Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi đồng USD tăng giá và nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (15/10) đi ngang ở ngưỡng 67 triệu đồng/lượng, chênh thế giới gần 19 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 21,3 USD/oz, tương đương giảm 1,3%, còn 1.646,3 USD/oz – theo dữ liệu từ Kitco.com. Cả tuần, giá vàng thế giới giảm 2,9%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 tháng, trong khi giá vàng miếng trong nước tăng 700.000 đồng/lượng.
Đại học Michigan công bố kết quả một cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng lên – một diễn biến mà Fed có thể đang theo dõi chặt chẽ. Dữ liệu này củng cố khả năng Fed sẽ không sớm dịch chuyển lập trường chính sách tiền tệ từ cứng rắn sang mềm mỏng. Sự cứng rắn của Fed tạo ra một môi trường hoàn toàn không có lợi cho giá vàng, vì vàng là tài sản không mang lãi suất.
Dữ liệu công bố ngày thứ Năm tuần này cho thấy lạm phát tháng 9 ở Mỹ cao hơn dự báo, khiến khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy lớn 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng 11 trở nên gần như chắc chắn. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn đặt cược vào khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy tròn 1 điểm phần trăm.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá 0,8% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt trong phiên ngày thứ Sáu, gây thêm áp lực mất giá lên vàng vì vàng được định giá bằng USD. Chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức 113,3 điểm, tăng 0,5% trong tuần này. Trong vòng 1 năm, chỉ số này đã tăng 20,6%.
Chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities nói rằng diễn biến giá vàng đang ngày càng ràng buộc với diễn biến tỷ giá đồng USD, và giá vàng có thể giảm về 1.600 USD/oz.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt trong phiên ngày thứ Sáu, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm vượt mức 4% lần thứ hai chỉ trong vòng 2 ngày, khi nhà đầu tư phản ứng với những kỳ vọng lạm phát cao hơn. Lợi suất trái phiếu tăng cũng là một lý do khiến vàng giảm hấp dẫn, vì kim loại quý cạnh tranh với trái phiếu kho bạc Mỹ ở vai trò kênh đầu tư an toàn.
Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện đi ngang ở chiều mua vào nhưng tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,6 triệu đồng/lượng và 52,5 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66 triệu đồng/lượng và 67 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Báo giá USD tại Vietcombank sáng nay là 23.950 đồng (mua vào) và 24.230 đồng (bán ra), tăng 30 đồng so với sáng qua. Trong vòng 2 ngày, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng này đã tăng 120 đồng.
Đà tăng mạnh của tỷ giá USD/VND được xem là một nhân tố khiến vàng trong nước giữ giá trước áp lực giảm lớn của giá vàng thế giới, tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi vẫn đang ở mức cao vì giá vàng trong nước không phản ánh chuẩn xác biến động giá quốc tế.
Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 48,1 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 18,9 triệu đồng/lượng, từ mức chênh 18,2-18,3 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Theo vneconomy