spot_img
20 C
Vietnam
Thứ ba,26 Tháng mười một
spot_img

Ngành sản xuất phụ kiện thú cưng đang ăn nên làm ra

Tân Thế Kỷ – Hàng triệu người trên thế giới đã nuôi thú cưng và sở thích này tạo ra cơ hội đổi đời cực lớn cho người dân một thị trấn nhỏ.

cua hang ban thu cung

Trong một nhà máy ở Trung Quốc, những công nhân mặc quần áo bảo hộ màu lam đang phân loại xương gặm hình cây kẹo. Trong một, hai tháng tới, những sản phẩm như thế này sẽ bắt đầu hành trình dài tới phương Tây để lên kệ đúng vào mùa Giáng sinh.

Đây là một nhà máy trong số hàng chục nhà máy ở Thủy Đầu, một thị trấn nhỏ phía đông tỉnh Phúc Kiến, nhưng đã gần như cung cấp cho phần lớn thị trường toàn cầu một loại sản phẩm khác thường: phụ kiện thú cưng.

Đây là ví dụ điển hình về “thị trấn đặc sản” của Trung Quốc, tức một địa phương tập trung toàn bộ năng lượng vào một ngành công nghiệp đặc biệt.

Thị trấn này đã tạo ra ngành công nghiệp thú cưng trị giá 4,5 tỷ tệ mỗi năm, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia.

Ở một số lĩnh vực, Thủy Đầu chiếm ưu thế tuyệt đối. Khoảng 60% xương giả dành cho chó gặm trên thế giới được sản xuất tại đây. Chỉ riêng một nhà máy đã sản xuất 50 triệu dây buộc vật nuôi mỗi năm.

Các doanh nghiệp địa phương cho biết hơn 4/5 số chủ sở hữu vật nuôi ở Mỹ sử dụng các sản phẩm của họ.

Thủy Đầu nổi lên như một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp thú cưng bắt đầu từ một thập kỷ trước, khi thị trấn tìm cách vực dậy nền kinh tế đang sa sút.

Trong những năm 1980 và 1990, thị trấn này là thủ phủ ngành thuộc da, với hàng trăm xưởng, doanh thu 4 tỷ tệ mỗi năm vào thời kỳ đỉnh cao.

Nhưng ngành công nghiệp này làm ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Những năm 2000, các con sông của thị trấn đen kịt và bốc mùi khó chịu. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đến mức chính quyền Trung Quốc đã liệt Thủy Đầu vào danh sách 10 địa phương vi phạm môi trường nghiêm trọng.

Chính quyền địa phương phát động chiến dịch quy mô lớn, trong đó cấm da thuộc chrome (thường gọi là da sáp ở Việt Nam) và đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường. Từ hơn 1.000 xưởng thuộc da đã giảm xuống còn 8 trong các năm tiếp theo.

Chen Zhenbiao, người sáng lập công ty Petpal Pet Nutrition Technology là nhân vật chủ chốt đằng sau cuộc cách mạng của thị trấn. Mặc dù ngành công nghiệp da và thú cưng dường như không liên quan, nhưng trên thực tế lại có điểm giao nhau.

Năm 1992, cha của Chen đang điều hành một doanh nghiệp bán hóa chất cho các xưởng thuộc da. Một ngày có một khách hàng Đài Loan đề cập với hai cha con Chen rằng các công ty phương Tây sử dụng những vật liệu thừa trong quá trình gia công đồ da để làm đồ chơi cho chó.

Vào thời điểm đó, ông đang làm giáo viên cấp hai. Nắm bắt cơ hội, Chen bỏ nghề, vay tiền, mua một số thiết bị đơn giản và tạo ra mẫu nhai đầu tiên dành cho con chó của mình.

Vợ và bố cho rằng Chen sai lầm khi bỏ nghề giáo ổn định. Nhưng không lâu sau, Chen nhận được đơn đặt hàng đầu tiên. Một công ty ở Canada đã trả 300.000 tệ cho một lô kẹo nhai. “Đó thực sự là một số tiền rất lớn, bất ngờ và không thể tin được ngày đó”, Chen kể.

Petpal Tech hiện xuất khẩu hơn 200 triệu que nhai sang Mỹ mỗi năm và nhà máy của họ ở Thủy Đầu có 1.000 nhân công. Ngoài ra họ còn có nhà máy ở Đông Nam Á và New Zealand.

Ngày nay, Petpal Tech hoạt động trong một thị trường cạnh tranh cao với hàng chục công ty ở Thủy Đầu. Nhưng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm dành cho thú cưng đã bùng nổ vài năm qua và không có dấu hiệu chậm lại nên đây vẫn là thị trường màu mỡ.

Yuanfei, một công ty địa phương sản xuất đồ nhai, dây xích và đồ chơi thú cưng, nói rằng đại dịch là giai đoạn phát triển nhanh nhất trong lịch sử của họ. Doanh thu năm 2021 đạt 1 tỷ tệ, tăng từ 378 triệu tệ năm 2017. Còn Petpal Tech có doanh thu tăng hơn 36% năm ngoái.

Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp dường như muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào vật nuôi nước ngoài. Công ty của Chen có kế hoạch tiếp tục mở rộng sang Đông Nam Á và Trung Đông, nhưng trọng tâm hiện nay là khai thác thị trường nội địa. Năm 2021 người tiêu dùng nước này chi 270 tỷ tệ cho thú cưng, tăng gần 9% so với 2020.

Petpal Tech đã mở rộng phạm vi sản phẩm để thu hút những người mua trong nước này. Thay vì mua cho chó những que nhai, những người Trung Quốc thường thích trả giá cao cho những món ăn vặt bổ dưỡng như khoai lang bọc thịt vịt.

“Miễn là có sản phẩm tốt, sẽ có thị trường cho chúng tôi”, Chen nói.

Các quan chức cho biết họ muốn Thủy Đầu phát triển thành một “thị trấn thú cưng” thực sự. “Chúng tôi tự gọi mình là ‘thị trấn thú cưng’, nhưng hiện thiếu nhân vật chính của một thị trấn như vậy: thú cưng”, ông Chen Le, giám đốc văn phòng phát triển kinh tế của thị trấn Shuitou cho biết.

Thực sự có rất ít chó trên đường phố Thủy Đầu. Hiện thị trấn đang cố gắng làm cho mình trở nên hấp dẫn hơn với người nuôi thú cưng trẻ tuổi. Sườn núi bên cạnh một danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã bao phủ bởi những bức tranh tường theo chủ đề thú cưng. Chính phủ có kế hoạch thành lập công viên dành cho chó, khách sạn thân thiện với vật nuôi và các show biểu diễn chó mèo.

Petpal Tech cũng có kế hoạch chuyển sang lĩnh vực này. Năm ngoái, công ty đồng tổ chức hai sự kiện glamping (cắm trại kiểu sang trọng) thân thiện với vật nuôi, nơi hàng trăm người và chó mèo tận hưởng một ngày với các trò chơi ném đĩa, xem phim ngoài trời, hòa nhạc và tiệc nướng. Họ có kế hoạch tổ chức thêm các sự kiện tương tự trong năm nay.

Năm nay 62 tuổi, Chen vẫn chưa có kế hoạch nghỉ hưu. Lấy điện thoại ra, ông khoe vừa tổ chức sinh nhật cho ba chó cưng của mình.

“Tôi bắt đầu làm việc này 31 năm trước để thoát nghèo. Nhưng bây giờ tôi vô cùng cảm động trước tình yêu giữa con người và thú cưng, vì vậy tôi làm việc vì yêu thích”, ông nói.

BN 2 jpeg 1

Theo Bảo Nhiên/Sixthone.

Bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa khi phát hiện con… yêu sớm, cha mẹ nên làm gì?

Thi tốt nghiệp THPT: Kỹ năng làm bài thi đạt điểm cao sĩ tử nên biết

Sữa bạn uống rất có thể là ‘sữa giả’, vừa đắt tiền vừa không bổ dưỡng

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều