Vua Hùng thứ 18 (Hùng Tuyền Vương) cũng là một vị vua nổi tiếng được biết đến nhiều trong dân gian qua các Thần tích bắt nguồn từ những cô công chúa con của ông, những người đẹp nhất nước thời ấy và những người chồng siêu phàm bất tử của họ.
Tiên Dung – Chử Đồng Tử và sự tích Nhất Dạ trạch
Ngọc phả kể rằng, đến đời Hùng Tuyền Vương (Vua Hùng thứ 18), khí số đã tận, cơ đồ họ Hùng đã đến hồi kết thúc nên Vua không sinh được con trai. Vua và quần thần đi thăm các cung tiên ở Tam Đảo, Tản Viên, cho dựng các điện miếu, cầu phúc cầu con cuối cùng sinh được 2 người công chúa rất xinh đẹp là Mỵ nương Tiên Dung, Mỵ nương Ngọc Hoa. Hai người con gái này của An Dương Vương sau đều lấy những bậc vĩ nhân, tuy nhiên lúc mới lập gia đình thì không phải ai cũng có thể làm cho Hùng Vương ưng ý, đặc biệt là Chử Đồng Tử, chàng trai nghèo nhất nước thời bấy giờ.
“Hùng Vương có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng hai, tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.
Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh kiệt tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:
– Ta chết thì chôn lộ thể cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.
Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, đói rét khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buồm đi qua, đứng dưới nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chòm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên. Giây lát, thuyền của Tiên Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm.
Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai. Tiên Dung nói:
– Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này cùng lộ thân với nhau trong một huyệt cát, có lẽ Trời khiến thế chăng? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi.
Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có.
Đồng Tử nói rõ sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ. Tiên Dung nói:
– Việc này tự Trời tác hợp, việc gì mà từ chối?
Những người tháp tùng vội đem việc ấy tâu lên với Hùng Vương; Hùng Vương giận bảo rằng:
– Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá, lấy người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa, từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nước nữa.
Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán, kính sự Tiên Dung Đồng Tử làm chủ.
Có một nhà đại thương đến nói với Tiên Dung rằng:
– Quý nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngoài biển mà mua vật quý, sang năm sẽ lời được một thoi.
Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng:
– Vợ chồng ta do Trời định khiến, ăn mặc là của Trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai.
Đồng Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để cho Đồng Tử về. Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:
– Linh thông tại đây đó.
Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xà, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường, mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt.
Sáng ngày ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương, ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.
Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ.
Tiên Dung nói rằng:
– Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là Trời run rủi; sinh tử tại Thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.
Lúc bấy giờ những người mới tập họp, sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung.
Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng, thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian không trông thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị.” (theo Lĩnh Nam Chích Quái- truyện Đầm Nhất Dạ)
Sơn Tinh Thủy Tinh và câu chuyện kén rể huyền thoại
Vì Hùng Tuyền Vương không có con trai mà chỉ sinh được những cô con gái xinh đẹp nên ngoài một con rể đắc Đạo về Trời là Chử Đồng Tử, thì cuộc thi kén rể cho một người con gái khác cũng đã đi vào huyền thoại mấy nghìn năm qua, chính là truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh.
“Tuyền Vương kế nối chính thống, gồm đủ thánh triết, tài lớn anh hùng, kế thừa cơ đồ lớn lao 17 đời tổ đắp tông bồi. Trong sửa võ bị, ngoài giữ biên cương, dốc chí hưng thịnh trị bình, giữ yên trong nước. Xa noi nền trị của các bậc tiền vương, kính sùng thiên địa, kính thờ quỷ thần, trời ban phúc lành, mến giúp quốc sự. Vì thế vương càng gia tăng sùng chuộng, kính tín thần nhân, truyền hịch cho thần dân trong nước sửa thêm đền miếu, nghi vệ trang nghiêm, ngày ngày đều dâng hương hoa tỏ lòng thành kính phụng thờ. Châu huyện nào có quan cai quản thì mỗi tháng đôi lần viên quan ấy phải đến làm lễ mật khấn bách thần cầu nguyện cho mệnh mạch quốc gia dài lâu. Vương đích thân lên núi Nghĩa Lĩnh xem tôn điện của các tổ tông cùng linh điện các danh tướng của lịch triều, thảy đều cho sửa sang tu bổ. Tăng thêm tầng cao của các dãy tường bao, lâu đài muôn trượng vươn cao như cột chống trời, ánh sáng bừng lên khắp bốn phía. Cuốn đất một bầu phong cảnh, dựng đàn yết lễ, truyền cho văn võ triều thần sửa sang áo mũ một màu làm lễ chầu chính. Rồi đó vương và quần thần lên xa giá đi thăm các cung Tiên ở Tam Đảo, Tản Viên, xem khắp địa thế những nơi núi non lạ kỳ phong cảnh tươi đẹp, cho dựng các điện miếu, mật khấn cầu phúc cầu con. Nhưng đến thời này lịch số cáo chung, cơ đồ họ Hùng đã đến hồi kết thúc.
Tuyền Vương chiêm bao thấy điềm rắn lớn, sau sinh được con gái hai nàng, đều là những trang thục nữ phụ đức trinh hiền, phong tư tuấn nhã, so ra thì Tề Khương, Tống nữ chỉ là hạng tầm thường, cha Vua mẹ Tiên, lứa duyên thật xứng hợp. Nàng chị là Mỵ Châu Tiên Dung công chúa, nàng em là Mỵ nương Ngọc Hoa công chúa, được vua cha hết mức yêu quý. Mỵ Châu sau được gả cho Chử Đồng Tử (ở xã Đa Hòa huyện Đông Yên phủ Khoái Châu xứ Sơn Nam).
Về phần Mỵ nương công chúa, phụ Vương có ý kiến muốn tìm kẻ tuấn kiệt anh hùng nên giai kỳ chưa định. Vua bèn cho dựng hai ngôi lầu ở đầu núi Việt Trì, treo biển đề tên là Đãi Hiền Lâu (lầu đợi hiền tài), cho công chúa thứ hai đến ở lầu ấy. Tiếp đó truyền hịch truyền cho văn nhân tài tử khắp bốn phương đất nước đến hội ở kinh thành để thi tài, ai trúng tuyển sẽ được Vua gả công chúa. Thế là bốn phương hào kiệt đều hoan hỉ nhảy múa, lũ lượt đông như mây họp kéo đến quốc đô. Hùng Tuyền Vương đích thân ra đề ngự thí. Hiền tài trong thiên hạ đều có mặt cả ở trường thi Hội. Nhưng phần nhiều được mặt này thì mất mặt kia, cùng lóc lóc trôi tuột cả, đều chưa phải là bậc toàn tài của đương thời. Duy có Sơn Tinh và Thuỷ tinh là hai bạn đồng học cùng thầy, có nhiều thuật pháp thông thiên nhập địa nhưng không đến kịp để dự thi. Hai ngày sau hai người mới tới kinh thành, dâng lời tâu lên Vua:
– Bọn thần thẹn nỗi kém tài, sống thừa trong vương quốc. Trộm nghe thánh thượng lớn mở khoa thi kén rể hiền. Bọn thần đến muộn, nhưng muốn được thi tài để gặp vận may không lọt ra ngoài hịch chiêu hiền của thánh thượng.
Hùng Tuyền Vương cả mừng, bèn đặc cách lên xe đến sông Bạch Hạc ngự thí cho hai người. Sơn Tinh đến ngồi ở đầu sông, Thủy Tinh trở về dưới đáy nước. Trong khoảnh khắc bỗng thấy mây mưa nổi lên giữa dòng, mặt sông gió tung bụi cuốn. Đáy biển vang tiếng động ầm ầm, trên không chớp loè loang loáng. Giao long, rùa, cá từng đoàn theo sóng tung lên muôn vạn lớp; kình, ngạc, côn, nghê nuốt muôn sóng ngàn sông. Một bầu trời đất, muôn trũng sóng cuồn. Trong khoảng tranh tối tranh sáng, những ai trông thấy đều phải rụng mật run tim. Sơn Tinh tay trái cầm quyển sách, tay phải cầm cây trượng, miệng niệm thần chú. Tay chỉ vào đâu nơi ấy hiện lên muôn quái nghìn kỳ, thảy đều do trượng đầu vung quét. Một biến một hoá đều là diệu pháp Thần thông, biến hoá khôn lường.
Hùng Tuyền Vương thấy hai hiền tài đều có phép thuật như nhau, không biết nên chọn gả công chúa cho người nào? Vua bèn lên xe trở về cung, triệu Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đến bảo:
– Trẫm chỉ có một viên ngọc Lam Điền, ngày trước Vua Thục cầu hôn không gả. Nay cả hai đều là bậc anh hùng, chưa biết phải thẩm định thế nào cho tiện. Vậy ai đem sính lễ đến trước thì trẫm gả cho người ấy. Thế là Sơn Tinh và Thuỷ Tinh hẹn nhau:
– Bọn ta cùng trở về sửa soạn sính lễ, để xem ai là người đến trước?
Thuỷ Tinh trở về thủy cung ở Động Đình, lại còn phải tìm chọn lễ vật cho thật tân kỳ. Sơn Tinh thì chỉ xuống lầu cầm gậy trúc chỉ lên trời nhẩm khấn xin Ngọc hoàng ban cho các vật làm sính lễ. Khấn xong liền thấy voi trắng chín ngà cùng các đồ châu ngọc trân kỳ từ trên trời hiện xuống. Sơn Tinh bèn cho xếp đặt, vừa đúng giờ Tí (nửa đêm) đã đưa các đồ sính lễ đến trước lầu rồng của Tuyền Vương. Tuyền Vương bèn gọi công chúa đến báo cho biết đã gả Mỵ nương cho Sơn Tinh. Sơn Tinh bèn đưa rước ngay Mỵ Nương về sơn động ở núi Tản Viên. Đến giờ Mão Thuỷ Tinh cũng đem đủ lễ vật đến. Tuyền vương nói: “Sơn Tinh đã đem lễ đến trước rồi!”. Thuỷ Tinh tức giận bỏ về thuỷ cung.”
Khí số đã tận, Hùng Tuyền Vương quy về tu tiên
Dù đã cố gắng tu dưỡng bản thân, trị vì quốc gia nhưng cả đời chỉ sinh được hai con gái, Hùng Tuyền Vương biết là khí số nhà Hùng đã tận, không thể cưỡng lại ý trời. Ông bèn thuận theo Thiên ý mà nhường ngôi cho An Dương Vương Thục Phán, quay về núi tu Đạo cùng con rể Sơn Tinh.
“Hùng Tuyền vương hưởng nước 115 năm rồi nhường ngôi cho rể là Sơn Tinh Tản Viên. Sơn Tinh cố từ không dám nhận. Tuyền vương nói: “Cơ đồ họ Hùng đã hết, khanh có thể lên thay”.
Tản Viên còn do dự chưa quyết thì Thục vương (là chúa Phụ đạo nước Ai Lao, cũng là tông phái Hùng vương) từ xa nghe tin Tuyền vương nhường ngôi cho Tản Viên, bèn đem quân sang đánh Hùng Tuyền Vương để xâm chiếm nước Nam. Vua (Tuyền Vương) binh hùng tướng mạnh, Thục vương mấy lần bị đánh bại. Vương bảo với Thục vương: “Ta có sức thần, Thục vương không sợ sao?”
Từ đó Tuyền Vương bỏ bê không chăm sửa sang võ bị, chỉ đam mê tửu sắc làm vui. Đến khi quân Thục kéo đến tận nơi, vua vẫn còn say khướt chưa tỉnh. Quân lính trở giáo đầu hàng quân Thục. Hùng Tuyền vương thu họp tàn quân, tuyển thêm dân binh, rồi sai người đưa thư cho Tản Viên, nói: “Thục vương đem quân sang đánh, đã chiếm đô thành của ta, khanh mau đem quân đến cứu viện”.
Tản Viên bèn dẫn binh mã thẳng đến Loa Thành, dàn quân đối trận với Thục vương để khuếch trương thanh thế. Mấy hôm sau Tản Viên khuyên Hùng Tuyền vương:
– Họ Hùng hưởng nước kể cũng đã lâu dài. Lòng trời ắt có hạn, khiến cho Thục vương thừa cơ gây hấn xâm lấn nước ta. Vả lại Thục vương vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là dòng phái của tiền hoàng đế. Nay quốc thế không được bình thường, cũng là chuyện do tiền định. Vua có yêu riêng gì một cõi đất phương nam mà cưỡng lại ý Trời, làm hại sinh linh? Vả lại bệ hạ và thần đã có phép thần tiên, không gì hơn là quay về chốn Bồng Hồ, Lãng Uyển, tiêu dao ở làng quê bất lão, thanh nhàn nơi gác phượng lầu rồng, há phải nhiễm bẩn bụi trần, vàng ngọc châu báu cũng chẳng bằng mảy lông, ngọc nữ tiên đồng cũng chỉ mát mắt chốc lát. Trí lực như thế mới thật là cao!
Tuyền vương cho là phải. Rồi Tuyền vương sai đưa thư nhường nước cho Thục vương. Thục vương sai sứ đến tạ ơn. Tuyền vương trở về núi Nghĩa Lĩnh cùng với Tản Viên Sơn Tinh, biến hóa vào cõi hóa sinh bất diệt.
Thục An vương đã được nhường nước, tưởng nhớ ơn đức trời biển của Hùng Tuyền Vương bèn xa giá đến núi Nghĩa Lĩnh cho dựng Dao Đài để làm nơi quốc gia phụng thờ, dựng hai cột đá trong núi, chỉ tay lên trời thề rằng:
– Nguyện trời cao mây xám lồng lộng xét soi: nước Nam trường tồn trường tại. Ngôi miếu Hùng vương nơi đây nếu vua sau kế trị mà bội ước nhạt thề thì sẽ bị rìu trăng búa gió trừng phạt, không phụ lời thề của tiền nhân.
Đọc lời khấn xong, Thục vương lạy tạ rồi lên xe trở về kinh đô Phong Châu, cho triệu các dòng phái cành vàng lá ngọc của dòng họ Hùng ban cho danh hiệu Trung nghĩa hương (làng Trung nghĩa), cấp cho dân tạo lệ hưởng dụng lâu dài, cấp 500 mẫu ruộng ở gò Nghĩa Lĩnh thuộc bản thôn. Lại cấp cho các cánh ruộng ở nhiều địa phương để thu tô thuế: trên từ Tuyên Quang, Hưng Hoá, dưới đến các xã ở Việt Trì hàng năm nộp hoa lợi để dùng vào việc đèn hương phụng thờ 18 đời vua Hùng từ Thánh tổ Cao hoàng đế đến các vua kế đời truyền nối.” (Hùng Vương ngọc phả)
****
Ngoài công sức máu xương của vô số tiền nhân, một nhân tố vô cùng quan trọng để giữ gìn quốc gia chúng ta trường tồn chính là công đức vô lượng của các đời vua Hùng truyền cho con cháu. Bằng cách trị quốc tuyệt vời nhất trong lịch sử, qua đó nhà vua cũng chính là một người tu luyện đắc Đạo, dùng công đức tu hành của mình để thờ Thượng đế, nhờ Thiên đình và Thần Phật ban phúc, duy hộ quốc gia được vĩnh truyền vạn thế.
Điều này cũng lý giải bí ẩn tuổi thọ hàng mấy trăm năm của một vua Hùng trong giai đoạn đó, vì người tu luyện là siêu thoát người thường nên tuổi thọ như thế hoàn toàn có thật, nhất là thời cổ đại. Ngoài ra, Thiên thượng ban phúc đồng thời cũng ban truyền cho nền văn hóa tinh hoa của Thần, nội hàm thâm sâu và bền vững. Cũng nhờ thế mà cha ông đã có đủ nội lực để có thể vượt qua 1000 năm Bắc thuộc đen tối, đủ sức dung hòa văn minh Hoa hạ vào văn hóa bản địa để hình thành nên nước Việt ngày nay. Và giờ đây chúng ta mới may mắn được nghe lại những Thần tích huy hoàng của ông cha qua Hùng Vương ngọc phả, quả thật là kỳ diệu và linh ứng vô cùng.
Chân Tâm (t/h)
(Tham khảo: NTDVN)