spot_img
21 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh: dấu hiệu “u ám” của kinh tế toàn cầu

Tân Thế Kỷ Từ giữa năm 2022 đến nay, giá các loại hàng hóa cơ bản như dầu thô, quặng sắt truột dốc được xem là một chỉ báo đáng lo ngại và u ám của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, những rủi ro của một cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng có thể xảy ra. 

Chỉ số S&P GSCI Commodities Index, một thước đo giá hàng hoá cơ bản toàn cầu, đã giảm 25% trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong đó, giá các kim loại công nghiệp giảm gần 3,8%; giá năng lượng như dầu thô và khí đốt giảm 23%.

dn dau khi anh huong nang ne khi gia dau giam manh
Giá các loại hàng hóa cơ bản như dầu thô, quặng sắt truột dốc được xem là một chỉ báo đáng lo ngại và u ám của nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh vietstock)

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng cho thấy: giá lương thực cơ bản đã giảm 22% trong vòng 1 năm qua. Trong đó, giá dầu thực vật giảm nhiều nhất, với mức giảm 48%. Giá ngũ cốc như lúa mì và ngô đã giảm 1/4 từ mức cao kỷ lục cách đây 1 năm.  Giá kim loại đồng đã chạm mức thấp nhất nửa năm trong tháng 6 vừa rồi, khi các nhà đầu cơ gia tăng các vị thế bán khống – đặt cược vào sự mất giá.

Diễn biến của thị trường hàng hóa làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh 1
Hiệu suất của các chỉ số hàng hóa trong 1 năm (tính đến ngày 30/6)

Xu hướng trượt dốc của hàng hóa cơ bản nói chung là một “điềm xấu” 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự sụt giảm tổng thể của chỉ số này có khả năng chỉ ra sự suy giảm và suy thoái kinh tế toàn cầu, khi sự phục hồi của Trung Quốc hậu đại dịch mất đà.

Giá lương thực đi xuống một phần phản ánh hoạt động xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine được nối lại và điều kiện thời tiết mùa đông không quá khắc nghiệt, nhưng việc giá năng lượng và kim loại công nghiệp trượt dài – điển hình là dầu thô, quặng sắt và đồng – có liên quan nhiều hơn tới sức khỏe kinh tế.

“Quặng sắt và đồng là thước đo tốt cho các bộ phận mang tính chu kỳ rất cao của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm xây dựng và sản xuất, những bộ phận đang suy thoái ở nhiều nơi. Tôi tin rằng điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm rộng hơn trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở phương Tây”, Reid I’Anson, nhà phân tích hàng hóa cấp cao của Kpler cho biết. “Việc nền kinh tế Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường là một lý do lớn phía sau sự chao đảo của thị trường hàng hoá cơ bản”, ông l’Anson nói thêm.

Ông dự đoán rằng, Mỹ có thể sẽ chứng kiến ​​sự sụt giảm GDP trong quý IV năm nay hoặc quý đầu năm 2024 và châu Âu cũng có thể chứng kiến ảnh hưởng tương tự nhưng theo sau từ 3 – 6 tháng.

Nhà phân tích Reid I’Anson cũng bày tỏ quan điểm bi quan về các nền kinh tế lớn của phương Tây, dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sẽ suy giảm trong quý 4/2023 hoặc quý 1/2024, và châu Âu sẽ “nối gót” sau 3 hoặc 6 tháng. Cùng quan điểm này, một báo cáo của Công ty quản lý tài sản HSBC Asset Management thuộc Ngân hàng HSBC của Anh mới đây cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong quý 4 năm nay, và đến năm 2024 suy thoái sẽ “gõ cửa” châu Âu.

Giá hàng hóa cơ bản trượt dốc: Dấu hiệu u ám của kinh tế toàn cầu - Ảnh 1

Jim Wiederhold, Giám đốc Hàng hóa và Tài sản Thực tại S&P Dow Jones Indices cho biết: “Các loại hàng hóa như kim loại công nghiệp có xu hướng giảm trước các chỉ số kinh tế hàng đầu như PMI và trong lịch sử đã giúp báo hiệu thời điểm suy thoái có thể xảy ra. Dầu có xu hướng giảm mạnh khi một cuộc suy thoái đang diễn ra”.

“Nhìn chung, nhiều mặt hàng chính đã sụt giảm trong vài tháng qua do các công ty và người tiêu dùng giảm nhu cầu trước nguy cơ suy thoái kinh tế”, ông cho biết thêm.

Hàng hóa cũng có xu hướng di chuyển song song với những thay đổi của lạm phát. Và nếu lạm phát tiếp tục giảm xuống thấp hơn, thị trường hàng hóa có thể giảm nhiều hơn trong ngắn hạn.

Mối lo từ sự phục hồi kinh tế không như kỳ vọng của Trung Quốc 

Mối lo này càng có cơ sở khi nền kinh tế Trung Quốc – quốc gia từng được kỳ vọng sẽ giữ vai trò đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu năm nay – đang đuối sức sau một thời gian ngắn phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 hà khắc vào cuối năm ngoái. Trung Quốc gần đây công bố một loạt số liệu kinh tế yếu hơn dự báo. Các nhà phân tích của Ngân hàng Bank of America đã xác nhận rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc không được như kỳ vọng.

Những container hàng hoá ở một cảng biển của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Những container hàng hoá ở một cảng biển của Trung Quốc – Ảnh: Bloomberg.

Matty Zhao, Trưởng bộ phận Nguyên liệu cơ bản và Nghiên cứu dầu khí của Bank of America cho biết: “Đặc biệt đối với bất động sản, hoạt động đầu tư đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm thị trường bất động sản thường liên quan đến sự sụt giảm nhu cầu đối với vật liệu xây dựng như thép, nhôm, đồng và niken”.

Theo các ngân hàng đầu tư Phố Wall, sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc được dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều năm. Và chính phủ Trung Quốc có vẻ như sẽ không theo đuổi một gói kích thích tài chính. Ngay cả khi có, thì nó cần phải có quy mô đủ lớn để gây ấn tượng với thị trường vào thời điểm này”, nhà phân tích hàng hóa Reid I’Anson cho biết. Ngành xây dựng  tiêu thụ 23% kim loại ở Trung Quốc trong năm 2022, do đó, tăng trưởng kinh tế suy yếu và thị trường bất động sản của nước này vẫn chìm trong khủng hoảng đã tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với thép, nhôm và đồng.

Trong một báo cáo, các phân tích của Kpler nói nhiều đến sự mất giá của đồng – kim loại được xem như một “hàn thử biểu” về tình trạng của nền kinh tế, bởi đồng được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện và máy móc công nghiệp. Quý 2 vừa qua, giá đồng giao sau trên sàn giao dịch tương lai ở Thượng Hải đã giảm 2,4%. Nếu tính từ đầu năm, giá đồng giao sau trên sàn COMEX ở New York giảm 1%. Vào tháng 3 năm ngoái, giá đồng đạt mức cao nhất mọi thời đại 10.375 USD/tấn, sau đó sụt giảm và kết thúc năm với mức giảm gần 14%.

Việc Bắc Kinh chần chừ trong việc đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng mạnh tay cũng khiến giới đầu tư thất vọng, từ đó đặt ra sức ép lớn hơn lên thị trường hàng hóa cơ bản. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs Group gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 6% xuống 5,4%, trên cơ sở cho rằng Bắc Kinh giờ đây đã trở nên thận trọng hơn trước trong việc kích cầu, do dân số suy giảm gây hạn chế nhu cầu nhà ở, mức nợ trong nền kinh tế tăng cao và lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc kiểm soát đầu cơ bất động sản.

Ngoài ra, nguồn cung kim loại tăng góp phần làm giảm giá kim loại. Các nhà cung cấp lớn nhất như Rio Tinto, Vale và Glencore đều tăng cung hàng ra thị trường. Dù vậy, theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ ổn định của giá kim loại vào năm 2023 sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.

Nghi Vân (t.h)

BN 1 jpeg

Xem thêm:

Giá vàng biến động yếu trước ngày Fed báo cáo lạm phát Mỹ

Trung Quốc: Kinh tế ảm đạm, lợi nhuận công nghiệp sụt giảm

Amazon bị kiện vì lừa hàng triệu khách hàng đăng ký gói Prime

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều