(Tân Thế Kỷ) – Khi tròn 12 tuổi, các bé trai thuộc bộ tộc Satere Mawe ở Brazil phải trải qua một “bài thi” quan trọng để được công nhận là người đàn ông trưởng thành. Theo đó, các cậu bé phải để đàn kiến Paraponera Clavata cắn hai bàn tay mà không được rơi nước mắt.
Trẻ em mới lớn nhất định phải trải qua nghi lễ trưởng thành vô cùng đau đớn thì mới được công nhận là người đã trưởng thành, được phép yêu đương và gánh vác những trọng trách. Đây là tinh thần của nghi lễ trưởng thành của bộ tộc Sateré-Mawé.
Bộ tộc Sateré-Mawé nằm ở khu vực rừng Amazon, Brazil với dân số khoảng hơn 10.000 người. Theo tục lệ, một chàng trai sẽ không được xem là đàn ông nếu không trải qua tập tục đeo găng tay cho đàn kiến Paraponera Clavata đốt.
Tập tục kỳ lạ này có tên gọi là Tucandeira. Việc từ chối thực hiện Tucandeira là một sự xấu hổ và nhục nhã với cá nhân đó và gia đình.
Kiến Paraponera Clavata (kiến đạn hoặc kiến 24h) là loài kiến được lấy tên theo cảm giác đau buốt như đạn bắn mà nó mang lại khi bị chúng cắn. Loài kiến này dài khoảng 2,5 cm, sống trên cây và lá. Chúng ăn các côn trùng nhỏ và mật hoa.
Chúng có mặt trong các khu rừng từ Nicaragua đến Paraguay. Bản năng sinh tồn sẽ thôi thúc chúng cắn và bơm nọc độc khi bị quấy rầy. Nọc độc này làm ngưng trệ việc chuyển tải thông tin của các tế bào thần kinh, gây ra tê liệt cùng cơn đau dữ dội.
Theo tập tục trưởng thành của bộ tộc Satere Mawe, khi tròn 12 tuổi, các cậu bé sẽ đi vào rừng cùng những chàng trai khác trong bộ tộc để tìm kiến đạn. Họ sẽ tìm và bắt những con kiến to, khỏe, mập mạp nhất trong hang. Sau đó đem ngâm lũ kiến trong một dung dịch thảo dược đặc biệt cho đến khi bất tỉnh.
Người dân làng Satere Mawe sẽ làm tặng những chàng trai tham gia vào lễ trưởng thành một chiếc găng tay được “dệt” từ lá cây.
Những con kiến đạn trong lúc bất tỉnh được gắn đầy vào trong chiếc găng tay với phần càng đốt quay vào trong. Điều này khiến cho những con vật nhỏ bé không bỏ trốn thoát được ra ngoài. Những con kiến rơi vào trạng thái mất ý thức sẽ dần dần tỉnh lại và trở nên rất hung hăng, sẵn sàng tấn công bất cứ thứ gì gặp phải.
Trước khi lễ trưởng thành Tucandeira bắt đầu, tay của cậu bé chủ nhân của buổi lễ được bôi sơn màu đen, lưng vẽ một con kiến màu đen đơn giản và những đường chạy dọc ngực, cánh tay, mặt như một cách để lấy tinh thần giúp giảm bớt đau.
Sau đó, cậu bé cho hai tay vào chiếc găng đầy kiến để nghi lễ chính thức được bắt đầu. Cậu bé được một vài người lớn giữ tay, hát và nhảy. Những người đàn ông sau đó chuyển sang đánh trống và tiếp tục như thế trong vòng 10 – 20 phút.
Trong thời gian đó, lũ kiến dần tỉnh lại và tìm mọi cách để thoát ra khỏi chiếc găng tay. Lúc này, lũ kiến như bị kích động, chúng sẽ cắn vào bất cứ thứ gì đang cản đường di chuyển của chúng. Cậu bé bị cắn bởi không chỉ một mà là hàng chục con kiến đạn suốt khoảng thời gian trên và phải đưa hai tay lên đầu.
Theo Chỉ số đau Schmidt, kiến đạn có vết cắn đau nhất thế giới. Ông Justin O. Schmidt, một nhà côn trùng học tại Mỹ, từng miêu tả “vết cắn của kiến đạn tựa như thể việc đi trên than hồng với đôi chân bị cắm chiếc đinh dài 5 cm”.
Trong khi đó, những con kiến đạn tấn công vào mọi chỗ của bàn tay nhưng dù có đau đến cỡ nào, các cậu bé vẫn phải giữ bình tĩnh, không được tỏ ra đau đớn và sợ hãi. Chỉ cần rơi nước mắt, cậu bé sẽ phải thực hiện nghi lễ lại từ đầu cho đến khi nào không còn khóc nữa.
Tuy nhiên, nỗi đau khi bị kiến đốt không thể sánh được với khi tháo những chiếc găng tay ra. Lúc này, màn tra tấn thực sự mới bắt đầu. Nọc độc của kiến đạn lan tỏa khắp mạch máu của cậu bé, kéo dài sự đau đớn và kèm theo ảo giác trong suốt 24h. Nỗi đau nhức đến tận xương sẽ khiến đứa bé chết điếng, tay như mất cảm giác.
Sau khi hoàn thành nghi lễ, hầu như các bé trai sẽ bị rơi vào tình trạng ảo giác, hai bàn tay sưng vù và tê liệt. Nỗi đau khủng khiếp này chưa phải đáng sợ nhất, bởi cậu bé còn phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao do lượng lớn độc tố mà cơ thể tiếp nhận.
Thế nhưng, dù đau đớn như vậy nhưng không phải chỉ một lần là xong. Mỗi một chàng trai muốn được công nhận là đàn ông trưởng thành, có quyền kết hôn và tham dự những sự kiện trọng đại của bộ tộc sẽ phải trải qua nghi thức này tới 20 lần, kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Bộ tộc tin rằng nọc độc của kiến đạn có thể làm tăng sức đề kháng đối với bệnh sốt vàng da, sốt rét và các bệnh khác do muỗi gây ra.
Mặc dù, lễ trưởng thành Tucandeira của bộ tộc Satere Mawe này có phần đáng sợ nhưng đối với những cư dân nơi đây, nghi lễ này chứng minh được sức mạnh thể chất, tinh thần một người đàn ông trưởng thành. Từ đó, họ có thể tự lập, tách ra lập gia đình riêng.
Bộ tộc Sateré-Mawé từ bao đời nay vẫn duy trì quan niệm “không đau đớn, không có lợi ích”. Bởi thế họ luôn nỗ lực rèn luyện lòng can đảm, sức chịu đựng bền bỉ để vượt qua mọi điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, nên dường như sau Tucandeira sẽ không khó khăn nào có thể khiến họ gục ngã.
Với những chàng trai Sateré-Mawé thì ngày không còn phải đeo đôi găng đầy “kiến đạn” nữa là mốc quan trọng đánh dấu một thời kỳ tốt lành mới mở ra. Trước hết họ được tôn trọng, ngưỡng mộ, được yêu rồi trở thành người chồng, người cha góp phần duy trì nòi giống. Đây được coi là nét văn hóa truyền thống độc đáo của bộ tộc Sateré-Mawé.
Còn nếu không vượt qua được nghi lễ thì những chàng trai đó sẽ chỉ mãi mãi ở nhà với mẹ và không được tiếp xúc nhiều với bộ tộc. Và đương nhiên, phần lớn họ sẽ không được cô nào để ý.
Nghi Vân (t.h)
Theo KH, DV
VIDEO CHỌN LỌC:
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực