Quân đội Philippines nói lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã cắt dây, giành lại mảnh vỡ nghi là của tên lửa Trung Quốc mà hải quân Philippines đang vớt trên Biển Đông.
Phó đô đốc Alberto Carlos nói tàu Trung Quốc đã hai lần chặn tàu hải quân Philippines trước khi thu giữ các mảnh vỡ trôi nổi mà tàu này đang kéo hôm 20/11 từ ngoài khơi đảo Thị Tứ.
Ông Carlos cho biết không có ai bị thương trong vụ việc, Guardian và AP đưa tin ngày 2/11. Ông nói các thủy thủ Philippines, sử dụng camera tầm xa trên đảo Thị Tứ, phát hiện mảnh vỡ trôi dạt gần bãi cát cách đó hơn 500 m. Họ sử dụng sợi dây buộc mảnh vỡ với một chiếc thuyền nhằm kéo vào bờ.
Tuy nhiên, khi các thủy thủ Philippines đang quay trở lại đảo, “họ thấy tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5203 tiến đến vị trí của mình và sau đó chặn đường họ hai lần”, ông Carlos nói trong một tuyên bố.
Sau đó, tàu Trung Quốc triển khai thuyền hơi cùng với các nhân viên vớt vật thể nổi nói trên và cắt dây kéo gắn với thuyền của Philippines. Ông Carlos cho biết các thủy thủ Philippines quyết định quay lại hòn đảo mà không nêu chi tiết những gì đã xảy ra.
Thiếu tá Cherryl Tindog, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy phía Tây quân đội Philippines, cho biết vật thể kim loại trôi nổi này giống một số mảnh vỡ tên lửa khác của Trung Quốc mà Philippines tìm thấy gần đây trên Biển Đông. Bà nói thêm các thủy thủ Philippines đã không chống trả.
“Vì đó là một vật thể không xác định và không phải là vấn đề sống còn, nhóm chúng tôi quyết định quay trở lại”.
Mảnh vỡ kim loại – được cho là từ các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc – đã được tìm thấy ở các vùng trên Biển Đông trong ít nhất ba lần khác.
Các tên lửa được phóng từ trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã mang theo vật liệu xây dựng và vật tư cho trạm vũ trụ của Trung Quốc.
Cơ quan vũ trụ Philippines hồi đầu tháng này đã thúc ép chính phủ phê chuẩn hiệp ước của Liên Hợp Quốc cung cấp cơ sở để bồi thường cho tác hại từ các mảnh vỡ không gian của quốc gia khác.
Chính phủ Philippines đã có nhiều công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc về các hành động ở Biển Đông, nhưng không cho biết ngay họ sẽ có hành động gì sau vụ việc hôm 20/11. Bộ Ngoại giao Philippines thường đợi báo cáo điều tra chính thức trước khi đưa ra phản đối.
Thị Tứ là thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép. Manila hồi năm 2020 phân bổ 1,3 tỷ peso (26 triệu USD) để xây dựng và cải tạo công trình trên đảo, trong đó có dự án “bê tông hóa đường băng”.