Tân Thế Kỳ (TTK) – Hôm thứ Hai, Trung Quốc tuyên bố đã kết án chung thân một công dân Hoa Kỳ 78 tuổi vì tội gián điệp.
Tòa án Nhân dân Trung cấp ở thành phố Tô Châu, nằm phía đông của Hong Kong tuyên bố – John Shing-wan Leung, một công dân có quốc tịch Mỹ và đang sinh sống tại Hồng Kông, đã “bị kết tội gián điệp, bị kết án tù chung thân và bị tước quyền chính trị suốt đời”.
Chính quyền thành phố Tô Châu cho biết họ đã “thực hiện các biện pháp bắt buộc theo pháp luật” đối với ông Leung, 78 tuổi, vào tháng 4 năm 2021, nhưng không nêu rõ thời điểm ông bị bắt giữ.
Tòa án cũng tịch thu tài sản cá nhân trị giá 500.000 nhân dân tệ (tương đương 71.797 USD) của ông Leung.
Tuyên bố của tòa án không cung cấp thêm chi tiết về các cáo buộc, và những phiên tòa xét xử kín đối với các vụ án nhạy cảm vốn không phải là điều gì xa lạ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, những bản án nặng như vậy vẫn tương đối hiếm đối với công dân nước ngoài ở Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh cho biết họ đã nhận được các báo cáo về bản án của Leung.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố với CNN rằng: “Bộ Ngoại giao không có ưu tiên nào lớn hơn là sự an toàn và an ninh của công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài. Do những cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không có bình luận gì thêm”.
Việc bỏ tù công dân Hoa Kỳ diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.
Sự việc này cũng xảy ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng nối lại các cam kết cấp cao, kể từ khi tranh chấp về khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay trên bầu trời nước Mỹ đã phá vỡ các nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa 2 nước vào đầu năm nay.
Ông Leung là một trong số các công dân nước ngoài bị gài bẫy trong chiến dịch trấn áp gián điệp ngày càng mở rộng của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.
Vào tháng 3 năm nay, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một nhân viên Nhật Bản của tập đoàn Astellas Pharma tại Bắc Kinh, vì nghi ngờ hoạt động gián điệp – đây là công dân Nhật Bản thứ 17 bị giam giữ tại Trung Quốc kể từ khi luật chống gián điệp được đưa ra vào năm 2014.
Trong khác trường hợp nổi tiếng khác , hai công dân Canada là cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor – đã bị Trung Quốc giam giữ trong gần ba năm.
Họ bị bắt giữ với cáo buộc gián điệp vào cuối năm 2018. Sự việc này diễn ra ngay sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu – nữ doanh nhân Trung Quốc và đồng thời là giám đốc điều hành Huawei – theo lệnh của Hoa Kỳ, vì nghi ngờ bà có liên quan đến các giao dịch kinh doanh của công ty này ở Iran.
Tuy Bắc Kinh liên tục phủ nhận rằng các trường hợp bắt giữ công dân nước ngoài là vì trả đũa chính trị, nhưng 2 công dân Canada đã được trả tự do vào cùng ngày bà Mạnh được Canada cho phép trở về Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc đã thông qua một sửa đổi trên diện rộng đối với luật chống gián điệp vốn đã sâu rộng của họ, luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm nay.
Luật mới đã mở rộng thêm định nghĩa về các hoạt động gián điệp, từ việc che giấu bí mật và thông tin tình báo của nhà nước đến bất kỳ “tài liệu, dữ liệu hoặc vật phẩm nào liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia”, trong đó bao gồm các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.
Hoàng Dung (t/h)
Xem Thêm:
Bác sĩ trẻ Trung Quốc tiết lộ góc tối trong ngành Y: “Đó là những chuyện thất đức nhất”