Tân Thế Kỷ – Trên thế giới, rất nhiều trẻ em gặp phải tai nạn, thậm chí là bỏ mạng vì làm theo các thử thách trên TikTok.
Thực hiện thử thách trên TikTok khiến bị bỏng gần 80% cơ thể
Theo tờ New York Post ngày 29.4, vào ngày 23.4 vừa qua, Mason Dark (16 tuổi), ở bang North Carolina, Mỹ đã cùng bạn bè quyết định thực hiện thử thách tạo ra súng phun lửa bằng bình xịt chứa chất dễ cháy.
Cả nhóm đã dùng hộp xịt sơn và bật lửa để chơi đùa. Tuy nhiên, thay vì phun ra tia lửa nhỏ, chiếc hộp phát nổ khiến cả nhóm bị bỏng.
Mason Dark đã nhảy xuống con sông gần đó để làm dịu vết bỏng, nhưng nhanh chóng ngoi lên với làn da cháy đen.
Chị Holli Dark, mẹ của Mason Dark chia sẻ với truyền thông: “Cả nhóm đều nghe thấy tiếng nổ lớn, rồi Mason chạy ra ngoài và bắt đầu cởi áo. Không thể nhận ra con tôi nữa”.
Chàng trai 16 tuổi được băng bó toàn thân và đã trải qua nhiều ca phẫu thuật để ghép da. Dự kiến Mason Dark phải điều trị 6 tháng tại trung tâm y tế.
Nhiều trẻ em tử vong vì làm theo các thử thách trên TikTok
Đây không phải trường hợp đầu tiên gặp nạn vì thực hiện những thử thách trên TikTok. Vào đầu năm nay, Milagros Soto (12 tuổi) ở Argentina đã tử vong sau khi thực hiện “thử thách nghẹt thở” khá thịnh hành và phổ biến trên TikTok.
Hay vào tháng 10.2022, 4 thiếu niên trong độ tuổi 14-19 đã tử vong trong quá trình thực hiện “thử thách Kia”. Nhóm trẻ này đánh cắp một chiếc Kia Sportage rồi lái xe, phóng nhanh vượt ẩu trên cao tốc dẫn đến tai nạn thương tâm.
Tháng 2/2021, Arriani (9 tuổi, người Mỹ) được phát hiện tử vong trong tư thế treo lơ lửng cách mặt đất nửa mét. Cổ cô bé quấn dây xích chó bằng kim loại được móc vào bản lề tủ quần áo. Theo lời gia đình, em đã làm theo “thử thách mất điện” (blackout challenge) đang lan truyền trên TikTok. Và cô bé cũng không phải trường hợp duy nhất tử vong khi thực hiện thử thách này.
Cũng trong năm 2022, Indonesia đã ghi nhận một ca tử vong, một ca khác bị thương nặng khi những người trẻ tham gia thử thách “thiên thần chết chóc” trên TikTok.
Cuối tháng 11/2022, báo cáo của Bloomberg Businessweek cho biết trong vòng 18 tháng, ít nhất 15 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 12 tuổi và 5 trường hợp tử vong khác ở trẻ em trong độ tuổi 13-14 tuổi do thử thách này.
Số ca thương tâm chưa dừng lại ở đó. Tháng 1 năm nay, New York Post đưa tin Milagros Soto (12 tuổi, người Argentina) cũng được phát hiện đã chết sau khi thực hiện thử thách này. Theo nhiều báo cáo, ở thời điểm qua đời, Soto đang phát trực tiếp việc trải nghiệm thử thách qua mạng xã hội để những người bạn cùng trường xem.
Một tháng trước đó, gia đình của Tristan Casson (12 tuổi, Mỹ) nói với Michigan Live rằng con trai chết vì làm theo “thử thách mất điện” trên TikTok.
Tại Anh, Archie Battersbee (12 tuổi) qua đời vào tháng 8/2022 sau nhiều tháng trời thực hiện thử thách. Vài tuần sau cái chết của Archie, một đứa trẻ khác là Leon Brown (14 tuổi) cũng được phát hiện tử vong tại nhà ở Scotland sau khi làm theo “thử thách mất điện”, theo The Daily Record.
Bên cạnh “thử thách mất điện”, nhiều thử thách nguy hiểm khác vẫn xuất hiện trên TikTok và dẫn đến nhiều hệ luỵ cho giới trẻ.
Hàng loạt quốc gia cấm TikTok
Lý giải với Fox10 về nguyên nhân nhiều người, nhất là giới trẻ thường thực hiện các trào lưu nguy hiểm, tiến sĩ Joanne Orlando, chuyên gia chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, nhận định họ làm vậy để không cảm thấy bị bỏ rơi, để được nổi tiếng và chú ý trong một môi trường “đông dân” như TikTok.
Tính đến hiện tại, TikTok có 50 triệu người dùng tại Mỹ và hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới.
“Thử thách trên TikTok kích hoạt nhu cầu được hòa nhập và ghi nhận bẩm sinh của con người. Nhiều người cho rằng việc thực hiện tốt một thử thách giống như giành được huy hiệu danh dự, ghi nhận họ không phải là kẻ hèn nhát”, bà Orlando nói.
Tuy nhiên, những thử thách này đôi khi vi phạm pháp luật và gây hại cho sức khỏe của chính người thực hiện cũng như những người xung quanh.
Bởi vậy, tại 30 bang ở nước Mỹ, hàng chục trường đại học và trung học công lập đã cấm học sinh cũng như nhân viên cài đặt ứng dụng TikTok vào thiết bị của nhà trường hoặc truy cập vào mạng Wi-Fi nhà trường để sử dụng TikTok.
Dù một số giáo viên và ban giám hiệu nhà trường sử dụng TikTok để kết nối, xây dựng mối quan hệ với học sinh hoặc dạy chúng về rủi ro khi sử dụng mạng xã hội qua các video ngắn.
Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý nhận định mối nguy từ TikTok lớn hơn lợi ích nó mang lại. Một số cán bộ trường học lo ngại học sinh có thể nghiện TikTok dẫn đến mất tập trung nghe giảng và tiếp thu trên lớp.
Bên cạnh đó, thuật toán đề xuất video xem tiếp theo của ứng dụng đã làm tăng nguy cơ tự tử và rối loạn ăn uống của học sinh, theo Conversation. Ngoài ra, các video TikTok cũng khiến học sinh tham gia vào hành vi phá hoại do tham gia tràn lan các thử thách trên nền tảng này.
Mỹ cũng không phải là nơi duy nhất hạn chế người dân sử dụng TikTok.
Tính đến 5/4, số nước hạn chế người dân sử dụng TikTok ngày một gia tăng. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Bỉ, Australia… có xu hướng cấm cài đặt ứng dụng này trên thiết bị công do lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật và an ninh mạng. Điều này cũng phần nào ngăn chặn nguy cơ trẻ em tiếp xúc và thực hiện các trào lưu nguy hiểm trên TikTok.
Tuy nhiên, nếu sử dụng điện thoại cá nhân hoặc kết nối TikTok bằng dữ liệu di động cá nhân, nhiều người vẫn có thể sử dụng nền tảng này tại các quốc gia có luật cấm.
Nghi Vân (t/h)
Xem thêm:
Việt Nam “sờ gáy” TikTok vì liên tục xuất hiện nội dung xấu và độc hại
Lý do đằng sau việc CEO TikTok không cho con cái sử dụng TikTok
Báo động: hàng chục trẻ em thiệt mạng vì các “thử thách chết chóc” trên Tiktok
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực