Tân Thế Kỷ – Mới đây, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã ngăn cản một tàu tuần tra của Philippines đi vào vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Sự việc này suýt chút nữa đã gây ra một vụ va chạm kinh hoàng giữa 2 bên. Các phóng viên nước ngoài được Philippines mời đến đã chứng kiến một đợt uy hiếp mới của Bắc Kinh trên tuyến đường biển chiến lược này.
Vào Chủ nhật (23/04), tàu tuần duyên lớn của Trung Quốc đã đối đầu với tàu “BRP Malapascua” của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ở vùng biển ngoài khơi gần Bãi Cỏ Mây. Trên tuyến đường thủy quốc tế đang tranh chấp này, các tàu tuần tra của Trung Quốc và Philippines thường có những cuộc chạm trán đầy căng thẳng.
Cùng ngày, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã mời một số nhà báo đi cùng họ, bao gồm cả những phóng viên từ báo Associated Press và Agence France-Presse. Lần đầu tiên các nhà báo được tham gia một cuộc tuần tra dài 1.670km trên biển. Đây là một phần trong chiến lược mới của Philippines nhằm vạch trần hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ USD thương mại toàn cầu quá cảnh ở đây mỗi năm.
Tàu Malapascua và một tàu khác của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines là Malabrigo, đã tiến về tuyến đầu của vùng biển tranh chấp. Họ đi qua một chuỗi các đảo, đảo nhỏ và rạn san hô do Philippines chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền, để tìm kiếm các dấu hiệu xâm lấn, đánh bắt trái phép và các mối đe dọa khác.
Tại các khu vực do Trung Quốc chiếm đóng hoặc kiểm soát, các tàu tuần tra của Philippines đã nhận được cảnh báo vô tuyến bằng tiếng Trung và tiếng Anh ngắt quãng, ra lệnh cho họ ngay lập tức rời khỏi nơi mà lực lượng bảo vệ bờ biển và đài phát thanh của hải quân Trung Quốc gọi là “lãnh thổ không thể tranh chấp” của Bắc Kinh.
Sự thù địch lên đến đỉnh điểm vào sáng Chủ nhật trên Bãi Cỏ Mây. Khi hai tàu tuần tra tiếp cận vùng nước nông để khảo sát. Cảnh sát biển Trung Quốc liên tục ra lệnh cho phía Philippines rời đi. Nơi này cách đảo Palawan của Philippines khoảng 194 km về phía tây.
Sau một số cuộc trao đổi qua radio, người phát ngôn của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc có vẻ rất kích động, khi liên tục cảnh báo rằng họ sẽ đưa ra hành động.
Phía Trung Quốc nói: “Bởi vì bạn đã phớt lờ cảnh báo của chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết hơn theo luật pháp và mọi hậu quả phát sinh từ đó sẽ do phía bạn gánh chịu”.
Lúc này, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận hai tàu “Malapascua” và “Malabuligo” của Philippines. Thuyền trưởng tàu Malapascua – Rodel Hernandez cho biết khi con tàu đang di chuyển về phía lối vào của bãi cạn, tàu Trung Quốc bất ngờ quay lại và chặn ngay phía trước, lúc đó nó chỉ cách mũi tàu của họ từ 36m đến 46m.
Để tránh va chạm, Hernandez quay mạnh mũi tàu, sau đó tắt máy, đưa con tàu dừng hẳn.
Thủy thủ đoàn người Philippines trên tàu, cũng như các phóng viên đã ghi lại khoảnh khắc căng thẳng trên bằng máy ảnh, trong khi theo dõi vụ việc. May mắn thay, “Malapascua” đã quay đầu kịp thời để tránh một thảm họa có thể xảy ra.
Hernandez sau đó nói với các phóng viên rằng “những hành động đột ngột và rất nguy hiểm” của tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã coi thường các quy tắc quốc tế về tránh va chạm. Vì sự an toàn của các con tàu và nhân viên, ông đã để tàu của Philippines rời đi.
Philippines vạch trần hành vi bắt nạt của Trung Quốc
Trung Quốc từ lâu đã yêu cầu Philippines kéo tàu chiến BRP Sierra Madre rỉ sét rời đi và rút một nhóm nhỏ lính thủy đánh bộ đóng ở đó. Con tàu chiến cũ nát mắc cạn ở bãi Cỏ Mây như một tiền đồn để duy trì sự hiện diện ở khu vực này từ năm 1999, nó đã trở thành biểu tượng cho tuyên bố chủ quyền của Philippines tại đây.
Ông Hernandez nói rằng các tàu Trung Quốc thường xuyên ngăn cản các tàu Hải quân vận chuyển thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho các thủy thủ Philippines trên tàu.
Hãng thông tấn AP đưa tin – trong bối cảnh xuất hiện thù địch giữa các tàu hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc với các tàu tuần tra của Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila vào thứ Bảy tuần trước (22/4). Tần Cương cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines để giải quyết những khác biệt và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa 2 nước.
Trên bãi đá ngầm Oxbow do Philippines tuyên bố chủ quyền, các tàu tuần tra của Philippines phát hiện hơn 100 tàu dân quân tình nghi của Trung Quốc neo đậu cạnh nhau. Cảnh sát biển Philippines đã tiếp cận các tàu Trung Quốc trên và ra lệnh cho họ rời đi qua loa phóng thanh, nhưng không thuyền nào chịu di chuyển.
Chính quyền Trung Quốc sử dụng yêu sách “đường chín đoạn” để đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan cũng ít nhiều đều có tuyên bố chủ quyền tại đây. Vào ngày 12/07/2016, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết rằng yêu sách về chủ quyền của ĐCSTQ đối với “đường chín đoạn” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Đối mặt với một Trung Quốc có sự vượt trội hơn hẳn về quân sự, Philippines đã phát động một sự kiện vào đầu năm nay, khi mời các phóng viên báo đài quốc tế vạch trần hành vi gây hấn của ĐCSTQ ở Biển Đông, với hy vọng dưới áp lực của dư luận quốc tế, Bắc Kinh sẽ tôn trọng luật pháp hơn.
Phát ngôn viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Chuẩn tướng Jay Tarriela cho biết chiến lược này đang có hiệu quả. Ông chỉ ra rằng đại sứ Trung Quốc tại Manila đã buộc phải tổ chức một cuộc họp báo để giải thích tình hình ở Bắc Kinh.
Một đoạn video được công bố trước đó cho thấy một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc nhắm vào tàu Malapascua gần Bãi Cỏ Mây bằng tia laser cấp độ quân sự vào đầu tháng 2, và làm mù tạm thời hai thành viên thủy thủ đoàn.
Mặc dù Hoa Kỳ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng họ đã triển khai các tàu chiến và máy bay chiến đấu để tuần tra và tiến hành các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.
Philippines và Hoa Kỳ gần đây đã đạt được một thỏa thuận mới cho phép quân đội Hoa Kỳ sử dụng nhiều căn cứ quân sự hơn ở Philippines, khiến Bắc Kinh rất bất bình. Trung Quốc lo ngại rằng việc tiếp cận sẽ cho phép Washington xây dựng quân đội và giám sát các tiền đồn ở miền bắc Philippines. Bởi những nơi này đối diện với Đài Loan.
Washington đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ hỗ trợ trong việc bảo vệ đồng minh của mình là Philippines. Nếu quân đội, tàu hoặc máy bay của Philippines bị tấn công ở Biển Đông.
Hoàng Dung lược dịch
Theo The Epoch Times
Xem Thêm:
Trung Quốc tức giận trước bình luận của tổng thống Hàn Quốc về Đài Loan
Ukraine và các nước Baltic “sốc” sau khi Trung Quốc nói về chủ quyền Ukraine
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*