientists) lý giải rằng vào thời điểm đó lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đang có mặt tại New York. Chính điều này đã ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa.

3. Ngày 24/1/1961

Trong chuyến bay tập thường xuyên qua Bắc Carolina, một máy bay ném bom B-52 mất kiểm soát đã làm rơi hai quả bom nguyên tử xuống Goldsboro.

Tài liệu giải mật sau này cho thấy điều duy nhất khiến hai quả bom không phát nổ chính là chốt an toàn của chúng đã bị hỏng. Một quả bom bị vỡ ra thành nhiều mảnh trong khi quả còn lại chỉ bị móp méo một chút.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara đã nói: “Một vụ nổ hạt nhân đã được ngăn chặn với chỉ một cơ hội rất nhỏ có thể tránh được, nói thẳng ra là hai dây điện đã không chạm vào nhau để kích nổ”.

4. Ngày 25/10/1962

Năm 1962, trong bối cảnh căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh lên tới đỉnh điểm, một nhân viên bảo vệ một cơ sở Không quân Mỹ ở Minnesota đã nhấn chuông báo động các căn cứ gần đó khi phát hiện ra một kẻ muốn trèo qua hàng rào an ninh. Tuy nhiên, tại một căn cứ vệ binh quốc gia ở Wiscosin, báo động giả đã kích hoạt do chập dây, khiến các phi công nhầm tưởng là Chiến tranh Thế giới lần 3 đã bắt đầu.

Máy bay ngay lập tức đã vào đường băng chuẩn bị tìm kiếm đối tượng tấn công của Liên Xô và chỉ dừng lại khi một chiếc xe gắn còi hụ và đèn nháy chạy vội tới thông báo rằng đây chỉ là sai sót kỹ thuật.

Kẻ đột nhập hàng rào an ninh hóa ra chỉ là một con gấu.

3 1 scaled

5. Ngày 27/10/1962: Khủng hoảng tên lửa Cuba

Sĩ quan Hải quân Nga Vasili Arkhipov được người ta nhớ đến như vị cứu tinh cho cả thế giới. Vào ngày 27/10/1962, trong khi Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (ngày 14 đến 28/10/1962) đang diễn ra, dẫn đến căng thẳng gia tăng chưa từng có giữa Mỹ và Liên Xô, Hải quân Mỹ đã phát hiện một chiếc tàu ngầm của Nga đang ẩn mình trong vùng biển Caribbean. Người Mỹ, khi đó đang dần siết chặt vòng vây, không hề biết rằng chiếc tàu ngầm này được trang bị vũ khí hạt nhân có thể sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào.

Lực lượng Liên Xô trên tàu ngầm trước đó đã mất liên lạc với Moscow. Họ không biết phía Mỹ muốn gì và lo rằng chiến tranh đã xảy ra. Chỉ huy trưởng tàu ngầm ra lệnh nạp đạn và chỉ huy phó cũng đã thông qua mệnh lệnh đó tới thủy thủ đoàn. Tên lửa hạt nhân đã được đưa vào bệ phóng.

Nhưng để khai hỏa tên lửa hạt nhân, mệnh lệnh cần phải được cả ba sĩ quan chỉ huy cao nhất trên tàu thông qua, trong đó có Arkhipov. Chính ông là người đã từ chối thông qua lệnh phóng tên lửa của chỉ huy tàu. Viên sĩ quan này lập luận rằng tàu ngầm chưa bị tấn công và đàm phán là điều cần làm trước khi ấn nút.

Hồ sơ mật: 8 lần thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân ảnh 1
Khủng hoảng tên lửa Cuba: Chỉ trong vòng 5 phút ban đầu của cuộc tấn công sẽ có ngay lập tức 8 triệu người Mỹ thiệt mạng. Ảnh: History.com

Chiếc tàu ngầm Liên Xô sau đó nổi lên mặt nước và gặp một chiếc tàu khu trục của Mỹ rồi quay trở lại Liên Xô.

6. Ngày 9/11/1979

Máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ đã sẵn sàng và các kíp tên lửa đạn đạo liên lục địa nhận được lệnh báo động sau khi hệ thống máy tính của Bộ tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ thông báo một cuộc tấn công lớn của Liên Xô vào nước Mỹ đang được triển khai. Vài phút sau, khi thông tin từ vệ tinh không thể khẳng định tính chính xác nguồn tin, thông tin về cuộc tấn công này được cho là hoang báo.

Theo Hiệp hội các nhà khoa học quan ngại, một kỹ thuật viên đã nhét nhầm băng huấn luyện tình huống chiến tranh hạt nhân giả định vào một chiếc máy tính đang vận hành, dẫn đến tình huống nguy hiểm, đặt nhân loại trước bờ vực hủy diệt.

7. Ngày 26/9/1983

Năm 1983, một sĩ quan quân đội Liên Xô khác là Stanislav Petrov cũng trở thành người giúp ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Sớm ngày 26/9/1983, hệ thống cảnh báo sớm của Liên Xô xác định có một cuộc tấn công từ nước Mỹ sắp xảy ra với một số lượng lớn tên lửa hạt nhân. Stanislav Petrov đang trong phiên trực và có trách nhiệm chuyển những cảnh báo này lên cấp trên, nhưng anh ta cho rằng đây là lỗi hệ thống và loại bỏ thông tin này.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới, Petrov nhớ lại: “Tất cả những gì tôi có thể làm lúc đó là nhấc điện thoại lên, nối máy trực tiếp tới các cấp chỉ huy của mình, nhưng tôi đã ngồi yên. Tôi cảm thấy mình đang ngồi trên một đống lửa vậy”.

Petrov biết rằng quy ước trong Chiến tranh Lạnh của các bên là sẽ tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân, nhưng những nghi ngờ và nỗi lo sẽ khởi phát Thế chiến thứ 3 khiến Petrov im lặng.

“Hai mươi ba phút sau, tôi thấy không có chuyện gì xảy ra cả. Nếu đó thực sự là một cuộc tấn công thì lúc đó tôi đã phải có thông tin về cuộc tấn công đó rồi. Thật nhẹ cả người!”. Thế giới lại thêm một lần nữa thoát khỏi thảm họa chiến tranh hạt nhân.

8. Ngày 25/1/1995: Chiến tranh hạt nhân lại suýt xảy ra

Gần đây nhất, năm 1995, 4 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hệ thống cảnh báo sớm của Nga lại reo vang, thông báo phát hiện một tên lửa đạn đạo của Mỹ được phóng đi từ bờ biển Na Uy. Người Nga lo sợ một cuộc tấn công quy mô lớn nên đã chuẩn bị và đặt lực lượng chiến lược của mình vào tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin đã chuẩn bị tấn công trả đũa thì thông tin vệ tinh gửi về cho thấy không có một vụ phóng tên lửa nào khác xảy ra. Vụ việc được xác định là hoang báo. Trên thực tế đó là vụ phóng tên lửa của Na Uy nhằm nghiên cứu hiện tượng cực quang.

Hồ sơ mật: 8 lần thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân ảnh 2
Hình ảnh minh họa mức độ tàn phá khủng khiếp của bom hạt nhân. Ảnh: Business Insider

Có thể nói, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và chia phe cực trên thế giới trong những năm Chiến tranh Lạnh đã khiến thế giới nhiều lần đứng trước nguy cơ rơi vào thảm họa chiến tranh hạt nhân và kết cục sẽ là hết sức khủng khiếp. Theo ước tính vào thời điểm xảy Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10/1962, nếu số lượng tên lửa của Liên Xô nhằm thẳng vào Mỹ khi đó được kích hoạt thì chỉ trong vòng 5 phút ban đầu của cuộc tấn công sẽ có ngay lập tức 8 triệu người thiệt mạng, chưa nói đến hậu quả lâu dài do bụi phóng xạ gây ra và những đòn trả đũa lẫn nhau.

Gần đây nhất, khủng hoảng hạt nhân khu vực Đông Á cũng từng khiến người dân các nước lân cận phải lo ngại. Tuy nhiên, quy mô và mức độ nghiêm trọng thì chưa khi nào đến mức ở lằn ranh đỏ như thời Chiến tranh Lạnh. Việc giải trừ quân bị đối với vũ khí hạt nhân là điều rất khó khăn, nhưng cần thiết phải tiến hành vì một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển bền vững. Đó là bởi khi chiến tranh hạt nhân xảy ra thì không có ai là người chiến thắng.

Hồ sơ mật gửi tới bạn đọc các bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, các sự kiện lịch sử quân sự – chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều