spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Thu phí Hội An: Có gì mà tranh cãi!

Liên quan việc thu phí khu trung tâm phố cổ Hội An, tồn tại luồng ý kiến không đồng tình. Có ý kiến cho rằng cách làm không giống ai của Hội An sẽ làm mất khách. Có ý kiến so sánh Hội An với du lịch Thế giới. Trên thực chất nếu xem xét về mặt giá trị di sản, thì việc thu phí tham quan một khu phố cổ, có gì đâu mà tranh cãi.

Thu phí Hội An: Có gì đâu mà tranh cãi!
Thu phí Hội An: Có gì đâu mà tranh cãi! Ảnh: Hoi An Tourist Attractions – Top Tourist Attractions in Hoi An

Người dân và cộng đồng người địa phương vẫn ủng hộ chủ trương, nhưng điều mà họ vẫn băn khoăn là phương án kiểm soát. Có người đặt vấn đề, nếu là người dân địa phương đang sinh sống trong phố cổ thì sao? Vậy những ai muốn vào thăm người thân cũng phải mất tiền mua vé hay sao? Có người thì đề xuất phương án nhận dạng khuôn mặt để quản lý.

Thu phí Hội An, có phải ” tham bát bỏ mâm”?

Trước thông tin về “Hội An thu tiền vé tham quan” đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó nổi lên vẫn là nhóm cho rằng chủ trương này chưa hợp lý, là ” tham bát bỏ mâm”. Có ý kiến lo lắng cho rằng người du lịch sẽ không quay lại, có ý kiến còn so sánh với cách làm du lịch của Thái Lan.

Thu phí Hội An: Có gì đâu mà tranh cãi!
Thu phí là tham quan di sản là phổ biến và bình thường – Ảnh: Hoi An Travel Guides: Weather, Accommodations, Restaurants & Bars

Tuy nhiên cần xác định lại nội dung việc thu phí và phạm vi thu phí, bởi lẽ có một số cách tiếp cận chưa thật chính xác khi đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An thông tin với báo giới rằng quy định thu phí này đã có từ lâu, và đây không phải chủ trương hay chính sách mới gì cả. Đồng thời việc thu phí chỉ áp dụng cho khu trung tâm phố cổ – khu phố đi bộ chớ không phải toàn bộ thành phố Hội An với nhiều điểm đến du lịch khác nhau. Trên thực tế từ 1992 đã có quy định về việc thu phí.

Ông Sơn viện dẫn Điều 14 và 15 của Quy chế Bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 19/2020/QD-UBND ngày 18/12/2020.

Tuy nhiên, sau 2 đợt dịch COVID-19, từ năm 2019 đến năm 2021, phố cổ Hội An cũng như nhiều điểm du lịch trên cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Để thu hút du khách, các điểm đến tham quan đã áp dụng chính sách nới lỏng, miễn phí, giảm giá vé nhằm phục hồi du lịch. Đến nay, tình hình đã ổn định, lượng khách đến phố cổ Hội An cũng tăng trở lại.

Giới chức địa phương cũng theo dõi và đánh giá rằng: “Lợi dụng chính sách giảm giá, miễn phí vé, một số cá nhân, đơn vị lữ hành, dẫn đoàn… không mua vé, không đưa chương trình tham quan Di sản văn hoá thế giới – Khu phố cổ Hội An vào trong chương trình và kinh phí tour để bán cho du khách.

Theo khảo sát, tỉ lệ khách mua vé tham quan so với lượng khách vào phố cổ chỉ đạt khoảng 40%. Điều này đã tạo nên sự không công bằng giữa người đã mua vé.

Việc thu phí là dùng để trùng tu bảo quản Phố Cổ Hội An, tuy nhiên trên thực tế, thu từ phí tham quan chưa đảm bảo để Hội An phục vụ cho công tác trùng tu di tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung phong phú hơn nữa các sản phẩm văn hoá – nghệ thuật để phục vụ du khách.

Việc tham quan, chiêm ngưỡng, trải nghiệm và nghiên cứu từ một quần thể di sản và phải trả phí là điều rất đỗi bình thường và hợp lý. Đây thực chất là khoảng đóng góp để bảo vệ giữ gìn di sản.

4 scaled

80.000 đồng cho khách nội địa và 120.000 đồng khách nước ngoài “là rẻ”

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Hội An là đơn vị được UBND thành phố giao triển khai thực hiện việc thu vé vào phố cổ cho biết:

Từ năm 1992 đã có quy định tất cả du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé song lâu nay công tác quản lý chưa chặt chẽ. Hiện chỉ những du khách muốn tham quan những điểm nhất định mới phải mua vé, khách đi dạo phố và ăn uống được miễn phí.

Thu phí Hội An: Có gì đâu mà tranh cãi!
Nếu ai ai cũng có ý thức bảo vệ di sản và lòng tự trọng thì việc phân luồng khách cũng không thành vấn đề, vì họ sẽ tự giác trả phí – Ảnh minh họa: Hoi An Travel Guides: Weather, Accommodations, Restaurants & Bars

Việc thu phí đã được Luật Di sản quy định và Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua song lâu nay công tác quản lý, kiểm soát chưa chặt chẽ. Thống kê cho thấy dưới 50% du khách đến khu phố cổ mua vé đã gây thất thoát ngân sách lớn. Do vậy, thành phố áp dụng chặt việc bán vé để có nguồn kinh phí.

Về giá vé, bà Cẩm cho biết “phí vào di tích là bình thường ở Việt Nam” và những điểm du lịch nhỏ thậm chí đã thu phí trên 100.000 đồng. Các lăng tẩm ở Huế bán vé từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi nơi. Hội An là một quần thể rộng, vé 80.000 đồng cho khách nội địa và 120.000 đồng khách nước ngoài “là rẻ”.

Bà dẫn một ví dụ tại Trung Quốc, Phượng Hoàng Cổ Trấn, một khu phố cổ nổi tiếng, điểm đến của nhiều khách Việt những năm gần đây, đang thu phí 248 nhân dân tệ (khoảng 845.000 đồng) hoặc 138 nhân dân tệ (khoảng 470.000 đồng), một người, tùy lựa chọn tham quan.

Thành cổ Lệ Giang không thu vé nhưng khuyến khích du khách đóng góp 80 nhân dân tệ (khoảng 270.000 đồng) phí bảo tồn. Cổ trấn Tây Đường bán vé 95 nhân dân tệ (khoảng 320.000 đồng).

Bà Cẩm cho hay việc tất cả du khách mua vé khi tham quan phố cổ Hội An sẽ tạo một thói quen thể hiện trách nhiệm đối với điểm đến, phát huy giá trị di sản.

Theo Bà, khu phố cổ lượng khách đến đông khiến môi trường du lịch, rác thải rất lớn mỗi ngày. Nếu không có chi phí từ vé tham quan thì việc trùng tu, bảo tồn, cải thiện môi trường du lịch, vệ sinh môi trường, tạo các sản phẩm mới phục vụ du khách khó thực hiện.

Làm sao kiểm soát đối tượng thuộc diện thu phí, đối tượng không thu phí

Người dân Hội An ủng hộ chủ trương thu phí, nhưng dư luận vẫn tỏ ra lo ngại về phương án làm sao để kiểm soát.

Có người đặt vấn đề, nếu là người dân địa phương đang sinh sống trong phố cổ thì sao? Vậy những ai muốn vào thăm người thân cũng phải mất tiền mua vé hay sao?

Trước mắt giới chức Hội An đặt ra phương án về lối đi riêng để phân biệt. Lối đi của người dân Hội An ra vào không hạn chế, không phải soát vé. Ngoài đường chính, người dân được đi các ngõ hẻm. Nhưng du khách bắt buộc đi các lối chính, tại đây có người chốt và hướng dẫn viên hỗ trợ mua vé tham quan.

Việc nhận diện phân biệt du khách với người dân đã được tính toán và tiếp tục xem xét. Theo giới chức địa phương, ban đầu, sẽ có lực lượng kiểm soát viên, hướng dẫn viên, sau này sẽ lắp đặt camera giám sát, khi phát hiện những người đi vào phố cổ không mua vé sẽ thì mời ra nơi mua vé. “Thành phố đang xây dựng số hóa vé tham quan để tích hợp nhận diện, mã QR, tạo thuận tiện cho du khách” – bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Hội An.

Liên quan với việc bố trí lối đi cho người dân địa phương, lao động làm việc dịch vụ tại phố cổ, thăm thân… ông Sơn cho biết, từ nay đến ngày 15/5 thời gian còn dài, chính quyền thành phố sẽ tổ chức họp dân để thống nhất phương án phù hợp.

Chỉ có 1 Hội An xin “đừng so sánh” 

Có người lấy việc thu phí Hội An ra để cảnh báo nguy cơ khách không quay trở lại, thậm chí có kênh truyền thông cho rằng chỉ có Hội An mới thực hiện việc thu phí như thế này. Họ cho rằng việc thu phí là không hợp lý, là một quyết sách sai lầm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thôi nghĩ về các khoản phí, mà nghĩ về “giá trị”, thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều.

Thế giới có 1 Hội An nên “đừng so sánh” với một địa điểm du lịch nào khác. Mỗi địa điểm, mỗi một di sản đều có những giá trị phục vụ nhân loại riêng biệt. Chưa cần đến việc Unesco công nhận, thì Hội An vốn dĩ đã là một di sản của thế giới. Và việc của chúng ta là bảo vệ nó, khai thác nó theo hướng tích cực cho đời sống con người hiện tại và mai sau.

Hội An Việt Nam Tầm Nhìn Tuyệt Đẹp Ra Phố Cổ Hội An Lúc Hoàng Hôn Hình ảnh Sẵn có - Tải xuống Hình ảnh Ngay bây giờ - iStock
Không chỉ là gạch nối cho Con đường tơ lụa trên biển,con đường Trà mà Hội An còn là gạch nối giữa truyền thống và hiện đại – Ảnh minh họa.

Hội An trong lịch sử có nhiều tên gọi khác nhau: Hải Phố, Hoài Phố, Hội Phố, Hoa Phố, Haiso, Faifo… vốn là một thương cảng nằm bên bờ con sông lớn nhất Quảng Nam, đã có một thời kỳ phát triển phát đạt nhất khu vực Đông Nam Á, thu hút thuyền buôn nhiều nước Đông Nam Á và nhiều nước phương Tây đến đây để trao đổi, mua bán hàng hóa. Lê Quý Đôn từng ghi chép trong Phủ Biên Tạp Lục: “…Thuyền vào Hội An thứ gì cũng có”.

Thương cảng Hội An hình thành từ thế kỷ XVI, thịnh đạt nhất trong thế kỷ XVII-XVIII, suy giảm dần từ thế kỷ XIX. Không diễm lệ, quy mô như Kinh thành Huế, không nằm ở trung tâm hành chính như Hà Nội, nhưng Hội An có vị trí, vai trò, đặc điểm riêng và những giá trị lịch sử – văn hóa độc đáo.

Trong khi hầu hết các đô thị cổ khác, trải qua những biến động của lịch sử và những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên đều bị hủy hoại, hoặc được cải tạo hoàn toàn theo kiểu hiện đại, chỉ để lại trên mặt đất vài di tích rời rạc, thì Hội An được bảo tồn khá nguyên vẹn. Có thể coi đây là trường hợp duy nhất của Việt Nam và cũng là trường hợp hiếm thấy trên thế giới.

Như là một bảo tàng sống duy nhất tại Việt Nam, Hội An xuất hiện trên “Con đường Tơ Lụa”, ” Con đường Trà” của Thế giới”. Nếu nói Hội An là nơi trầm tích các giá trị văn hóa truyền thống nhân loại thì cũng không là quá đáng. Nơi đây mang chứa những người đến từ các nền văn minh Trung Hoa, Nhật Bản và cả từ Châu Âu. Chỉ riêng điểm này thôi, đã khiến Hội An trở nên khác biệt.

Người ta có thể trả tiền thậm chí nhiều tiền để xem các cuộc thi hoa hậu hay thẳng tay chi trả cho những trò tiêu khiển vô bổ, những đam mê đặc trưng của những kẻ trọc phú. Vậy vì sao không thể chi trả một khoảng rất nhỏ để chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa nhân loại.

Nên vấn đề ở đây không phải là có thu phí hay không, mà là thu như thế nào, và sử dụng ra sao. Mà để làm được điều này, thì chúng ta đừng quá trông đợi vào giới chức chính quyền, mà cả cộng đồng phải vào cuộc bàn phương án. Bởi lẽ những chủ trương chính sách xã hội luôn có độ “trễ” so với các vấn đề cuộc sống phát sinh. Nên không có tiếng nói người dân, sẽ không có sự kịp thời.

Nam Vũ

(Bài viết thể hiện quan điểm của Tác giả, không nhất thiết là quan điểm của Tân Thế Kỷ)

VIDEO CHỌN LỌC

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều