Tân Thế Kỷ – Chỉ có một tay nhưng bà rất thành thạo công việc từ múc cháo, chuẩn bị sẵn gói ớt, trao cháo tận tay cho khách… Khách lạ mới ghé quán đều ngưỡng mộ tinh thần, sự vượt khó của bà. Hằng ngày, bà vẫn bán cháo kiếm tiền nuôi con gái thứ hai học đại học với hi vọng con thành công.
12 giờ trưa, thời tiết TP.HCM nắng như đổ lửa. Ở đường Nguyễn Khoái (Q.4, TP.HCM), nồi cháo của bà Lê Thị Lệ Nga (56 tuổi) nghi ngút khói, khách đến ăn khá đông. Quán bày biện vài bộ bàn ghế nhỏ để khách ngồi ăn tại chỗ đồng thời bán cho người mua mang về.
Dù chỉ có một tay vẫn sống rất lạc quan
Bà Nga cho biết, từ khi sinh ra bà chỉ còn một tay. Từ nhỏ ở với bà ngoại và bà cố nên bà cũng chưa bao giờ hỏi mẹ vì sao bản thân lại bị như vậy. Bà vẫn đi học, tập viết bằng tay trái, tập làm mọi thứ chỉ bằng tay trái. Dù khó khăn hơn so với người bình thường nhưng chưa bao giờ bà than trách số phận, cố gắng hoàn thiện công việc từng ngày.
“Tôi bị khuyết tật từ nhỏ nên cũng đỡ vì không phải gặp biến cố trong đời nên đỡ bị sốc. Tôi lớn lên biết chỉ có một tay nên cũng không bao giờ hỏi nguyên nhân vì sao từ mọi người. Tôi cũng làm mọi việc như người bình thường, dần cũng quen. Trước giờ tôi cũng buôn bán nhiều thứ nhưng khoảng 6 – 7 tháng nay, gia đình tôi quyết định chuyển qua bán cháo. Tôi rất thích nấu ăn nên tôi dành nhiều tâm huyết vào xe cháo này”, người phụ nữ nói.
Năm 27 tuổi, bà Nga nên duyên vợ chồng với người đàn ông ở gần chỗ bà sống. Người chồng luôn ngưỡng mộ tinh thần lạc quan, sự chịu khó, chăm chỉ của người vợ. Họ có hai người con gái, hằng ngày đi kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con trưởng thành.
Bà Nga thấy vui mỗi khi khách quen đến nếu không thấy bà sẽ hỏi thăm qua chồng hoặc con gái. Người phụ nữ bôn ba cả đời với một tay, không bao giờ có suy nghĩ buông xuôi, bất lực với việc kiếm tiền.
Mỗi ngày, bà Nga dậy từ 6 giờ sáng đi chợ chuẩn bị nguyên liệu để 12 giờ trưa đẩy xe đi bán hàng. Bà thường bán đến 7 giờ tối đến khi nồi cháo hết. Vì có ông xã và con gái cùng phụ nên quán cháo này không cần phải thuê người làm bên ngoài. Mọi người xung quanh cũng chưa bao giờ thấy bà than trách số phận kém may mắn.
Tự hào nuôi con học đại học, không cần xin xỏ ai
Theo vị chủ quán này, bà đã quen với mọi việc nên không thấy khó khăn. Mọi việc đều có cách giải quyết nếu cố gắng “đâu sẽ vào đó”. Mỗi lần đẩy xe cháo nếu quá nặng bà sẽ nhờ ông xã hoặc những người khách quen đẩy giúp. Bà sống ở đó từ nhỏ tới lên nên rất nhiều người quen mặt, họ sẵn sàng hỗ trợ.
“Tôi vẫn làm chưa bao giờ có ý định phụ thuộc vào người khác, không ai có thể cho mình tiền mãi mãi. Đứa con gái thứ hai đang học Y, tôi phải ráng làm để lo cho con. Tôi rất tự hào về con nên vất vả, cực khổ bao nhiêu tôi cũng cố gắng để tương lai con không vất vả, cực khổ và tươi sáng hơn”, bà bộc bạch.
“Tôi bán cháo nhưng thịt, xương cứng quá tôi không cắt được sẽ nhờ chồng phụ, còn những việc khác tôi tự làm. Vợ chồng hỗ trợ qua lại, con gái học đại học nhưng rất thương ba mẹ, mỗi khi rảnh cũng chạy đến phụ”, bà nói với giọng tự hào.
Mỗi năm học phí của con gái khoảng 50 triệu nhưng bà luôn ráng động viên, mong con học tới nơi tới chốn. Nếu con học được nhưng ba mẹ không có tiền đóng học sẽ rất áy náy. Vì vậy, dù mưa hay nắng, ngày ngày bà vẫn đi bán cháo kiếm tiền cho con ăn học.
Nguyễn Phương Trang (20 tuổi, sinh viên ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học trường ĐH Y dược TP.HCM) là con gái thứ hai của bà Nga. Trang cho biết, là con gái út trong nhà nên mọi người tập trung đi làm, động viên cô học hành. Cô rất thương mẹ, dù chỉ có một tay nhưng vẫn cố gắng lo con yên tâm ăn học. Đó cũng là một trong những động lực để cô phấn đấu hơn, không bao giờ bỏ cuộc.
Tốt nghiệp cấp 3, theo nguyện vọng của gia đình và bản thân, cô tiếp tục đăng ký xét tuyển đại học. Dù ngành Điều dưỡng không phải là nguyện vọng 1 nhưng cô vẫn theo học, xem đó là cái duyên và luôn cố gắng từng ngày.
Tình thương của người mẹ giúp bà vượt lên tất cả
“Mẹ không bao giờ xem bản thân có khiếm khuyết, nguồn năng lượng của mẹ tỏa ra rất tích cực. Mẹ từng nói “ông trời đóng cánh cửa này lại sẽ mở ra một cánh cửa khác”. Ngày nào mình đi học, mẹ đi bán nhưng về nhà hai mẹ con luôn nói chuyện với nhau. Mẹ đã làm lụng vất vả và chăm sóc, nuôi nấng dạy dỗ mình thành người. Thành công để mình có ngày hôm nay một phần lớn do tình yêu cùng công lao nuôi nấng, sinh thành của mẹ. Vu lan năm nay mình cầu chúc mẹ thật bình an và mạnh khoẻ, người con bộc bạch.
Chị Nguyễn Phương Thảo (33 tuổi), con gái đầu bà Nga cho hay, từ nhỏ tới lớn chị đã quen với hình ảnh mẹ một tay tất bật đi làm, lo lắng cho gia đình. Mỗi ngày thấy mẹ đi bán, chị đều nhắc nhở mẹ giữ gìn sức khỏe. Chị cũng luôn tự hào về tình thương của mẹ dành cho các con.
Cô con gái đầu bán quán ốc cách đó không xa nhưng mỗi khi mẹ bệnh hay quán cháo đông khách, chị đều chạy qua phụ mẹ. Chị bán giúp mẹ đến khoảng 3 giờ chiều rồi lại tất tả về dọn hàng ở quán ốc. Mẹ cũng là người lan tỏa sự lạc quan, trân quý thực khách đến với chị.
“Đến giờ mẹ vẫn miệt mài làm việc vì em gái mình vẫn đang đi học đại học. Em gái từ nhỏ đến lớn tinh thần học rất tốt nên gia đình quyết kiếm tiền để em chạm đến ước mơ. Mẹ là người dẫu khó khăn vẫn không chùn bước, chưa bao giờ tôi thấy mẹ kêu than hay suy nghĩ tiêu cực”, chị tâm sự.
Bà tâm sự, điều may mắn trong cuộc đời là dù chỉ có một tay nhưng bà có mái ấm gia đình hạnh phúc. Hai cô con gái bà xem là tài sản quý giá nhất cuộc đời, dẫu sức khỏe đợt này có giảm sút nhưng các con luôn động viên tiếp thêm tinh thần cho mẹ.
Người thầy đầu tiên của con cái chính là cha mẹ, với tinh thần sống lạc quan, mạnh mẽ nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương của bà Nga, đó sẽ là tấm gương sáng để các con noi theo để trở thành người tốt hơn để không phụ công ơn nuôi nấng của mẹ.
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Thanh niên
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực