Tân Thế Kỷ (TTK) – Ngày 6/5, vua Charles III chính thức đăng quang. Nghi lễ lên ngôi có truyền thống 1.000 năm lịch sử đã được điều chỉnh để phù hợp với Vương quốc Anh ở thế kỷ 21.
Khoảng 100 nguyên thủ và quan chức đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng nghìn du khách đã tới thủ đô London tham dự sự kiện lịch sử này.
Vào khoảng 10h20 ngày 6/5 (giờ địa phương, tức 16h20 theo giờ Việt Nam), Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla đã di chuyển bằng cỗ xe ngựa mạ vàng từ Cung điện Buckingham đến Tu viện Westminster, nơi tôn nghiêm bậc nhất nước Anh.
Tại Tu viện Westminster, Nhà vua đã thực hiện các nghi thức truyền thống có từ 1.000 năm trước, xức dầu thánh, nhận các bảo vật truyền thống bao gồm quả cầu và vương trượng, đội vương miện Thánh Edwards và chính thức lên ngôi. Nghi lễ tôn giáo này do Tổng giám mục Canterbury tiến hành.
Bà Camilla cũng trải qua một số nghi lễ để chính thức được phong ngôi vị Hoàng hậu.
Sau các nghi thức này, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ cùng đoàn diễu hành trở về Cung điện Buckingham. Từ đây, các thành viên Hoàng gia Anh sẽ chào đón công chúng và chứng kiến màn trình diễn trên không của Không quân Hoàng gia Anh.
Ngày 7/5, một buổi hòa nhạc đặc biệt nhân dịp lễ đăng quang do BBC sản xuất và phát sóng trực tiếp sẽ được tổ chức tại Lâu đài Windsor. Buổi hòa nhạc có sự tham gia của các biểu tượng âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các ca sĩ nhạc pop người Mỹ Katy Perry và Lionel Richie hay ca sĩ opera người Italy Andrea Bocelli.
Tại châu Âu, vẫn có nhiều quốc gia tồn tại chế độ quân chủ, nhưng có thể nói gia đình Hoàng gia Anh đi vào văn hóa đại chúng và có sức ảnh hưởng lớn tới kinh tế chính trị nhất. Hình ảnh của các vị quân chủ có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, từ những đồng xu nhỏ bé cho tới những bức tượng uy nghi tại thủ đô London. Chính vì vậy, lễ đăng quang đã có mặt của rất nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Những thách thức đối với Vua Charles III
Có thể thấy đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với Hoàng gia Anh và Vương quốc Anh, nhất là khi trong thời gian gần đây, cuộc sống Hoàng gia bị truyền thông khai thác quá mức. Và Đức vua Charles đệ tam cũng sẽ gặp phải những thách thức nhất định khi trị vì.
Hoàng gia Anh đã phải đương đầu với một quãng thời gian tương đối ồn ào trên truyền thông. Và với một gia đình Hoàng gia vốn kín tiếng, vô cùng cẩn trọng trong việc xây dựng hình ảnh và uy tín, tân vương Charles đệ tam cũng sẽ mang trọng trách là bảo vệ danh tiếng của Hoàng gia.
Đây là lễ đăng quang đầu tiên trong lịch sử nước Anh diễn ra vào kỷ nguyên mạng xã hội, khi mà mọi thông tin, hình ảnh đều được truyền đi khắp thế giới với tốc độ ánh sáng. Đức vua Charles đệ tam sẽ phải chèo lái gia đình Hoàng gia trong một xã hội mới, một xã hội rất khác so với những năm trị vì của mẹ ông, cố Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.
Vua Charles được kỳ vọng sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động xã hội, đưa hình ảnh Hoàng gia Anh đến gần hơn với công chúng.
Nghi Vân (t/h)
Xem thêm:
Những sự kiện kỳ lạ xuất hiện trước và sau lễ tang Nữ hoàng Anh
“Gan Jing World” nâng cao chất lượng, trao thưởng cho nội dung xuất sắc
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*