spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,26 Tháng mười một
spot_img

Sốc: Nữ Tiktoker kiện cha mẹ vì đã tự ý… sinh ra cô

Tân Thế Kỷ – Mới đây, một video chia sẻ của nữ Tiktoker nổi tiếng ở Mỹ về việc cô kiện bố mẹ vì… đã sinh ra mình đã gây chấn động và sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng mạng.

Video gây tranh cãi

Kass Theaz, một nữ Tiktoker nổi tiếng có 250 ngàn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem đã nói trong video rằng, “cha mẹ đã góp phần hình thành nên tôi. Mẹ đã sinh ra và nuôi nấng tôi. Đó là lý do tại sao tôi khởi kiện họ, bởi vì không hề có sự đồng ý nào của tôi ở đây.

Tôi được sinh ra đời mà không hề được biết rằng mình sẽ phải lớn lên và phải tìm kiếm một công việc để nuôi sống bản thân. Tôi hoàn toàn không đồng ý với điều đó”, Kass Theaz nói trong đoạn video được đăng lên TikTok.

“Họ đã không cố gắng liên lạc với tôi theo bất kỳ cách nào trước khi tôi được sinh ra đời, để hỏi xem liệu tôi có muốn được ở trên thế giới này hay không. Đó là lý do tại sao tôi đã khởi kiện họ”, Kass Theaz nói thêm.

Nữ Tiktoker nổi tiếng lý giải phát ngôn sẽ kiện bố mẹ vì tự ý sinh ra mình - 1
Nữ Tiktoker kiện bố mẹ – Theo như lập luận của nữ Tiktoker Kass Theaz, bố mẹ đã tự ý sinh ra cô ấy khi chưa có sự đồng ý của cô. (Ảnh: isatandstared/Tiktok)

Phản ứng mạnh từ cộng đồng

Đoạn clip của Kass Theaz đã thu hút hơn 3,4 triệu lượt xem trên TikTok và hơn 29.000 lượt bình luận, trước khi được chia sẻ lại trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. Rất nhiều ý kiến phản hồi, nhưng phần lớn là sự phản đối, cho rằng hành động của Kass Theaz là không thể chấp nhận được.

“Hãy nói cho tôi biết cô chỉ đang đùa thôi đúng không? Không một người trưởng thành nào có đầy đủ nhận thức lại đi khởi kiện cha mẹ của chính mình chỉ vì họ trao cho bạn cuộc sống. Thật không thể hiểu được nhiều người đang nghĩ gì trong đầu”, một người dùng TikTok bình luận.

“Tôi không hiểu cô đang nghĩ gì, nhưng rõ ràng cô đã nói cha mẹ sinh ra và nuôi nấng cô. Họ đã cho cô cuộc sống và chăm sóc cô trưởng thành, vậy thì họ có lỗi gì để cô khởi kiện họ?”, một tài khoản TikTok khác bình luận.

“Tôi không biết cha mẹ đã làm gì khiến cô bị tổn thương đến mức khởi kiện họ, nhưng nếu trách họ vì đã sinh cô ra trên đời thì thật khó hiểu. Họ sinh ra và vẫn nuôi dạy cô đầy đủ, chứ không hề bỏ rơi, vậy họ có lỗi gì trong chuyện này?”, một người dùng Twitter bình luận.

Đáng chú ý, không lâu sau khi đăng tải đoạn video thông báo đã khởi kiện cha mẹ đẻ của mình, Kass Theaz tiếp tục đăng một đoạn video khác lên TikTok, cho biết cô vừa nhận con nuôi.

Trước những chỉ trích của cộng đồng mạng vì nhận con nuôi nhưng lại khởi kiện cha mẹ đẻ, Kass Theaz đáp trả: “Nhận con nuôi hoàn toàn khác so với việc sinh ra chúng. Tôi chỉ đang cố gắng trở thành một người tốt và giúp đỡ một đứa trẻ thiếu may mắn”.

Những đứa trẻ vô ơn, trách chúng hay trách ai?

Câu chuyện khởi kiện bố mẹ đẻ của Kass Theaz vẫn đang “gây sốt” cộng đồng mạng khiến cô phải tiếp tục hứng chịu nhiều sự chỉ trích. Đáp lại những sự chỉ trích đó, Kass cho biết cô “chỉ đang đùa”, nhưng vẫn giữ nguyên đoạn video gây tranh cãi trên TikTok.

Bố mẹ của Kass Theaz không đưa ra bình luận gì về hành động của con gái mình.

Thiết nghĩ, nếu một người thấu hiểu được công lao to lớn của cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng, dạy dỗ họ nên người thì họ sẽ mang trong tâm sự kính yêu, tôn trọng và trân quý suốt đời với cha mẹ. Câu chuyện của Kass Theaz, dù không biết thật hay đùa, nhưng nếu cô mang trong lòng sự cảm ân, kính trọng cha mẹ thì không bao giờ có hành vi và suy nghĩ trái ngược đạo lý như vậy.

Trong xã hội ngày nay, vô ơn, vô cảm, vô lễ là những điều dễ nhận thấy ở nhiều người trẻ. Nhiều đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ “đáp ứng con cái là nghĩa vụ của cha mẹ”.
Không chỉ với cha mẹ, những đứa trẻ này khi đi làm, được đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ, cũng coi là hiển nhiên. Người giúp không nhận được một lời cảm ơn, không nhận được thái độ biết ơn. “Đứa trẻ” đó, sau khi không còn liên quan nữa, sẽ ra đi một cách dửng dưng và vô ơn.

Trẻ vô ơn, vô lễ đã trở thành câu chuyện thường hằng trong mỗi gia đình, cũng là vấn đề nhức nhối của xã hội. Vì những đứa trẻ vô ơn sẽ không bao giờ biết cảm thông và nghĩ đến người khác. Chúng ích kỷ, vô cảm và thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều đứa trẻ ngày nay, được xem là tương lai của đất nước đã trở nên như vậy thì hỏi chúng làm sao chúng có thể đủ tâm sức để xây dựng một xã hội phát triển bền vững đây.

Nhưng bản thân những đứa trẻ ấy có đáng trách không? Lỗi đầu tiên thuộc về chúng ta – những bậc cha mẹ của chúng. Đừng đổ lỗi hay ngụy biện này nọ, hãy trung thực nhìn nhận, ta sẽ thấy con em mình chính là nạn nhân của chúng ta khi còn nhỏ và cả khi chúng trưởng thành về thể xác.

Ngay từ bé, vào sinh nhật, các bậc làm cha làm mẹ ngày nay đã biến con thành cái rốn của vũ trụ, là ông trời, là bà hoàng, luôn được chiều chuộng, mà quên dạy con một lời cảm ơn ba mẹ.

Bởi, vào cái ngày mang con đến cuộc đời này, cha mẹ vui nhiều, nhưng lo lắng, nhọc nhằn biết bao nhiêu cho xuể. Nhưng tuyệt nhiên, không một lời cảm ơn. Đó là tại người lớn đã khiến trẻ coi đó là hiển nhiên, không cần biết ơn.

Cho con cái đầy đủ, thậm chí nuông chiều thái quá cũng là cách một số bậc cha mẹ coi như cách thể hiện đẳng cấp với người khác. Nhìn thấy vâỵ, nhiều người khác lại cũng đua theo… Các bậc cha mẹ so kè nhau qua đứa con của mình, từ đó hình thành một cuộc đua nuông chiều con. Con cái chưa làm cha mẹ, nên không hiểu chuyện, không coi trọng bố mẹ cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều người vẫn đang tự hào về nuông chiều con và hiểu sai về quyền trẻ em. Quyền trẻ em sinh ra để bảo vệ trẻ khi bị bạo lực, còn vẫn khuyến khích dạy dỗ trẻ. Thế mới có những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có cha mẹ dạy dỗ tốt nên rất ngoan và có trách nhiệm với cuộc sống của chúng nói riêng, cũng như xã hội nói chung.

Lòng biết ơn của trẻ, không phải là cần con phải trả lại công ơn sinh dưỡng, mà phải dạy trẻ biết ơn khi được nhận bất cứ điều gì.

Để không vô tình nuôi dạy nên những đứa trẻ vô ơn, đây là việc cha mẹ tuyệt đối không được làm - Ảnh 2.
Chính sự nuông chiều quá độ và không dạy cho trẻ lòng biết ơn, biết suy nghĩ cho người khác của bố mẹ đã tạo nên những đứa trẻ vô ơn, vô cảm, vô lễ (Ảnh minh họa)

Giáo dục gia đình là vỡ lòng của nhân sinh, có tác dụng ảnh hưởng tới cả cuộc đời của một con người, so với giáo dục ở trường lớp và xã hội thì nó càng có ảnh hưởng sâu xa.

Nhìn chung, hiện trạng giáo dục gia đình ngày nay tồn tại một số khuynh hướng, ví như: 1. Đặt nặng vấn đề học tập tri thức, xem nhẹ giáo dục đạo đức làm người; 2. Nặng về bảo hộ che chở, xem nhẹ giáo dục con tự lập; 3. Coi trọng vật chất, xem nhẹ tinh thần; 4. Chỉ giáo dục suông, không lấy bản thân làm gương mẫu; 5. Nặng về quản thúc kiểm soát, xem nhẹ việc dẫn dắt tích cực.

Vấn đề giáo dục gia đình này là giáo dục nhân sinh rất quan trọng, nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu được tầm quan trọng của nó, cũng không quá coi trọng về hành vi. Rất nhiều người thậm chí còn suy nghĩ rằng: “Từ xưa đến nay, cha mẹ giáo dục con cái, nào có nói trách nhiệm gì, nguyên tắc gì? Con của mình, thích quản như thế nào thì quản như thế ấy”.

Ngược lại, người xưa coi việc giáo dục con cái là trách nhiệm quan trọng của bậc làm cha mẹ, nuôi con phải dạy dỗ, nuôi mà không dạy thì không chỉ nguy hại cho mình, cũng gây nguy hại cho người khác, lại càng nguy hại hơn cho đất nước. Triết học gia Trình Di thời Tống có nói: “Nhân sinh chi nhạc, vô như độc thư; chí yếu, vô như giáo tử” (Tạm dịch: Niềm vui của đời người không gì sánh bằng đọc sách; điều trọng yếu nhất của cuộc đời không gì ngoài giáo dục con cái).

Có câu “Từ mẫu bại tử” (Mẹ hiền có con hư) là đạo lý mà người xưa đúc rút ra bài học giáo huấn cho chính mình. Đạo lý này giống như lời cảnh báo, nhắc nhở những bậc cha mẹ không nên nuông chiều con cái, mà nên chú trọng giáo dục luân lý đạo đức làm người.

Nghi Vân (t.h)

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 2

Xem thêm:

Vì sao người xưa dạy con tích đức, người thời nay lại dạy con tiêu tiền?

Những đứa con mãi không chịu ‘lớn’: 29 tuổi vẫn điệp khúc ‘Má ơi, cho xin mấy trăm’

Không cần roi vọt, 4 cách dạy con trí tuệ từng nuôi dạy nên những Tổng thống và nhà phát minh vĩ đại

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều