spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Chuyến bay giải cứu và những “thành tích” nhận hối lộ “gây sốc”

Cựu thứ trưởng Ngoại giao bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của doanh nghiệp với số tiền tổng cộng lên đến 21,5 tỷ đồng. Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế hơn 180 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ. Cựu cục trưởng Lãnh sự bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng…Đó là những con số gây sốc trong vụ đại án chuyến bay giải cứu Covid-19.

Cựu thứ trưởng Ngoại giao 37 lần nhận hối lộ của doanh nghiệp vụ chuyến bay giải cứu

Ngày 3/4, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ đối với ông Tô Anh Dũng. Cùng tội danh với ông Dũng có các ông Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của phó thủ tướng), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và một số đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola…

bị can vụ án chuyến bay giải cứu - Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ảnh: Baoquocte
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng một trong những bị can vụ án chuyến bay giải cứu. Ảnh: Baoquocte/VnExpress

Theo đó, Ông Dũng với cương vị thứ trưởng, phụ trách Cục Lãnh sự, có nhiệm vụ chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước khi xảy ra Covid-19. Ông đã trực tiếp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ xét duyệt, cấp phép chuyến bay trên ý kiến thống nhất của Tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng).

Từ tháng 4/2020 đến 1/2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Theo kết luận điều tra từ tháng 5/2020 đến 1/2022, có 13 cá nhân đại diện cho nhiều doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề để được giải quyết thủ tục. Trong lần gặp đầu tiên, ông Dũng đồng ý với đại diện 13 doanh nghiệp về việc sẽ hỗ trợ, chỉ đạo cấp dưới tại Cục Lãnh sự làm thủ tục giúp cấp phép chuyến bay, tổ chức chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra cáo buộc rằng, dù hai bên không thỏa thuận nhưng ông Dũng và các doanh nghiệp đều hiểu sẽ có “phần tiền cảm ơn”.

Cụ thể, Vào tháng 5/2020 tại phòng làm việc ở Bộ Ngoại giao, ông Dũng gặp Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) và đã giới thiệu công ty của bà Mơ với hãng hàng không Vietnam Airlines để tổ chức chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, ông Dũng đã 8 lần nhận tiền của Mơ (8,5 tỷ đồng); 29 lần nhận tiền các doanh nghiệp khác tại phòng làm việc, nhà riêng và quán cà phê. Tổng cộng, ông Dũng nhận hối lộ 14,1 tỷ đồng và 320.000 USD.

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế hơn 180 lần nhận hối lộ vụ ‘chuyến bay giải cứu’

Theo kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, ông Phạm Trung Kiên khi đang còn là thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, có nhiệm vụ trình Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay hoặc danh sách người dân được về nước trong dịch COVID-19, đã có hơn 180 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ.

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỉ trong vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh 1.
Bị can Phạm Trung Kiên – cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – một trong những người nhận hối lộ gây sốc trong vụ chuyến bay gải cứu – Ảnh: BCA/TTO

Ông Kiên bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ như sau:

7-15 triệu đồng với một khách lẻ về nước trong dịch

Theo kết luận điều tra, thực hiện chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước trong dịch COVID-19, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét cho ý kiến về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao. Bộ Y tế ngoài ra cũng được chấp thuận cho các khách lẻ về nước theo đề nghị của các cá nhân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên được giao làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước.

Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên là thư ký thứ trưởng, để trình Thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp phải chi những khoảng tiền lớn. Ông Kiên thỏa thuận các doanh nghiệp phải chi từ 50 triệu đến 200 triệu một chuyến bay combo trọn gói. CÒn với khách lẻ thì từ 500.000 đến 2 triệu/ người.

Ngoài ra ông Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an), yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời các văn bản liên quan “chuyến bay giải cứu”.

Kết quả điều tra xác định Phạm Trung Kiên đã có hơn 180 lần nhận hối lộ với tổng số tiền là 42,6 tỉ đồng. Đến hiện tại, Ông Kiên là người nhận hối lộ số tiền lớn nhất so với các quan chức đã bị bắt trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Cựu cục trưởng Lãnh sự bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng

Là cấp dưới của Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, bà Nguyễn Thị Hương Lan – Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia các chuyến bay combo của doanh nghiệp.

Nguyen Thi Huong Lan
Nguyễn Thị Hương Lan – Cục trưởng Lãnh sự nói rằng mình chỉ nhận có 900 triệu và không nhớ rõ số lần..Ảnh: 2saoVn

Tuy nhiên, bà Lan trực tiếp liên hệ, gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp và giải quyết yêu cầu trong việc xin tổ chức thực hiện, trong khi việc này được cho là “không cần thiết” với chức trách của bà.

Cáo buộc nêu rằng, khi thực hiện cấp phép chuyến bay công dân tự trả phí, nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ Ngoại giao đã “tạo thành nhóm lợi ích”, đưa ra nhiều yêu cầu gây nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Trên thực tế, bà Lan “chỉ lựa chọn các doanh nghiệp do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ hoặc đã và hứa chi tiền”. Bà Lan hướng dẫn các doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác nhau để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị “soi”.

Một số trường hợp, bà Lan trực tiếp ký nháy trên các kế hoạch tổ chức chuyến bay do Cục Lãnh sự dự thảo trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao ký gửi tổ công tác 5 Bộ. Bà Lan ký phát hành công văn thông báo cho doanh nghiệp, địa phương, đơn vị liên quan về kết quả phê duyệt cấp phép chuyến bay.

Theo kết luận điều tra, bà Lan can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo cho các doanh nghiệp theo từng tuần, tháng cũng như chỉ đạo, đốc thúc cán bộ dưới quyền cấp phép chuyến bay. Doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa tiền sẽ bị gây khó dễ như thông báo sát ngày bay, thay đổi kế hoạch, số công dân trên chuyến bay…

Từ tháng 5/2020 đến 1/2022, trước vai trò này của bà Lan, 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đưa tiền để được giải quyết cấp phép chuyến bay nhanh chóng. Bà Lan bị cáo buộc 33 lần nhận tiền, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng. Tiền chi dựa vào số lượng công dân được về.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bà Lan khai chỉ gặp và nhận khoảng 900 triệu đồng của các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay combo, và không nhớ cụ thể số lần và số tiền của từng lần.

Vụ án Chuyến bay giải cứu được khởi tố cuối tháng 1/2022 để điều tra sai phạm trong thực hiện các chuyến bay giải cứu tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ, UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.

Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân. Đến ngày 3/4, có 54 người bị đề nghị truy tố về 5 tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vũ Nam tổng hợp.

4 scaled

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều