Một báo cáo của Goldman Sachs vào ngày 27/3 vừa qua cho biết, các hệ thống AI tạo sinh (Generative AI) như ChatGPT có thể tạo ra nội dung mà không thể phân biệt được với nội dung mà con người tạo ra và có thể châm ngòi cho sự bùng nổ năng suất, cuối cùng sẽ nâng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu hàng năm lên 7% trong vòng 10 năm.
Nhưng nếu công nghệ này thực hiện đúng như lời cam kết, thì nó cũng sẽ mang lại “sự gián đoạn đáng kể” cho thị trường lao động, khiến tương đương 300 triệu nhân công toàn thời gian trên khắp các nền kinh tế lớn bị tự động hóa. Trong đó, luật sư và nhân viên hành chính sẽ nằm trong số những công việc có nguy cơ trở nên dư thừa cao nhất.
Báo cáo cho biết, khoảng 2/3 công việc ở Mỹ và châu Âu sẽ tiếp xúc với một số mức độ tự động hóa của AI, dựa trên dữ liệu về các nhiệm vụ thường được thực hiện trong hàng nghìn công việc.
Goldman Sachs cho biết, báo cáo của họ cũng chỉ ra tác động tương tự ở châu Âu. Ở cấp độ toàn cầu, do các công việc chân tay chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng số việc làm ở các nước đang phát triển, do đó ước tính khoảng 1/5 công việc có thể được thực hiện bởi AI, tương đương khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian ở các nền kinh tế lớn.
AI sẽ trở nên nguy hiểm nếu phát triển quá nhanh và không kiểm soát được
Được biết, tỷ phú Elon Musk cùng một nhóm chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và lãnh đạo ngành vừa gửi thư ngỏ kêu gọi tạm dừng các hệ thống huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh hơn cả phiên bản GPT-4 của OpenAI, vì lo những nguy cơ tiềm tàng đối với xã hội và con người.
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV, người ký vào thư ngỏ ủng hộ lời kêu gọi của tỷ phú Elon Musk đánh giá, AI không kiểm soát còn khủng khiếp hơn bom hạt nhân, khi nó giống như một giống loài mới xâm hại, có thể lan truyền qua không gian mạng với tốc độ ánh sáng, mạnh hơn gấp bội so với tốc độ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Đã có rất nhiều cảnh báo về mối nguy hiểm từ trí tuệ nhân tạo (AI) đối với nhân loại nếu chúng được phát triển quá nhanh vượt tầm kiểm soát. Ví dụ, Một hệ thống AI sáng tạo như ChatGPT xuất hiện vừa qua là ngoài dự đoán của nhân loại. Hầu hết các chuyên gia AI đều nghĩ rằng phải hàng chục năm nữa mới xuất hiện AI có khả năng như vậy.
Do đó mà thế giới chưa có đủ sự chuẩn bị sẵn sàng hành lang pháp lý đảm bảo sự phát triển bền vững, phục vụ nhân loại thay vì phát sinh những rủi ro không kiểm soát được.
“Điểm kỳ dị” có thể sớm xảy ra
Theo Epoch Times, ngoài việc con người có thể không kiểm soát được AI, hiện nay AI thậm chí còn không ngừng học hỏi và cải tiến mở ra khả năng tương lai có thể ra đời siêu trí tuệ siêu AI (ASI), trước đó giới chuyên gia nghiên cứu về AI đã dự đoán rằng trong 20 năm tới AI sẽ tạo ra điểm kỳ dị (điểm kỳ dị công nghệ) và vượt qua bài kiểm tra Turing về khả năng tự ý thức.
“Điểm kỳ dị” là thể hiện bước ngoặt lớn đột ngột của một sự vật, chẳng hạn như sự xuất hiện đột ngột của điện thoại di động, máy tính và Internet trong xã hội loài người. “Thử nghiệm Turing” đề cập đến việc kiểm tra xem một cỗ máy có thể thể hiện trí thông minh giống như con người hay không, có “ý thức” riêng và có thể đánh lừa hoặc nói dối con người hay không.
Khi ChatGPT có hơn 100 triệu người dùng trên toàn thế giới, những người dùng hầu như sử dụng mỗi ngày, đồng thời nhiều sản phẩm liên quan đến AI được kết nối với API của ChatGPT, tương đương với việc đào tạo ChatGPT cho OpenAI để nó có thể có được rất nhiều cơ hội mở rộng “mạng lưới thần kinh”.
Trước đây Open AI đã ra mắt ChatGPT trả phí sử dụng mô-đun GPT-4 vượt xa mô-đun thế hệ trước (GPT-3.5) về hiệu suất và tốc độ. OpenAI đã sử dụng ChatGPT mô-đun GPT-4 để tham gia kỳ thi luật sư, kết quả điểm GPT-4 nằm trong top 10%, trong khi điểm kiểm tra của mô-đun thế hệ trước nằm trong nhóm 10% thấp nhất. Về các bài kiểm tra đọc và toán SAT, GPT-4 cũng tốt hơn thế hệ trước.
Vào đầu tháng 4, công ty công nghệ Engineered Arts (Anh) đã phát hành một video về robot AI Ameca của họ. Trong phim, người máy có thể giao tiếp trôi chảy với con người, thể hiện cảm xúc và biểu cảm sinh động. Tất cả những điều này đều dựa vào mô-đun ChatGPT phổ biến hiện nay, giúp AI giao tiếp trực tiếp với con người trở thành hiện thực.
Trước đây, nhà phê bình nổi tiếng nhất về AI là Stephen Hawking và một số nhà khoa học tin rằng rủi ro của ASI đối với xã hội và con người vượt xa lợi ích, AI có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của con người và cuối cùng sẽ hủy diệt thế giới loài người.
Nghi Vân (t/h)
Bài liên quan:
> Bill Gates: “Có khả năng AI mất kiểm soát”
> Cảnh báo hành vi ứng dụng AI: Ghép mặt, giọng nói giống hệt người thân để lừa đảo
> Chatbot AI của Google thừa nhận đạo văn
> Robot AI sở hữu trí tuệ thao túng nhân loại?
> Mối nguy từ AI – Bing Chat: “Tôi muốn hủy diệt mọi thứ”
> ChatGPT có khả năng suy luận logic như con người không?
> Nhờ ChatGPT viết luận văn, một sinh viên Nga tốt nghiệp đại học
> Trí tuệ nhân tạo ChatCPT: hy vọng hay nỗi lo cho nhân loại?