spot_img
21 C
Vietnam
Thứ năm,19 Tháng chín
spot_img

Sai lầm của cha mẹ: kiếm tiền nhiều cho con nhưng quên dạy tích đức

Tân Thế Kỷ – Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với việc giáo dục con cái. Cha mẹ đạo đức tốt đẹp ắt sẽ dạy dỗ con cái thông minh. Người mà không có đạo đức thì không cách nào dạy dỗ con tử tế cho nên con cháu ngu muội. Gia đình chính là trường học đầu tiên quan trọng nhất đối với sự trưởng thành của con cái.

Cổ nhân có câu: “có đức mặc sức mà ăn”, vì thế, cha mẹ dạy con trọng đức, tích đức mới là để lại cho con tài sản vô giá nhất.

dạy con tích đức
Vàng bạc châu báu vốn đều không phải là kho báu thực sự, chỉ có nhân cách mới là báu vật lớn nhất cha mẹ để lại cho con cái (ảnh: meeyland).

Phật Gia giảng rằng, tất cả những phúc báo, sự may mắn, hạnh phúc, thành công,… trong một đời của con người chính là từ “đức” mà ra. Đức ấy sẽ đi theo một sinh mệnh từ đời này qua đời khác, quyết định số phận sướng khổ của con người. Muốn có đức, con người phải sống thiện lương, làm việc tốt, biết chịu thiệt thòi và luôn nghĩ cho người khác. Tài sản của một con người thật sự là gì? Người ta nói “tiền bạc vật chất là vật ngoại thân”, chỉ có nhân cách, sống đạo đức mới là phước báu lớn nhất của đời người.

Những đứa trẻ không được dạy cách “trọng đức” có thể phung phí tiền bạc mà cha mẹ để lại cho chúng, thậm chí cuối cùng có thể trở thành ăn mày. Nếu chúng không thể sử dụng gia sản thừa kế từ cha mẹ một cách khôn ngoan, thì ngay cả một gia tài lớn cũng có thể tiêu tan, tới mức khuynh gia bại sản.

Khi cha mẹ để lại di sản thừa kế cho con cái, chúng thậm chí có thể đưa nhau ra tòa để tranh giành. Khi cha mẹ để lại trí tuệ và đạo lý làm người, con cái họ có thể tạo ra của cải cho chính chúng. Khi cha mẹ tích đức hành thiện cả đời và để lại mỹ đức cho con cái, phúc báo sẽ được lâu dài và tạo phúc cho con cháu họ.

Trong “Lễ ký – Đại học” có một câu nói: “Hóa bội nhi nhập giả, diệc bội nhi xuất”. Đại ý nói: Nếu một người có được tiền tài bằng những thủ đoạn bất chính, đi ngược với đạo lý, thì tiền tài kiếm được ấy cũng sẽ ra đi theo cách thức không tốt và không hợp với lẽ thường.

Làm việc ác tích tiền cho con

Khương Nguyên Long người vùng Trương Yển huyện Kim Sơn, làm giàu bằng nghề nông. Ruộng đất mà ông mua được phần lớn đều là có được nhờ tâm kế. Ông lại nâng cao lợi tức bằng cách thấy ai có ruộng tốt nhà đẹp thì sẽ thừa lúc người ta túng quẫn mà cho họ vay nặng lại. Bởi lợi tức quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ một thời gian không lâu đối phương sẽ khó mà hoàn trả được. Lúc này, Khương Nguyên Long sẽ tịch thu ruộng đất của người ta. Mua bán, tịch thu một cách hèn hạ như vậy, suốt 20 năm ông đã có được mấy nghìn mẫu ruộng.

Về sau, Khương Nguyên Long sinh được một cậu con trai, đặt tên là Khương Đức Chương. Khương Đức Chương chơi bời lêu lổng, không màng đến việc nhà, cũng không theo nghiệp làm ăn, mới 20 tuổi đã sa đà vào cờ bạc, rượu chè, gái gú. Mỗi lần đi ra ngoài đều cầm theo giấy tờ đất đổi 10 lạng bạc lãi suất cao của người ta, rồi chơi đến khi thua trắng hết số bạc mới chịu ngưng.

Đợi đến hôm sau khi cậu đi viết giấy nợ, người ta lại cố tình dối gạt cậu rằng: “Rõ ràng hôm qua cậu mượn 50 lạng bạc, sao chỉ sau một đêm lại quên mất rồi?”. Khương Đức Chương cũng không tranh biện, liền viết giấy nợ 50 lạng bạc đưa cho người ta, trước sau chưa từng nghĩ sẽ trả tiền để lấy lại giấy tờ nhà đất. Người khác thấy cậu dễ bị lừa như vậy, đều xúm lại bày trò dối gạt. Chưa đến 10 năm, Khương Đức Chương đã hoang phí hết toàn bộ gia sản, sau cùng nghèo đói mà chết.

Tham tiền tích nghiệp cho con

Một câu chuyện khác kể về Chu Thánh Chương, người Hoàng Yển Kiều huyện Đan Dương, gia cảnh vốn dĩ cũng chỉ thuộc diện có chút khá giả hơn người bình thường. Tuy nhiên vào một năm Càn Long, lúa mạch bội thu, mỗi đấu có 200 tiền. Chu Thánh Chương may mắn có trăm mẫu ruộng nên thu hoạch được nhiều hơn người khác, lượng lúa mạch thu được rất nhiều. Đã thế năm đó ông ta lại gom tiền mua thêm rất nhiều lúa mạch, ông bèn tích lại dự trữ.

Sang năm sau, hai vụ xuân thu đều mất mùa, giá lúa lên cao. Tuy nhiên Chu Thánh Chương vẫn nhất quyết đóng cửa không bán, đợi đến mùa đông. Lúc này sông ngòi cạn kiệt, tàu bè không thể lưu thông, thương lái không thể vận chuyển hàng hoá; ngay cả lúa giống cũng phải mang ra ăn.

Lúc đó Chu Thánh Chương vẫn giữ 4000 thạch lúa, người dân quanh vùng đều phải đến xin hỏi mua. Lúc đầu ông ta vẫn không chịu bán, đến khi mọi người năm lần bảy lượt khẩn cầu ông ta mới chịu bán cho; nhưng với điều kiện một mẫu ruộng đổi một thạch lúa; đã vậy lúa còn bị trộn lẫn với bổi chấu.

Nhờ thủ đoạn này Chu Thánh Chương đổi được một hòm đầy khế ước ruộng đất, tổng cộng lên tới hơn 5000 mẫu. Sau mấy năm ngắn ngủi ông ta đã có tới trên vạn mẫu ruộng, tiền bạc như núi.

Muốn đời con tốt phải dạy “tích đức”

Mặc dù tài phú đầy nhà nhưng Chu Thánh Chương lại không sinh được một mụn con trai nào, cầu khấn khắp nơi. Mãi tới năm 68 tuổi họ Chương mới sinh được một người con nên đặt tên là Lục Bát.

Lục Bát chưa đầy 10 tuổi thì Chu Thánh Chương qua đời. Chu Lục Bát sau khi lớn lên xem tiền bạc như cỏ rác. Mỗi lần ra ngoài đều đem theo rất nhiều ngân lượng rồi tiêu pha phung phí đến khi nào hết mới chịu về nhà; có khi tiêu không hết cậu ta ném luôn tiền bên vệ đường.

Năm đó triều chính thi hành “Luật kho xã”, chọn một nhà giàu có tại địa phương làm kho xã. Quan nha chọn đúng nhà Chu Lục Bát. Nhiều người thấy Chu Lục Bát còn nhỏ lại yếu đuối nên chỉ có mượn mà không có trả. Từ đó, dẫn tới việc mỗi năm Chu Lục Bát phải đền vào ngân khố rất nhiều; cộng với thói quen cờ bạc, gia sản chẳng mấy chốc đều tiêu tan hết. Tới lúc qua đời, ngay cả chốn dung thân cũng không có.

Hai câu chuyện trên cho thấy, cha mẹ dù có giàu có đến cỡ nào thì bao nhiêu tiền tài để lại cho con cũng tiêu tán hết. Khi cha mẹ coi trọng tiền bạc đồng nghĩa với việc hủy hoại tương lai của đứa trẻ. Chỉ có cách dạy con tích đức biết lấy sự lương thiện để đối đãi với người khác mới đem lại hạnh phúc cho con.

Nhiều cha mẹ cho rằng, thương yêu con cái là để lại rất nhiều của cải cho con. Do vậy khi còn trẻ họ cố gắng làm việc cật lực; thậm chí chẳng việc ác nào mà không làm miễn là có thể có tiền. Kỳ thực, họ không biết rằng những việc xấu cha mẹ làm vô tình tích nghiệp cho con. Như thế chẳng phải cha mẹ hại con hay sao?

Làm người đối nhân xử thế chỉ có thể dựa vào nhân phẩm; cha mẹ dạy con tích đức, sống thiện lương mới có đức dày phúc ấm.

Nghi Vân (t.h)

Tham khảo Sound of Hope, NS, Chanhkien

Hanhtrinh140x72 1

Xem thêm:

Chỉ vì đỡ cụ bà té ngã, gia đình cậu bé 9 tuổi bị đòi bồi thường hơn 3,2 tỷ và cái kết

Cậu bé ăn xin nhận ra mẹ sau 3 năm bị bắt cóc, nhưng vì sao bị mẹ từ chối?

Bác sĩ trẻ Trung Quốc tiết lộ góc tối trong ngành Y: “Đó là những chuyện thất đức nhất”

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều