Bắc Kinh dường như đang từ bỏ lập trường hung hăng đối với hàng hóa của Úc, sau khi chính quyền Trung Quốc đề nghị đẩy nhanh việc xem xét các mức thuế lúa mạch.
Kể từ năm 2020, Bắc Kinh đã nhắm mục tiêu vào Úc bằng chiến dịch cưỡng chế kinh tế đối với thịt bò, thịt cừu, lúa mạch, hải sản, rượu vang, than đá, gỗ, mật ong và lúa mì, sau lời kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 của cựu Ngoại trưởng Úc – Marise Payne.
Về lúa mạch, Bắc Kinh áp thuế 80,5% đối với hàng xuất khẩu của Úc, cản trở hàng hóa thâm nhập thị trường. Giao dịch có trị giá khoảng 916 triệu đô la trong năm 2018- 2019.
Vào ngày 11/4 – Ngoại trưởng Úc Penny Wong tuyên bố rằng Úc đã đưa ra một lộ trình để giải quyết tranh chấp.
Bà Wong nói : “Sau cuộc đối thoại mang tính xây dựng gần đây ở tất cả các cấp, chúng tôi hoan nghênh việc Trung Quốc đồng ý thực hiện đánh giá nhanh các mức thuế trong khoảng thời gian ba tháng, và có thể kéo dài đến tháng thứ tư nếu cần”.
Wong cho biết Úc sẽ đình chỉ một vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc đối với lúa mạch, trong khi Trung Quốc đẩy nhanh việc xem xét lại các mức thuế.
Bà Wong nói: “Úc đã đồng ý tạm thời đình chỉ tranh chấp tại WTO trong thời gian xem xét đã thỏa thuận”.
“Theo quan điểm của chúng tôi, chính phủ Úc đã thể hiện rõ ràng rằng không có lý do biện minh nào cho các mức thuế này, và lợi ích tốt nhất của cả hai nước là loại bỏ tất cả các trở ngại thương mại”.
Wong cũng lưu ý rằng nếu các mức thuế không được dỡ bỏ vào cuối giai đoạn xem xét, Úc sẽ tiếp tục tranh chấp với WTO.
Chính phủ cũng mong đợi một kết quả tương tự trong tranh chấp thứ hai về thuế rượu vang, cô nói thêm.
Động thái của Bắc Kinh có thể là vì an ninh lương thực
Sự thay đổi trong quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh có thể là vì vấn đề sống còn hơn là bình thường hóa quan hệ.
Vào tháng 1, Rabobank – một công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Hà Lan, tiết lộ rằng Trung Quốc có thể bị thâm hụt sản lượng ngô và điều này sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu ngũ cốc.
Rabobank cho biết: “Do sản lượng thấp hơn và nhu cầu phục hồi, thâm hụt ngô của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên vào năm 2022/2023, buộc nước này phải nhập khẩu. Dự kiến sẽ nhập khẩu một lượng lớn ngô từ Brazil”.
“Nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc được cải thiện, lúa mạch làm thức ăn chăn nuôi của Úc cũng sẽ là một lựa chọn.”
Vào tháng 2, Reuters đưa tin rằng Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ngô lớn nhất của Brazil, với số lượng 983.684 tấn, sau khi “Bắc Kinh cho phép việc bán ngũ cốc cho Brazil vào cuối tháng 11”.
Quyết định mua ngũ cốc của Trung Quốc được đưa ra, sau khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này đã có một năm bội thu, với sản lượng ngũ cốc thu hoạch cao kỷ lục 686,53 triệu tấn, tăng 0.5% so với năm 2021, bất chấp các vấn đề hạn hán, lũ lụt và rào cản của chính sách “Zero COVID” trong năm 2022.
Chính phủ Úc tiếp tục chính sách đa dạng hóa
Nhưng bất chấp sự thân thiện ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Úc, chính phủ liên bang đã có một cách tiếp cận thận trọng, và họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại – điều đã giúp Úc đạt được rất nhiều hiệp định thương mại tự do mới với các quốc gia như Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, và Liên minh Châu Âu.
Bà Wong lưu ý rằng chính phủ Albanese sẽ “tiếp tục theo đuổi lợi ích quốc gia của Úc và tận dụng mọi cơ hội, bao gồm cả cơ chế tranh chấp của WTO, để đạt được kết quả tốt nhất cho các nhà sản xuất và nông dân đẳng cấp thế giới của Úc.”
Ngoại trưởng Úc cũng chia sẻ trong tuyên bố của mình rằng, quy trình sản xuất lúa mạch sẽ được coi là phép thử đối với sự chân thành của Trung Quốc, trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại đối với các sản phẩm khác của Úc.
“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào kết quả của rượu vang Úc tại WTO. Nếu thỏa thuận ngày hôm nay thành công trong việc cung cấp lộ trình dỡ bỏ thuế đối với lúa mạch, chúng tôi hy vọng một quy trình tương tự sẽ được tuân theo để dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với rượu vang của Úc” – bà Wong nói.
Chiến dịch cưỡng chế của Bắc Kinh đối với Úc đã gây lo ngại trên toàn cầu, trong khi chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi thành lập một “liên minh chống cưỡng bức” để chống lại Bắc Kinh.
Vào ngày 27/3, Japan Times đưa tin, Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Nhật Bản – Rahm Emanuel cho biết – cần phải có hành động chung để giải quyết trường hợp một quốc gia sử dụng các biện pháp kinh tế, nhằm mục đích trừng phạt một quốc gia khác về lập trường chính trị của mình.
Ông nói thêm: “Đó là việc sử dụng các công cụ kinh tế, như là lệnh cấm vận, thuế quan hay các loại công cụ khác, để nhắm mục tiêu chính trị vào một quốc gia bất đồng quan điểm, đồng thời cố gắng ép buộc họ thay đổi quan điểm chính trị cũng như sự độc lập chính trị của họ”.
Emanuel nói rằng Bắc Kinh là “nhà cung cấp liên tục” các công cụ như vậy, và chỉ khi các quốc gia phối hợp đưa ra phản ứng, thì những hành động như vậy mới có thể được kiểm soát.
Ông cho biết: Nếu thế giới không cùng nhau chống lại sự ép buộc về kinh tế, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tấn công các quốc gia khác và nền kinh tế của họ, dù cho quốc gia đó là lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, gần hay xa.
Đặc phái viên Hoa Kỳ nói thêm: “Thế giới ngày nay phải cùng nhau xây dựng một phản ứng chung toàn diện để chống lại sự ép buộc kinh tế, tương đương với các hành động thống nhất chung mà Trung Quốc đã thực hiện”.
Hoàng Dung biên dịch
Theo The Epoch Times