spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Tản mạn “xe lam” Sài Gòn xưa

Tân Thế KỷBóng dáng xe Lam không còn xuất hiện trên đường, song loại xe 3 bánh với tiếng nổ “bành bành” từng là một phần không thể thiếu cuộc sống của người Sài Gòn xưa.

Thời đó, nếu để dùng một hình ảnh miêu tả về mật độ xuất hiện thì xe lam xuất hiện đông đúc như xe bus bây giờ. Nhưng mà xe bus đón khách và trả khách ở trạm cố định, còn khi đi xe lam thì muốn đón và dừng ở đâu cũng được, giống như xe đò bây giờ vậy.

mceclip2 1688801559
Khi đi xe lam thì muốn đón và dừng ở đâu cũng được, giống như xe đò bây giờ vậy.

Xe Lam là phương tiện giao thông công cộng dành cho người bình dân tại miền Nam Việt Nam từ thập niên 60 để thay thế xe ngựa thồ (thổ mộ) vẫn còn được sử dụng vào khoảng thời gian đó.

Bắt nguồn từ tên gọi dòng sản phẩm Lambretta của Italya, thuở mới xuất hiện bên thùng xe chỉ dập nổi chữ Lambretta, hay Vespa nhưng về sau kèm một con số như: Lambro 150, Lambro 175, Lambro 200, Lambro 500, Lambro 550… Đây là nguyên nhân ra đời cái tên “xe Lam”.

mceclip3 1688801585
Bến xe Lam ở Thủ Đức – Lambro 550 (Ảnh chuyenxua)

Trong một đoạn quảng cáo về xe Lam thời đó có nội dung: “Máy trước, vừa đề, vừa đạp. Đặc điểm hoàn toàn làm tại Ý Đại Lợi – Trọng tải hữu dụng 550 ký… Xe có bán tại Lambretta Việt Nam – VINACO và khắp các đại lý trên toàn quốc. Chú ý: không có xe Lam bốn bánh, chỉ có xe Lam ba bánh”.

Xe lam chở khách thời đó chủ yếu là xe Lambro 550 và Lambretta. Đối với học sinh, sinh viên và những người lao động ở Sài Gòn thì xe lam là loại phương tiện thông dụng nhất.

Xe lam có dạng thùng với 3 bánh xe được lắp đặt bên dưới thay vì 2 bánh hay 4 bánh như những chiếc xe khác. Xe được chia thành 2 “toa”. Phía trước là cabin do bác tài “làm chủ”, ʟái cả chiếc xe. Phần dưới ghế ngồi của bác tài là thùng chứa máy xe. Cứ hễ xe chết máy là bác nhảy xuống, nhấc yên xe lên rồi chùi bu-gi, tra dầu, làm đủ kiểu để xe nổ máy lại ngon lành. Phần sau là thùng xe dùng để chở khách, có hai hàng ghế dài.

xe-lam-tren-duong-pho-sai-gon-xua-4
Một điểm đỗ của xe lam xưa (ảnh VNE)

Đôi lúc khách đông, bác tài vui vẻ ngồi nép vô để 2 hoặc 3 khách nữa có chỗ ngồi. Xe cơ bản được thiết kế cho khoảng 8 – 10 người ngồi. Nhưng về đến Việt Nam, số lượng khách tăng lên gấp đôi, gấp 3 mà vẫn thấy “thoải mái”. Nếu hai người đối diện nhau chân dài thì thế nào hai đầu gối cũng đụng nhau khi xe thắng lại. Vậy nên để tránh chuyện này, họ phải ngồi thật khéo bằng cách khép đầu gối nghiêng qua một bên hoặc hai đầu gối phải xếp so le nhau.

xe-lam-tren-duong-pho-sai-gon-xua-8
Khách ngồi trên hai hàng ghế dài đặt dọc theo thùng xe, song song nhau. Nếu hai người đối diện đều “chân dài” thì đầu gối thế nào cũng đụng nhau.
xe-lam-tren-duong-pho-sai-gon-xua-6
Không chỉ ở Sài Gòn mà trên khắp các tuyến đường từ Bắc chí Nam có một thời xe Lam làm “bá chủ”.

Giá một chiếc xe Lam hồi thập niên 60 khoảng 30 cây vàng. Ông Lâm Quang Thành (quận 4), người từng có thâm niên hơn chục năm lái xe Lam cho biết do xe khá đắt nên không phải ai cũng có thể mua, nhưng nếu mua được thì nó mang về lợi nhuận rất nhiều.

Thời đó, lộ trình xe Lam cũng giăng kín Sài Gòn như xe buýt ngày nay nhưng điểm khác biệt là không có trạm dừng cố định cho khách lên xuống. Ai muốn đi thì ra sát vệ đường vẫy tay đón và xe cũng dừng lại bất cứ chỗ nào cho khách xuống.

xe-lam-tren-duong-pho-sai-gon-xua-2

Người buôn bán có thể chất quang gánh, bao và một số thứ linh tinh trên nóc xe – điều mà xe buýt không chấp nhận. Vì vậy, dù giá vé xe Lam mắc hơn xe buýt (vé xe buýt là 2 đồng, vé xe Lam là 5 đồng) nhưng nhiều người vẫn lựa chọn vì tiện lợi.

xe-lam-tren-duong-pho-sai-gon-xua-3
Dù giá vé xe Lam mắc hơn xe buýt (vé xe buýt là 2 đồng, vé xe Lam là 5 đồng) nhưng nhiều người vẫn lựa chọn vì tiện lợi. (Ảnh VNE)

Đến cuối năm 1968, toàn miền Nam có hơn 17.000 chiếc xe Lam, trong đó riêng Sài Gòn có 3.200 chiếc. Đến năm 1971, xe Lam là phương tiện vận chuyển quan trọng nhất Sài Gòn cũng như các tỉnh miền Nam vì hệ thống xe buýt đã ngưng hoạt động và chưa phục hồi. Theo báo chí lúc đó thì toàn miền Nam có đến hơn 30.000 chiếc, số xe Lam lưu hành gấp 7 lần taxi.

Nếu khoảng thập niên 1950 người Sài Gòn vẫn còn thấy xe thổ mộ (xe ngựa) ra vô chợ Bến Thành thì đến đầu 1960 xích lô đạp, xích lô máy là phương tiện vận chuyển thuộc hàng VIP.

BN 2 jpeg 1

Sang đầu thập niên 1970, xe Lam cùng taxi chiếm lĩnh đường phố, kế đó là sự xuất hiện của xe buýt… Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, các phương tiện cơ giới khác bị thiếu xăng hoặc thiếu phụ tùng thay thế không sử dụng được nên xe Lam được dùng làm phương tiện phổ biến rẻ tiền.

Từ năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 23 quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ôtô tải và ôtô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ), xe Lam bị hạn chế và từ từ bị cấm hẳn.

Dù không còn thấy bóng dáng xe lam nữa, nhưng trong ký ức nhiều người, loại phương tiện này vẫn mang một dư âm quen thuộc, gợi nhớ một Sài Gòn xưa nhộn nhịp nhưng cũng lãng mạn vô cùng.

Nghi Vân (t.h)

Nguồn tham khảo VNE, chuyenxua

VIDEO CHỌN LỌC 

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều