spot_img
20 C
Vietnam
Thứ ba,26 Tháng mười một
spot_img

Cho 3 thiếu niên ăn xin bữa cơm, người phụ nữ được báo đáp tiền tỷ

Tân Thế Kỷ – “Đời người không có tử lộ”. Nhiều năm trước ở Trung Quốc, có một người phụ nữ đã dang tay giúp đỡ ba thiếu niên tuyệt vọng khi họ đang đứng bên bờ vực thẳm cuộc đời, để rồi sau này, họ đã trở lại đền ơn đáp nghĩa.

Lên đường kiếm tiền trả nợ cho bố

Quay ngược lại năm 1993, gia đình Hà Vinh Phong ở vùng quê tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) gặp biến cố. Bố anh gây nợ nần chồng chất vì nhiều năm đắm chìm trong cờ bạc, không còn khả năng cầm cự, chủ nợ ngày nào cũng đến cửa quậy phá, hối thúc trả tiền. Cuộc sống cả gia đình Hà Vinh Phong từ đó thay đổi hoàn toàn.

Hà Vinh Phong có rất nhiều anh chị em, ai cũng phải đi học. Kể từ khi bố vỡ nợ, tiếng xấu đồn xa, các bạn cùng lớp thường xuyên bắt nạt Hà Vinh Phong và các em của anh. Bản thân là anh cả trong nhà, Hà Vinh Phong không thể nhắm mắt làm ngơ.

Hà Vinh Phong muốn dựa vào sức mạnh của chính mình để thay đổi tình trạng khó khăn này. Nghe có vẻ xa vời, nhưng đó là cách duy nhất anh có thể nghĩ đến. Tuy nhiên, khi đó anh chỉ là một chàng trai 17 tuổi. Trong khi bao chàng trai khác vẫn đang đắm chìm trong mộng tưởng về tình yêu và một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai, thì Hà Vinh Phong lại muốn ra ngoài làm việc, dựa vào chính đôi tay của mình để kiếm tiền, hỗ trợ gia đình và thay đổi tình cảnh đáng xấu hổ hiện tại.

Untitled 7 4
Hà Vinh Phong sau này. – Ảnh: cafef.vn

Cứ thế, khi vẫn còn chưa đủ 18 tuổi, Hà Vinh Phong bắt đầu con đường làm việc và kiếm tiền ở các thành phố lớn với hai người bạn cũng cùng chí hướng trong làng. Song cả bọn là những thanh thiếu niên chưa có kinh nghiệm xã hội, tầm nhìn còn khá đơn thuần và cho rằng xã hội rất tươi đẹp, thực tế phũ phàng lần lượt ập đến khiến họ không ít lần muốn gục ngã và buông xuôi tất cả.

Tiền bị trộm sạch, lang thang khắp phố

Lần này, nhóm thanh niên Hà Vinh Phong đến Hàng Châu (Chiết Giang) để tìm chị gái lấy chồng xa của một người bạn. Những tưởng mọi chuyện sẽ suôn sẻ nhưng không may thay, toàn bộ số tiền của họ đã bị đánh cắp tại nhà ga Hàng Châu. Ba chàng trai không một xu dính túi như mất hết hy vọng, hoang mang đến cực độ.

Kẻ lấy trộm tiền là người đàn ông tốt bụng và thân thiện đã nói chuyện với họ trên đường đi. Ba thanh niên bắt đầu hoài nghi nhân sinh: Tại sao xã hội này lại như vậy?

Vì không có tiền, nên họ chỉ có thể qua đêm tại nhà ga xe lửa. Bụng đói cồn cào, muốn vào quán ăn xin chút ít nhưng ông chủ thấy bộ dạng của ba người thì đầy vẻ chán ghét, xua tay đuổi đi. Và rồi, ba chàng trai chấp nhận cảnh lang thang khắp đầu đường ngõ hẻm Hàng Châu

Tuyệt vọng và bị dồn vào bước đường cùng, ba người Hà Vinh Phong phải ăn xin dọc đường. Tuy nhiên, “còn trẻ mà đi ăn xin”, điều này khiến người qua người khó rũ lòng thương, thậm chí còn nhận về đầy sự khinh khi miệt thị.

Hàng ngày đi ăn xin, họ mặc những bộ quần áo tồi tàn và bẩn thỉu nhất, phải nhẫn nhịn những đôi mắt lạnh lùng, như thể xuyên thấu trái tim họ. Số tiền xin được quá ít ỏi, ngày tháng trôi qua vô cùng khó khăn, hầu như không thể có được một bữa ăn no.

Chính cuộc sống nghèo khổ đó đã khiến Hà Vinh Phong vốn sức khỏe không tốt, là người đầu tiên đổ bệnh, không thể ra đường ăn xin, hàng ngày nằm dưới gầm cầu lạnh lẽo đắp chiếc chăn rách, bệnh đến mức đầu óc mê man, mụ mị.

Hai người bạn của Hà Vinh Phong sợ hãi tột độ khi nhìn thấy anh bệnh như sắp chết đến nơi. Không còn lựa chọn nào khác, họ đành cắn răng gõ cửa một ngôi nhà gần đó, nếu may mắn, sẽ có người dang tay giúp đỡ, chí ít cũng phải cố gắng cứu sống Hà Vinh Phong.

Gặp gỡ vị cứu tinh

“Đời người không có tử lộ”. Vào thời điểm khó khăn này, nhóm ba người của Hà Vinh Phong đã gặp được người phụ nữ tên Đới Hạnh Phân.

Sau khi Đới Hạnh Phân mở cửa, cô thấy trước mặt mình là ba thanh niên lạ mặt, họ gầy gò, da ngăm đen, trông giống như những thiếu niên đến từ nông thôn làm lụng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Trong đó nổi bật nhất là chàng trai quấn chiếc chăn vì bệnh, cậu đang gồng mình đứng trước Đới Hạnh Phân và cố tỏ ra vẻ “giống con người nhất” để không bị kỳ thị xua đuổi. Nhìn thấy cảnh tượng như vậy, Đới Hạnh Phân cảm thấy thương xót, cô vội vàng để ba chàng trai vào nhà và nấu cho họ một bữa ăn nóng hổi.

Ba người vừa ăn vừa khóc, nước mắt chảy dài trên má, bởi lẽ từ khi rời nhà lên đường tìm kiếm sinh cơ, không một ai đối xử tốt với họ. Thế mà người phụ nữ chưa từng gặp mặt này đã chào đón họ như người thân trong gia đình khiến họ cảm thấy ấm áp hơn bao giờ hết.

Hàng xóm ghé qua chơi thấy trong nhà cô có 3 thiếu niên lạ mặt, khuyên cô cho ăn xong thì tìm cớ đuổi đi, trời cũng tối rồi để mấy người lạ trong nhà không an toàn. Nghĩ đến chuyện 3 thiếu niên đáng thương không còn 1 xu dính túi, lại phải đi quãng đường dài vất vả như vậy, cô không đành lòng bèn nói với hàng xóm: “Tôi đã hứa cho 3 thiếu niên đó nghỉ lại 1 đêm rồi, vả lại hoàn cảnh của họ cũng rất đáng thương, nếu bây giờ bị đuổi ra ngoài thì biết đi đâu cơ chứ?”

Hàng xóm tiếp tục khuyên nhưng cô vẫn kiên quyết: “Con người nên biết giữ lời hứa, tôi đã hứa rồi sẽ không bao giờ nuốt lời”. Thấy vậy, hàng xóm không khuyên nhủ thêm nữa. Đới Hạnh Phân nghĩ rằng đã giúp thì giúp cho trót, nên ngỏ ý muốn tìm việc làm cho 3 thiếu niên. Tuy nhiên, họ lại từ chối và nói sáng hôm sau sẽ rời đi. Đới Hạnh Phân chỉ đành đồng ý.

Trong khi dọn giường ngủ cho ba người, Đới Hạnh Phân đã hỏi thăm sức khỏe của họ, và sau khi biết rõ hoàn cảnh, cô đã giúp họ trả tiền khám bệnh và thuốc men cho Hà Vinh Phong và hào phóng cho họ 30 NDT (gần 100 nghìn đồng), xem như lộ phí mua gì đó ăn trên đường đi. Đới Hạnh Phân cũng bồi hồi rơi nước mắt khi cố nhét vào túi họ số tiền mà cô cố gắng thu vén được. Vào thời điểm đó, số tiền 30 tệ tương đương nửa tháng lương mà chị Đới có thể kiếm được.

Untitled 3 6
Ảnh minh họa cắt từ bộ phim Mãi Là Chị Em Tốt. – Nguồn: kenh14.vn

Từ biệt ân nhân, ba thiếu niên tràn đầy xúc động, thầm thề trong lòng rằng khi nào gặp sẽ báo đáp, quyết không quên nghĩa tình. Đồng thời, họ cũng tự hứa với lòng rằng phải sống thật mạnh mẽ và không bao giờ phụ sự giúp đỡ của Đới Hạnh Phân. Vào cái đêm lạnh lẽo đó, Đới Hạnh Phân đã dang tay giúp đỡ ba thiếu niên, tình yêu thương và lòng tốt của cô đã xua tan mọi giá lạnh, giúp ba thiếu niên nhìn thấy hy vọng của cuộc sống và có động lực để bước tiếp.

Động lực của tình người

Với sự giúp đỡ của Đới Hạnh Phân, Hà Vinh Phong đã khỏi bệnh, ba thiếu niên có thể tiếp tục vật lộn trên đường đời. Sau đó, họ thành công gặp lại chị gái – người sẽ giúp đỡ họ tìm kiếm công việc trong thành phố lớn.

Ba người làm việc trong một nhà máy điện tử ở Hàng Châu. Hà Vinh Phong chăm chỉ cần cù, con đường thăng tiến tốt nhất trong nhóm, mới làm việc được vài năm đã làm chủ thầu, dần dần làm ăn ngày càng lớn mạnh, sau nhiều năm đã trở thành một “đại phú hào” có tiếng.

Untitled 4 1
Ông chủ Hà luôn tin rằng, cuộc gặp gỡ với bà Đới trong những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời chính là niềm may mắn mà ông trời ban cho. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Nghĩ đến Đới Hạnh Phân đã giúp đỡ mình trong quá khứ, Hà Vinh Phong luôn biết ơn. Trong nhiều thời khắc đen tối trong cuộc đời, chính Đới Hạnh Phân đã cho anh hơi ấm trong những đêm lạnh giá, cho anh dũng khí và sức mạnh vô hạn.

Phương tiện liên lạc thời đó vô cùng bất tiện, lại không có người quen, Hà Vinh Phong không biết làm cách nào để gửi thư cho người chị tốt bụng. Anh chỉ có thể tạm gác lại chuyện báo ơn, chăm chỉ kiếm tiền với mong ước sau này thành đạt sẽ quay lại tìm ân nhân. Ấy vậy mà chớp mắt một cái, 20 năm đã trôi qua.

“Lòng tốt sẽ nở hoa và kết trái”

Sau khi thành công, Hà Vinh Phong đã mất 20 năm để tìm kiếm vị cứu tinh năm xưa. Cô vẫn làm việc trong một quán mì với thu nhập ít ỏi. Để bày tỏ lòng biết ơn, Hà Vinh Phong đã tặng 1 triệu NDT (hơn 3,3 tỷ đồng) cho Đới Hạnh Phân nhưng cô đã từ chối nhận. Cuối cùng, anh chỉ đành đổi thành 50.000 NDT (hơn 165 triệu đồng) tiền mặt và một ít thuốc bổ xem như món quà thăm hỏi cố nhân gửi đến cho Đới Hạnh Phân.

Anh có được sự thành công như ngày hôm nay chính là nhờ câu nói của Đới Hạnh Phân căn dặn trước lúc chia ly: “Thành thực, giữ chữ tín, có tiếng tăm tốt mới có thể kiếm được tiền.”

Hà Vinh Phong luôn tin rằng, câu nói ấy giống như 1 lời cảm hóa, 1 câu thần chú đem lại sự may mắn cho cuộc đời của anh.

Cô Đới cho hay, bạn đầu cưu mang 3 người Hà Vinh Phong vì không nỡ thấy người gặp hoạn nạn mà không giúp, chứ không hề hy vọng được đền ơn. Sau này có duyên gặp lại, biết được những thiếu niên mình giúp đỡ năm xưa đều làm ăn khấm khá, cô cũng rất vui và cảm thấy việc mình làm là đúng. Nhưng để người ta đền ơn bằng số tiền lớn như vậy thì cô không thể nhận. Cô nói: “Tôi chỉ cho mấy cậu ấy tá túc 1 đêm, ăn 1 bữa cơm và 30 tệ lộ phí mà thôi.”

Untitled 5 3
Bà Đới (ở giữa) là một người phụ nữ nhân từ và ấm áp trong mắt mọi người. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Đới Hạnh Phân tin rằng: “Con người giúp đỡ nhau là chuyện nên làm”. Bản thân cô cũng hy vọng Hà Vinh Phong luôn “giữ được sơ tâm, sống đúng bản thiện”, có thể truyền tấm lòng này đến với mọi người, đặc biệt là những số phận kém may mắn.

Cuối cùng, trước sự khăng khăng của Hà Vinh Phong, chị đã dùng số tiền đó quyên góp cho các tổ chức từ thiện với danh nghĩa của mình.

Câu chuyện cảm động của hai người sau này được chuyển thể thành phim để vinh danh những tấm lòng tốt cũng như đạo lý nhớ ơn người đã giúp đỡ mình.

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 1

10 câu chuyện về lòng tốt cảm động cả thế giới

Trúng độc đắc hơn 320 tỷ đồng và hành động đáng nể của anh nông dân miền Tây

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều