spot_img
18 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Quốc gia mở rộng đường ngôn luận, tiếp thu thiện ý sẽ được thịnh vượng, lâu dài

Zi Chan
Tử Sản tiếp thu ý kiến của dân, mở rộng đường ngôn luận mà quốc qia được thịnh thế – Ảnh: wikipedia

Tân Thế Kỷ – Tử Sản, họ là Công Tôn, tên là Kiều, thời Xuân Thu nhậm chức khanh nước Trịnh. Ông mở rộng dư luận xã hội, chân thành thiện ý chỉ ra khuyết điểm của người khác, đồng thời khiêm tốn, nhanh chóng tiếp thu thiện ý của người khác, trị sửa nước Trịnh trở nên dân giàu nước mạnh, bách tính an cư lạc nghiệp. Phẩm hạnh của ông vẫn luôn được hậu thế truyền tụng.

Một lần, đại phu Tử Bì muốn bổ nhiệm Y Hà cai quản một phong ấp. Tử Sản nói: “Y Hà tuổi trẻ chưa có kinh nghiệm, e là không được.” Tử Bì nói: “Y Hà trung hậu cẩn thận, tôi rất thích anh ta, anh ta sẽ không phản bội tôi. Để anh ta đến đó học tập một chút, thì anh ta sẽ hiểu được đạo lý cai quản.”

Tử Sản nói: “Không được. Yêu thích một người, luôn hy vọng có lợi cho người đó. Hiện nay ngài yêu thích một người, mà lại giao việc trọng yếu như thế này cho anh ta, việc này giống như một người vẫn chưa biết cầm dao lại sai anh ta cắt đồ, thế thì anh ta sẽ bị thương. Sự yêu thích của ngài với người ta chỉ làm thương tổn anh ta mà thôi. Sau này, ai còn dám được ngài yêu thích nữa?”

Sau đó, Tử Sản lại thành khẩn nói: “Ngài là rường cột của nước Trịnh, nếu cột nhà gẫy thì chúng ta, những người sống trong ngôi nhà ấy chẳng phải bị tai vạ đó sao? Tôi sao dám không nói những suy nghĩ chân thực của mình với ngài? Ví như ngài có tấm lụa gấm đẹp, thì nhất định không để người ta dùng nó để học cắt may. Đại quan, đại ấp là dùng để bảo vệ lợi ích của bách tính, là sự ký thác sinh mệnh của bản thân và gia đình, ngài lại bảo một người học vấn sơ cấp đi cai quản, chẳng phải là lo nghĩ về tấm lụa gấm đẹp vượt trên lo nghĩ về phong ấp đó sao? Tôi xưa nay cũng chưa từng nghe đến việc mượn cơ hội làm quan để học cách làm quan, cứ khăng khăng như thế thì sẽ đem lại tổn thất cho quốc gia. Tôi thấy quan tâm đến một người, không phải là đem lại bao nhiêu cái tốt đẹp trước mắt cho người ấy, mà phải tính toán lâu dài cho anh ta, đó mới thực sự là có trách nhiệm với anh ta.”

Tử Bì liên tiếp gật đầu và nói: “Nói rất hay! Tôi thực sự hồ đồ! Tôi nghe nói, người quân tử khiến mình hiểu được những sự tình trọng đại và lâu dài, tiểu nhân chỉ chú ý để sự tình nhỏ bé trước mắt, tôi chính là kẻ tiểu nhân như thế. Y phục mặc trên người, tôi hiểu và yêu quý nó, đại quan đại ấp là dùng để ký thác cả đời, tôi lại sơ suất và xem nhẹ nó. Không có những lời này của ngài, thì tôi vẫn chưa minh bạch ra được, quả là suýt nữa đã hại anh ta rồi.” Tử Bì vô cùng cảm kích lời khuyên trung hậu của Tử Sản.

Khi đó, chính sự nước Tấn do Phạm Tuyên Tử chủ trì, Tử Sản nghe nói, khi chư hầu triều kiến nước Tấn thì cống phẩm rất nặng, ông cảm thấy lo lắng về việc này.

Một lần, Trịnh Giản Công đến nước Tấn, Tử Sản nhờ đại phu tùy tùng là Tử Tây đem theo một phong thư cho Phạm Tuyên Tử, bức thư viết rằng: “Ngài cai quản nước Tấn, chư hầu bốn phía không nghe thấy đức hạnh tốt đẹp của ngài lan xa, nhưng lại nghe nói cống phẩm càng ngày càng nặng. Tôi nghe nói, trị sửa quốc chính, không lo không có tiền tài, chỉ lo không có đức tốt đẹp. Nếu ngài tham tài vật, thì sẽ khiến chư hầu và người dân nước Tấn lòng người ly tán, rời xa đức. Như thế, nước Tấn không thể bảo toàn được, gia thất của ngài cũng sẽ sụp đổ, tại sao lại chấp mê bất ngộ? Nếu nhiều tài vật thì có tác dụng gì? Đạo đức là nền tảng của quốc gia, có nền tảng đạo đức này thì quốc gia mới có thể cường thịnh. Chẳng phải cần dốc sức vào sự việc này đó sao? Thần bảo hộ người có đức hạnh, có đức hạnh thì hạnh phúc, hạnh phúc thì mới có thể lâu dài. Dùng cái tâm trung thực tuyên dương đạo đức, người phương xa sẽ tìm đến quy về, người ở gần cũng an định cái tâm. Thà để người khác nói: ‘Ngài thực sự đã nuôi sống chúng tôi’, chứ không để người khác nói: ‘Ngài bòn rút của cải của chúng tôi để nuôi sống bản thân’. Voi vì ngà mà mất mạng, bởi vì ngà voi có giá cao.”

Phạm Tuyên Tử xem thư rất vui mừng, thế là giảm nhẹ cống phẩm của chư hầu, dốc sức tu đức. Tử Sản sử dụng lễ chế và pháp chế trị sửa quốc gia, ban đầu bách tính không quen, thường tụ tập ở trường làng bàn luận xôn xao, khen chê đều có. Trường làng là nơi người xưa khai triển các hoạt động học tập, cũng là nơi tụ tập công cộng của mọi người. Đại phu Nhiên Minh đề xuất ý kiến với Tử Sản là hãy phá hủy các trường làng, chẳng phải xong một chuyện là xong mọi chuyện đó sao.

Tử Sản phản đối ý kiến này, ông cho rằng, nghe lời bàn luận của dân chúng thì chỉ có lợi chứ không có hại. Ông nói: “Dân chúng bàn luận không phải là lắm lời sinh sự, đó là mọi người có kiến giải riêng về những sự tình. Mọi người nói ra là việc tốt thì tôi sẽ làm, nói ra không phải việc tốt thì tôi không làm. Tôi làm đúng hay không đúng, tốt hay không tốt, thì cũng có thể tìm được câu trả lời từ những bàn luận của mọi người. Điều này chính là giúp chúng ta, tại sao phải phá hủy nó?”. Tử Sản còn nói: “Tôi nghe nói, dốc sức làm tốt sự việc thì có thể giảm thiểu oán hận, chưa từng nghe dựa vào quyền thế để ngăn chặn oán hận. Giống như đắp chặn dòng sông, chỗ vỡ lớn thì không thể nào bít lại được, dư luận cũng không thể nào cấm chỉ được. Bịt đường ngôn luận ở dưới thì ở trên không nghe được tin tức, quốc gia khó khó nói là an toàn và ổn định được.”

Tử Sản không nghe những lời vặt vãnh, luôn giữ lại trường làng, đồng thời coi đó là kênh quan trọng để biết được lòng dân, hiểu được ý dân. Ông tập trung trí tuệ của quần chúng, đồng thời coi việc yêu ghét, khen chê của dân chúng làm tấm gương soi, kiểm điểm phương châm chính sách lớn của quốc gia, và cử chỉ ngôn hành của cá nhân. Ông còn chú ý tìm kiếm nhân tài, sử dụng sở trường của họ, và lắng nghe kiến nghị rộng rãi, chọn lời tốt làm theo. Vì vậy bách tính nước Trịnh đều tuân thủ theo lễ nghi và pháp luật, dân phong thuần phác, chính trị trong sạch sáng tỏ.

Cổ ngữ nói rằng: “Đạo trị quốc, ắt trước tiên khai thông đường ngôn luận. Đường ngôn luận là mạch sống của quốc gia.” Lịch sử và thực tiễn chứng minh, hễ đường ngôn luận được khai thông, lời nói của bách tịnh được biểu đạt thuận lợi, thì xã hội sẽ khai sáng, phồn vinh. Trái lại, thì sẽ tiếng kêu oan đầy đường. Vì vậy, phong tỏa thông tin, bịt đường ngôn luận, áp chế ý dân, là hành động không sáng suốt nhất, ắt sẽ bị dân chúng lên án, cuối cùng sẽ bị lịch sử đào thải. Còn những người trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng dám kiên trì chân lý, dùng chính nghĩa dẫn dắt mọi người, kiên trì làm việc thiện, thì đó là sự quan tâm yêu thương lớn nhất, có trách nhiệm nhất với người khác, là người được kính phục nhất trong trái tim mọi người, là bậc trí tuệ và dũng sĩ chân chính.

Theo Minh Huệ

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 9

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều