spot_img
20 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Kinh tế Pháp bất ổn vì bạo loạn

Tân Thế Kỷ Biểu tình ở Pháp xảy ra cơm bữa, từ những chuyện nho nhỏ cho đến những vấn đề quốc gia đại sự, đến độ chính những người Pháp họ cũng hài hước thừa nhận: “Chúng tôi là những nhà vô địch biểu tình”.

Người Pháp nhận thức sâu sắc được sức mạnh của đám đông, họ tuần hành, hô to, giương cao những khẩu hiệu, những mong muốn, yêu cầu của họ để các nhà lập pháp, chính phủ biết mà cân nhắc.

Thậm chí họ nhiều lần phản đối các quyết sách của chính phủ, và nhiều lần họ đã thành công, chính phủ đã phải lắng nghe họ, bãi bỏ những chính sách không hợp lòng dân.

Nhìn về mặt tích cực, biểu tình là cách dễ nhất để đo mức độ hài lòng của dân đối với chính phủ, và chính phủ, trong tư cách là những người được dân bầu lên, có nhiệm vụ phải giải trình, cân nhắc xử lý những yêu sách mà đám đông đòi hỏi.

Biểu tình chẳng có gì xấu nếu nó không vi phạm pháp luật bằng những cách đập phá, đốt xe, bạo loạn, cướp bóc… và dĩ nhiên, ai cũng hiểu, không phải toàn bộ đám đông, mà chỉ một số thành phần bất hảo lợi dụng tình hình, khuấy loạn bạo động, cướp phá.

Đáng lưu ý là trong những năm gần đây, biểu tình ở Pháp ngày một nhiều hơn, và ngày càng trở nên bạo lực, bạo loạn hơn.

Cảnh sát ở Paris tối 2-7, đêm thứ năm liên tiếp xảy ra bạo loạn - Ảnh: REUTERS
Cảnh sát ở Paris tối 2-7, đêm thứ năm liên tiếp xảy ra bạo loạn – Ảnh: REUTERS

Điều này vẽ lên một bức tranh về xã hội Pháp đang tồn tại nhiều bất ổn, niềm tin của dân Pháp với chính phủ và những rạn nứt sâu sắc về mặt chính trị giữa các đảng phái đối lập.

Gần đây, chỉ một thời gian ngắn các cuộc biểu tình và đình công về vấn đề cải cách lương hưu, nước Pháp tuần trước lại đối mặt với cuộc bạo loạn liên quan tới việc cảnh sát bắn một thiếu niên. Những vụ việc này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Pháp và đặt nền kinh tế nước này trước những thách thức mới.

Bạo loạn đe dọa nền kinh tế Pháp

Cuộc bạo loạn này sẽ không làm nước Pháp vỡ nợ, nhưng sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh về nợ nần và có thể gây ra một vết sẹo đối với nền kinh tế hàng đầu châu Âu này…

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – Ảnh: Reuters.

Tờ Telegraph dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ Pháp cho biết hàng nghìn người đã bị bắt trong cuộc bạo loạn vào tuần vừa rồi, chưa kể 6.000 ô tô bị thiêu rụi hoặc phá hỏng, và vô số hàng quán bị cướp phá. Đây là vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Pháp kể từ năm 2005, và tờ báo Anh nhận định với mức nợ vốn dĩ đã ở mức cao, Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron khó tăng chi tiêu để giải quyết vấn đề. Telegraph cho rằng cuộc bạo loạn này sẽ không làm nước Pháp vỡ nợ, nhưng sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh về nợ nần và có thể gây ra một vết sẹo đối với nền kinh tế hàng đầu châu Âu này.

Ước tính ban đầu cho thấy các công ty bảo hiểm có thể mất 100 triệu USD để bồi thường cho thiệt hại của khách hàng trong cuộc bạo loạn. Nhưng con số cuối cùng được cho là sẽ cao hơn nhiều.

Hiệp hội kinh doanh Pháp MEDEF cho biết doanh nghiệp nước này đã hứng chịu thiệt hại hơn 1 tỷ Euro, tương đương 1,1 tỷ USD, vì bạo động tuần vừa rồi. Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNN, người phát ngôn của MEDEF cho biết người biểu tình đã tấn công vào 200 cửa hiệu, phá phách 300 chi nhánh ngân hàng và 250 quầy hàng trên đường phố.

Nhiều hàng quán ở thủ đô Paris đã phải đóng cửa tạm thời, lệnh giới nghiêm vào ban đêm và các hạn chế đi lại khiến việc kinh doanh gặp trở ngại. Một số quốc gia, trong đó có Anh, dãã ra khuyến cáo đối với công dân về việc đi lại tới Pháp, vào đúng mùa du lịch cao điểm trong những tháng hè.

Pháp là một điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, với ngành du lịch chiếm 10% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này, nên thiệt hại đối với nền kinh tế chắc chắn sẽ không nhỏ. Đầu tháng 7, tỷ lệ du khách nước ngoài huỷ tour đến Pháp đã lên tới 20-25%, theo MEDEF.

Bạo loạn xảy ra trong thời điểm nhạy cảm 

Tỷ lệ tổng nợ công của Pháp so với GDP đã lên tới 112%, so với 100% ở Anh và 67% ở Pháp, và được dự báo sẽ còn tăng trong những năm tới. Thâm hụt ngân sách được dự báo lên tới 4,7% GDP trong năm nay và 4,4% vào năm tới, cho dù nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.

Tỷ lệ so với GDP của chi tiêu chính phủ (màu xanh) và thu ngân sách (màu đen) của Pháp - Nguồn: IMF/Telegraph.
Tỷ lệ so với GDP của chi tiêu chính phủ (màu xanh) và thu ngân sách (màu đen) của Pháp – Nguồn: IMF/Telegraph.

Pháp là một trong những nước có thâm hụt cơ cấu lớn nhất trong số các nước phát triển. Chi tiêu của nhà nước tương đương gần 60% GDP và tỷ lệ thuế so với GDP là 45%. Ở mức này, Pháp đứng thứ hai trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỷ lệ thuế.

Bởi vậy, dư địa để tăng thuế là hầu như không còn, mà Pháp muốn vay thêm cũng không dễ. Nước này đã vượt qua Italy để trở thành quốc gia vay nợ nhiều thứ ba thế giới, ít nhất xét về giá trị tuyệt đối thay vì tỷ lệ nợ so với GDP. Ở vị trí này, Pháp chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều.

Các tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn đã bày tỏ lo ngại về mức nợ công của Pháp. Hồi tháng 5, Fitch Ratings giảm điểm tín nhiệm của Pháp xuống AA-. “Thế bế tắc chính trị và các phong trào xã hội đặt ra rủi ro đối với chương trình cải cách của ông Macron và có thể gây sức ép đòi hỏi một chính sách tài khoá mở rộng hơn, hoặc phải đảo ngược những cải cách trước đây”, Fitch viết trong báo cáo khi đó.

Các Tổng thống trước đây trong nền Cộng hoà thứ 5 của Pháp và cả ông Macron vào năm 2017 thường giải quyết một vụ bạo động cuối tuần bằng cách tăng chi tiêu. Nhưng hiện tại, như đã nói ở trên, ông Macron không có dư địa tài khoá để làm như vậy. Trong khi đó, ông Macron còn đang chủ trương cắt giảm chi tiêu trong mấy năm tới để đưa ngân sách trở lại trạng thái cân bằng. Điều này có thể sẽ dẫn tới tâm lý tiếp tục bất mãn của một bộ phận cử tri Pháp.

Tỷ lệ so với GDP của nợ công (màu xanh) và thâm hụt ngân sách (màu đen) của Pháp - Nguồn: IMF/Telegraph.
Tỷ lệ so với GDP của nợ công (màu xanh) và thâm hụt ngân sách (màu đen) của Pháp – Nguồn: IMF/Telegraph.

Nhưng gần đây, nền kinh tế Pháp có dấu hiệu trì trệ. Dữ liệu khảo sát công bố vào tuần trước cho thấy sản lượng kinh tế Pháp giảm trong tháng 6, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ đầu năm và với tốc độ giảm mạnh nhất từ tháng 2/2021, do ngành dịch vụ bất ngờ suy giảm trong khi hoạt động sản xuất giảm sâu hơn nữa.

Nghi Vân (t.h)

Tham khảo vneconomy, TTO,

BN 2 jpeg

Xem thêm:

Những kẻ nổi loạn lao xe vào nhà quan chức Pháp

Quần áo ‘Made in China’ đầu độc thế giới theo nhiều cách khác nhau

Tổ chức an ninh lớn nhất thế giới xác định Wagner là khủng bố

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều