spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,18 Tháng mười
spot_img

Blinken gặp chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du Bắc Kinh

Tân Thế Kỷ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai, kết thúc chuyến đi hiếm hoi mà chính quyền Biden tìm cách duy trì các đường liên lạc cởi mở với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Blinken gặp chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du Bắc Kinh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) bắt tay với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 19/6/2023. Ảnh: Leah Millis/POOL/AFP qua Getty Images

Ông Blinken đã đến Trung Quốc vào ngày 17/6 để bắt đầu chuyến thăm hai ngày tại nước này.

Hôm Chủ nhật, Blinken đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, và các cuộc đàm phán của họ được quan chức của hai bên mô tả là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn xung quanh việc liệu ông Tập và ông Blinken có gặp nhau trong chuyến thăm Trung Quốc lần này hay không, đã làm nổi bật thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cuối cùng, cuộc gặp mặt giữa hai người chỉ được phía Hoa Kỳ công bố khoảng một giờ trước khi diễn ra.

Trở thành ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2018, ông Blinken đã sải bước về phía ông Tập khi vị Chủ tịch Trung Quốc đứng chào ông tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Sau đó, hai phái đoàn đã đối mặt với nhau trên một chiếc bàn hội nghị dài, ông Tập ngồi ở ghế đầu và ông Blinken ở ngay bên phải. Cuộc gặp diễn ra vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào cuối năm.

“Hai bên đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu sắc” – ông Tập nói khi bắt đầu cuộc họp trong một bản tin được phát trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc.

“Tôi hy vọng rằng thông qua chuyến thăm này, ngài Ngoại trưởng, ngài sẽ có những đóng góp tích cực hơn trong việc ổn định quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ” ông Tập nói với ông Blinken.

Trước đó, ông Blinken đã tổ chức các cuộc thảo luận sâu rộng với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị vào thứ Hai và ngoại trưởng Tần Cương vào Chủ nhật.

Các cuộc đàm phán này dường như không đạt được nhiều bước tiến trong việc thu hẹp sự khác biệt của hai nước về các vấn đề từ Đài Loan đến thương mại, nhân quyền, ngăn chặn dòng chảy ma túy tổng hợp fentanyl, hay cách tiếp cận của họ đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc mở để quản lý sự cạnh tranh của hai nước trong hơn ba giờ đàm phán với Vương Nghị – điều mà  Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi là “hiệu quả”.

Trong khi mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp, ông Vương Nghị cho biết nguyên nhân sâu xa là do nhận thức sai lầm của Hoa Kỳ về Trung Quốc.

Ông Vương kêu gọi Hoa Kỳ ngừng suy đoán về các mối đe dọa từ Trung Quốc, từ bỏ “việc đàn áp” đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này – truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Theo Reuters – việc thiếu các kênh liên lạc thường xuyên và cởi mở giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã gây ra sự lo lắng trên toàn thế giới. Đồng thời việc Bắc Kinh miễn cưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán quân sự thường xuyên với Washington đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, trong cuộc hội đàm kéo dài 7 tiếng rưỡi với Tần Cương hôm Chủ nhật, ông Blinken đã nhấn mạnh “sự cần thiết trong việc giảm nguy cơ nhận thức sai và tính toán sai”.

BN 2 jpeg

Tuy nhiên, theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ HR McMaster – việc ông Blinken đến thăm Trung Quốc có thể đã đặt Hoa Kỳ vào thế yếu.

Trong chương trình “Face the Nation” của CBS, ông McMaster nói: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Blinken tới (Trung Quốc), có thể đang thể hiện một ít điểm yếu”.

Ông McMaster nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã quá nóng lòng khi muốn có cuộc thảo luận với người Trung Quốc, còn người Trung Quốc đã thực sự chơi khó chúng ta. Tôi nghĩ đó là những gì mà (Trung Quốc) hy vọng công chúng sẽ nhìn nhận về cuộc họp này, và tôi chắc rằng Bộ trưởng Blinken biết được điều này sẽ tạo ra một nhận thức là – chúng ta đến đó để bày tỏ lòng kính trọng đối với ĐCSTQ”.

Gordon Chang – một thành viên cao cấp tại Viện Gatestone, đã đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ muốn duy trì đối thoại với Trung Quốc.

Ông Chang viết trên Twitter vào ngày 18/6: “Tại sao chúng ta lại phải cố gắng ‘duy trì liên lạc’? Trung Quốc chỉ nói khi họ muốn và sẽ không nói khi họ không muốn. Chúng ta không nên cầu xin sự liên lạc. Việc cầu xin là không cần thiết và điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy mà họ không đáng có”.

Đối với một số người khác, thì vấn đề chính là liệu ông Blinken có sử dụng các cuộc gặp mặt trực tiếp với các quan chức ĐCSTQ để nêu lên những lo ngại về hồ sơ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc hay không.

“Tôi hy vọng trong những cuộc nói chuyện ‘thẳng thắn’ này, Bộ trưởng Blinken có thể đưa ra vấn đề diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, sự đàn áp đối với Hồng Kông và sự đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền của chính phủ Trung Quốc!” – Mục sư Patrick Mahoney của Liên minh Bảo vệ Cơ đốc giáo đã viết trên Twitter vào ngày 18/6.

Kenneth Roth – cựu giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết ông Blinken nên thảo luận về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc – mà chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ định là tội ác diệt chủng .

Ông Roth nhấn mạnh:  “Sẽ là một sự thoái thác trách nhiệm hoàn toàn của ông Blinken nếu các vấn đề nhân quyền công khai duy nhất mà anh ta gây sức ép ở Trung Quốc – là đòi trả tự do cho các công dân Mỹ, mà không đề cập đến một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ/Turkic đang bị giam giữ và tẩy não”.

Hoàng Dung (t/h)

Theo The Epoch Times, Reuters, CNN

Xem Thêm:

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao tại Trung Quốc

Trung Quốc ‘phản đối’ cuộc gặp của Bộ trưởng An ninh Anh với Bộ trưởng Đài Loan

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều