spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Chỉ vì đỡ cụ bà té ngã, gia đình cậu bé 9 tuổi bị đòi bồi thường hơn 3,2 tỷ và cái kết

Tân Thế Kỷ – Một ngày năm 2013, trên đường Hoa Uyển ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, một cụ bà tóc hoa râm lăn lộn rên rỉ trong đau đớn dưới nền đất, một cậu bé ngơ ngác bên cạnh không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cậu bé không ngờ đến sự việc xảy ra sau đó sẽ vượt quá sức tưởng tượng non nớt của mình như thế nào…

Làm ơn mắc oán

Hóa ra cậu bé ngơ ngác này tên là Tiểu Vân, 9 tuổi. Hôm đó vừa tan học cùng các bạn về nhà, khi đi ngang qua đường Hoa Uyển thì nhìn thấy một cụ bà nằm trên mặt đất, Tiểu Vân, vốn được dạy rằng phải “kính già, yêu trẻ”, vội vàng chạy đến đỡ bà dậy. Nhưng điều mà cậu bé không ngờ tới là khi em vừa đưa tay ra, cụ bà đã túm chặt lấy quần áo của em và không ngừng hét lên: “Người đâu, người đâu, thằng bé này đã tông tôi ngã!”.

Untitled 10
Cậu bé Tiểu Vân (đứng góc trái). Ảnh: Soha.vn

Tiểu Vân chưa bao giờ trải qua cảnh tượng như vậy trước đây nên nhất thời không biết làm gì, em chỉ biết đứng yên một chỗ. Sau đó, các bạn cùng lớp của Tiểu Vân thấy vậy thì vội vàng tiến lên bảo vệ, nói rằng cụ bà rõ ràng đã ngã xuống đất trước.

Không ngờ cụ bà lại càng khóc to hơn, đã vậy còn không ngừng mắng rằng chính Tiểu Vân đã tông bà ngã, tuổi còn nhỏ mà đã “lưu manh, làm hại người già mà không chịu trách nhiệm”.

Thấy nhiều người vây quanh, Tiểu Vân không còn cách nào khác là gọi điện cho bố. Lúc này, bố của Tiểu Vân là Giang Phi Đông vừa tan sở, nhận được điện thoại của con trai, anh vội vã đến nơi xảy ra vụ việc. Xuyên qua đám đông, Giang Phi Đông nhìn thấy con trai đang đứng mếu máo bên cạnh, một cụ bà nằm trên mặt đất và tay thì níu chặt quần áo của Tiểu Vân.

Khi sự dối trá đã trở thành điều quá tự nhiên trong tiềm thức của cụ bà

Nhìn thấy người thân của cậu bé, cụ bà tỏ vẻ khổ sở lên tiếng: “Anh là bố của thằng bé đúng không? Con trai anh tông tôi ngã, mau đền đi, nếu không chuyện này không xong đâu”.

Nghe lời cụ bà, Tiểu Vân lo lắng rơi nước mắt, miệng không ngừng giải thích: “Bố, con không có, con thấy bà nằm trên đất nên chỉ muốn đỡ bà dậy, không ngờ bà lại nói con đã tông bà ngã”.

Giang Phi Đông biết rất rõ rằng con trai mình sẽ không nói dối, và trong lòng anh lập tức hiểu đây là chiêu trò được dàn dựng.

Để chứng minh sự trong sạch của con trai, Giang Phi Đông đã liên hệ cảnh sát. Tuy nhiên, cụ bà không những không sợ mà còn khăng khăng cho rằng chính Tiểu Vân đã tông mình, thậm chí còn thề thốt độc địa. Sau khi nhận được tin báo, cảnh sát đến hiện trường điều tra.

Để tìm ra sự thật, cần phải tìm ra ai trong hai người đang nói dối. Nhưng tiếc thay xung quanh hiện trường không có camera, manh mối gần như không có. Lúc này, cụ bà lại bắt đầu khóc với cảnh sát: “Đồng chí cảnh sát, anh phải giúp tôi, tôi không hề nói dối”.

Không có bằng chứng thuyết phục nào, mọi thứ dường như đi vào bế tắc. Tuy nhiên, Giang Phi Đông bắt đầu tìm kiếm nhân chứng cho con trai mình.

Untitled 7n
Giang Phi Đông tìm kiếm nhân chứng minh oan cho con trai. Ảnh tổng hợp

Đồng thời, cụ bà cùng gia đình đến bệnh viện khám, kết quả cho thấy bà bị gãy xương đùi trái, cần nhập viện để điều trị. Biết được kết quả này, gia đình cụ bà đã “mạnh miệng” hơn và dứt khoát yêu cầu Giang Phi Đông bồi thường, nếu không họ sẽ khiến gia đình cậu bé Tiểu Vân phải mất mặt.

Giang Phi Đông, người trung thực và có trách nhiệm, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ứng trước chi phí điều trị cho cụ bà và chịu các chi phí y tế tiếp theo.

Lòng tham vô đáy, sự ích kỉ đã biến con người thành mất nhân tính

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế, sáng sớm hôm sau, con trai cụ bà đưa bà đến nhà Giang Phi Đông, yêu cầu anh chăm sóc cụ bà thật tốt, nếu có vấn đề gì, anh phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Giang Phi Đông cũng đành chấp nhận và để bà cụ ở trong nhà.

Rõ ràng, sự nhẫn nhịn của Giang Phi Đông đã khiến cụ bà trở nên kiêu ngạo hơn, không chỉ đòi hỏi bữa ăn cao lương mỹ vị mà còn thường xuyên sai khiến người nhà Giang Phi Đông như người hầu.

Untitled 8
Lòng tham vô đáy, sự ích kỉ đã biến con người thành mất nhân tính. Cuối cùng bà cụ đã nhận được cái kết đích đáng. – Ảnh: Tổng hợp

Ngày tháng trôi qua, vết thương của cụ bà gần như đã bình phục, Giang Phi Đông cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cụ bà lại nói: “Đừng cố đuổi tôi đi, tôi chưa được bồi thường thiệt hại về tinh thần, không có 1 triệu NDT (hơn 3,25 tỷ đồng) là chuyện này chưa xong”.

Giang Phi Đông nghe điều này đương nhiên tức giận không thôi, gia đình anh đã tốt bụng giúp bà hồi phục sức khỏe, cụ bà không những không cảm kích mà còn quá đáng hơn.

1 triệu NDT đối với gia đình Giang Phi Đông là một con số quá lớn, chưa kể anh đã tốn 20.000 NDT (hơn 65 triệu đồng) cho việc điều trị tại bệnh viện, đây rõ ràng là một vụ tống tiền. Vì vậy, Giang Phi Đông đã cầu cứu truyền thông, hy vọng sẽ tìm được nhân chứng minh oan của con trai.

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát

Ngay sau đó, sự việc đã phủ sóng khắp các trang mạng xã hội. Một bác sĩ tình cờ nhìn thấy tin tức này thì không khỏi ngạc nhiên, bởi vì cụ bà này chính là bệnh nhân đến khám thời gian trước. Theo như cô được biết, vết rạn xương của cụ bà là do ngã khi cãi nhau với con dâu, chứ không phải do va đập. Tuy nhiên, vì chi phí phẫu thuật vào thời điểm đó là khoảng 10.000 NDT (hơn 32,5 triệu đồng) nên bà cho rằng giá quá đắt và bỏ đi trong lời chửi rủa.

Còn một nhân chứng khác cũng cho biết, anh đã chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng do lúc đó đang vội về nhà nên không để ý.

Untitled 11
Với quyết định của tòa án, sự việc “cậu bé tông cụ bà” cuối cùng đã kết thúc và gia đình của Tiểu Vân trở lại cuộc sống bình thường. – Ảnh: Soha.vn

Sau khi sự thật lộ ra, cụ bà cuối cùng bị tòa án phạt 500 NDT (hơn 1,6 triệu đồng) vì tội tống tiền, con trai của bà cũng bị giam nửa năm vì tội tống tiền và bị phạt 10.000 NDT (hơn 32,5 triệu đồng).

Với quyết định của tòa án, sự việc “cậu bé tông cụ bà” cuối cùng đã kết thúc và gia đình của Tiểu Vân trở lại cuộc sống bình thường.

Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ sau chuyện này cậu bé sẽ suy nghĩ là sau này không nên giúp đỡ người khác nữa kẻo mang họa vào thân. Từ đó xã hội trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác.

Hiện tượng vô cảm đáng sợ vì không muốn mang họa vào thân

Nhiều năm gần đây, hiện tượng vô cảm của người dân Trung Quốc đã đến mức khiến truyền thông thế giới phải hoảng sợ và không sao lý giải được: Việc thờ ơ trước tai nạn của người khác, thấy chết không cứu đã trở thành bình thường, thậm chí có những tài xế gây tai nạn còn cố tình cán chết người để bồi thường ít hơn, hay nhiều người còn xem tai họa của người khác như thú vui tiêu khiển…

Vào ngày 7/6/2017, trên Weibo đã đăng tải một đoạn video khiến người xem không khỏi sởn tóc gáy: Một cô gái trẻ bị taxi đâm phải khi băng qua đường, tài xế taxi rời khỏi hiện trường ngay sau đó như không có gì xảy ra, và đáng sợ hơn là có rất nhiều người chứng kiến cảnh ấy nhưng họ chỉ đứng nhìn một lúc rồi rời đi.

Không chỉ là thờ ơ không đoái hoài tới người bị nạn, mà rất nhiều người Trung Quốc thậm chí còn tỏ ra hứng thú khi chứng kiến tai họa của người khác.

Vào tháng 6/2018, một nữ sinh họ Lý ở thành phố Khánh Dương tỉnh Cam Túc bị chính thầy giáo của mình quấy rối tình dục. Thế nhưng khi cô muốn đòi lại công bằng, phía nhà trường chỉ đơn giản là yêu cầu thầy giáo xin lỗi cô và vẫn cho phép ông ta tiếp tục giảng dạy. Còn cảnh sát thì cho rằng đây không phải việc gì to tát và cũng không đủ chứng cứ để kết tội ông ta.

nữ sinh
Nữ sinh họ Lý đã tìm đến cái chết sau khi chịu bất hạnh mà không nhận được chút an ủi nào của người xung quanh, ngoại trừ những lời reo hò khuyến khích cô mau nhảy xuống. (Ảnh qua epochtimes)

Có lẽ vì quá đau khổ và thất vọng với xã hội, cô Lý đã ngồi ở cửa sổ tầng 8 của một tòa nhà và có ý định tự tử. Đám đông bên dưới chứng kiến cảnh ấy, chẳng những không khuyên can mà còn lấy điện thoại ra quay lại và không ngừng hô hào: “Muốn nhảy thì nhảy mau lên”, “Sao còn chưa nhảy xuống?”,…

Suốt 4 tiếng đồng hồ cô gái không nhận được bất kỳ một lời an ủi hay động viên nào từ người khác, cuối cùng cô không chịu nổi nữa và đã nhảy xuống. Đám đông không ngớt reo hò, chụp hình quay phim và vỗ tay cười lớn, mặc cho cô Lý đã chết ngay sau khi chạm đất. Sự vô cảm đến mức dường như không còn nhân tính của những người xung quanh đã buộc một nữ sinh phải kết thúc sinh mệnh của mình khi còn ở tuổi thanh xuân…

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất tồn tại căn bệnh vô cảm này, mà những sự việc tương tự cũng đã và đang xảy ra ở Việt Nam chúng ta trong nhiều năm qua. Thậm chí, một số người Việt đã đến mức cảm thấy “không có gì ngạc nhiên” khi xem những câu chuyện đáng sợ bên trên.

hôi của
Một hình ảnh “hôi của” đáng xấu hổ của người Việt. (Ảnh qua Vietnamnet)

Quay lại câu chuyện “cậu bé và cụ già”, thiết nghĩ rằng bài học cậu bé trên rút ra không phải là sau này không nên giúp người khác nữa, mà là nên giúp người nhưng vẫn lưu ý bảo vệ sự an toàn cho bản thân. Ví như tìm người lớn giúp đỡ bà, hoặc quay video lại để có bằng chứng nếu có điện thoại…

Còn về cụ bà, gieo nhân gì gặt quả đó, bà đã nhận được quả báo thích đáng cho hành động của mình. Cho dù bà có giảo biện đến đâu, thì trên đời vẫn có luật nhân quả.

Những việc như thờ ơ bỏ mặc người bị nạn, vui mừng trước tai họa của người khác, cho đến chuyện cố ý làm người ta chết hẳn trong tai nạn giao thông… không chỉ là “sản phẩm” của Trung Quốc, mà trong xã hội Việt Nam cũng đã từng xảy ra. Vấn đề này thật sự rất đáng để suy ngẫm.

Trong văn hóa truyền thống của người phương Đông chúng ta, dù là Trung Quốc hay Việt Nam, đều rất coi trọng sinh mệnh con người. Người xưa nói “nhân mệnh quan thiên” (mạng người có liên hệ với trời) hay “cứu một mạng người bằng xây bảy nấc phù đồ”.

Trong sách “Luận Ngữ” có câu: “Chuồng ngựa cháy. Khổng Tử hỏi: ‘Có người nào bị thương không?’ Không hỏi ngựa.” Vào thời cổ đại, ngựa là vật rất đáng tiền, có lẽ cũng như ô tô mà ngày nay chúng ta sử dụng, nếu là ngựa tốt thì càng quý giá hơn. Nhưng khi chuồng ngựa cháy, Khổng Tử không hỏi han gì đến ngựa, mà chỉ quan tâm có ai bị thương không, cho thấy rằng điều mà cổ nhân trân quý nhất chính là sinh mệnh con người, bao nhiêu lợi ích vật chất cũng không đánh đổi được mạng người.

Ông bà xưa của người Việt chúng ta cũng thường dạy những câu về tình yêu thương đồng bào, chẳng hạn như “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, “trọng nghĩa khinh tài” (chỉ quý tình nghĩa giữa con người với nhau mà coi thường tiền bạc).

Văn hóa truyền thống vốn chú trọng đạo đức và giữ gìn tín ngưỡng, người xưa vì tin vào quy luật nhân quả báo ứng mà không dám tùy tiện làm điều xấu, thường xuyên làm điều tốt, người với người tương trợ lẫn nhau, cùng chung sống hòa hợp giữa đất trời.

Câu chuyện nhân quả báo ứng chấn động miền nam Liêu Ninh
Nhân quả báo ứng luôn là quy luật bất biến của vũ trụ (ảnh: Pixabay)

Vì một xã hội vô cảm là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”.

Đâu ai biết được, ngày nào đó chính chúng ta hoặc người thân của ta gặp nạn, đến khi đó ta mới hiểu được cảm giác cần được giúp đỡ là như thế nào. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại “bệnh vô cảm”, phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống.

Tịnh Yên (t/h)

Hanhtrinh140x72 1 5

Gửi thế hệ tiếp theo: Bức thư từ nhà tù Pennsylvania

Thu nhập 20 triệu/tháng vẫn gánh nợ vì lối sống Yolo

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều