Chủ của hai căn biệt thự bị tháo dỡ đã kiện Chủ tịch TP. Phú Quốc về quyết định cưỡng chế không đúng quy định, gây thiệt hại tài sản.
Vụ kiện hành chính giữa hai nguyên đơn là ông Vũ Đình Khánh, ông Lê Xuân Hồng – chủ hai căn biệt thự. Và bị đơn là Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc vừa được TAND tỉnh Kiên Giang xử sơ thẩm.
HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của hai nguyên đơn, xác định hành vi cưỡng chế của chính quyền Phú Quốc là trái quy định.
Theo đơn kiện, năm 2019 ông Vũ Đình Khánh cùng nhiều anh chị em hùn tiền mua 0,5 ha đất của ông Đào Văn Quy. Hiện trạng khu đất “bưng, trũng” – không bằng phẳng, đang trồng tràm tự nhiên, phải phát quang, san lấp mới sử dụng được.
Khi mua, ông chỉ viết giấy tay với người bán vì đất chưa được cấp sổ đỏ. Năm sau ông xây nhà, không bị chính quyền địa phương nhắc nhở hay lập biên bản.
Đến ngày 25/8/2022, chủ biệt thự bị công chức địa chính xã Dương Tơ lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp. Nửa tháng sau ông bị xử phạt 7,5 triệu đồng, buộc hoàn trả đất cho UBND xã Dương Tơ (quyết định số 4325).
Ngày 31/10/2022, TP. Phú Quốc ra quyết định cưỡng chế (số 5224), buộc ông Khánh phải tự tháo dỡ trong 10 ngày. Tuy nhiên, đến sáng 9/11/2022, căn biệt thự của ông bị lực lượng chức năng đập bỏ.
Ông Khánh khẳng định phần đất xây biệt thự không thuộc xã Dương Tơ quản lý, quyết định cưỡng chế buộc ông phải tháo dỡ trong 10 ngày nhưng chưa đến hạn thì biệt thự bị tháo dỡ, gây thiệt hại tài sản. Ông cho rằng các quyết định 4325 và 5224 của Chủ tịch TP Phú Quốc đã sai nên khởi kiện, yêu cầu tòa huỷ; đồng thời tuyên bố hành vi cưỡng chế là trái quy định, buộc thành phố bồi thường thiệt hại hơn một tỷ đồng.
Tương tự, với trường hợp ông Lê Xuân Hồng xây biệt thự trên phần đất diện tích 0,5 ha cũng bị cưỡng chế tháo dỡ cùng ngày với ông Khánh. Ông Hồng khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4324 và quyết định cưỡng chế số 5226 của Chủ tịch Phú Quốc, đòi bồi thường 1,1 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện bị đơn cho rằng phần đất hai chủ biệt thự bao chiếm thuộc đất nông nghiệp, loại đất trồng cây lâu năm. Đất này do nhà nước quản lý, việc sử dụng của các ông không được cơ quan chức năng cho phép. Hành vi chiếm đất của hai ông gây ra hậu quả nghiêm trọng cần phải khắc phục kịp thời
Theo phía UBND TP. Phú Quốc, các văn bản hành chính liên quan được lập đúng trình tự, việc tổ chức cưỡng chế đúng quy định vì hai chủ biệt thự chỉ nộp phạt nhưng không tự nguyện tháo dỡ, khi hết thời hạn thành phố phải cưỡng chế theo quy định. Do đó, thành phố yêu cầu tòa bác đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường của các chủ biệt thự vì không có cơ sở.
Phía nguyên đơn rút lại yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 2 tỷ đồng để khởi kiện bằng một vụ án khác, giữ nguyên các nội dung kiện còn lại.
Theo TAND tỉnh Kiên Giang, vị trí đất hai nguyên đơn xây cất nằm ngoài phần đất tỉnh giao xã Dương Tơ quản lý (căn cứ văn bản phúc đáp của Văn phòng đăng ký đất đai). Do đó, TP Phú Quốc đã xác định sai chủ thể quản lý, dẫn đến quyết định xử phạt số 4324, 4325 chưa đúng quy định.
Tòa cũng cho rằng, việc Phú Quốc tiến hành cưỡng chế trong 10 ngày kể từ ngày chủ biệt thự nhận quyết định là không đúng, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP (Quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính) thì thời hạn tối thiểu phải là 15 ngày.
Tài sản trên đất thuộc sở hữu hợp pháp của chủ biệt thự, họ được quyền tháo dỡ, di dời trước khi bị cưỡng chế. Tuy nhiên, chính quyền đã tiến hành cưỡng chế sớm hơn một ngày so với thời hạn trong quyết định, khiến nhiều tài sản đáng lý có thể di dời đã bị phá huỷ. Ban cưỡng chế không tiến hành tháo dỡ mà dùng xe cơ giới để phá huỷ là không phù hợp quy định, gây thiệt hại đến tài sản hợp pháp của nguyên đơn.
Từ đó, HĐXX tuyên huỷ các quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế đối với ông Khánh, ông Hồng; tuyên hành vi cưỡng chế của chính quyền Phú Quốc đối với hai nguyên đơn là trái quy định.
Ngày 28/9, không đồng ý với bản án trên, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc đã kháng cáo, đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM bác toàn bộ đơn kiện của ông Hồng và Khánh.
Sáng 18/9, sau một năm dỡ hai căn biệt thự, chính quyền TP Phú Quốc cưỡng chế thêm 14 căn trong tổng số 79 công trình xây trái phép trên đất công.
79 biệt thự xây trái phép xây trên đất công từ 5 năm trước, khi Phú Quốc phát triển nóng, giá đất tăng cao. Khu nhà được quy hoạch khá chỉn chu với đường bêtông rộng 6-8 m, kết nối trục đường lớn; đầy đủ hệ thống điện, nước.
Mỗi căn được xây trên khu đất rộng 200-350 m2, tổng diện tích lấn chiếm gần 19 ha. Trong khu vực này còn 140 nền trống chưa xây dựng. Khi phát hiện, chính quyền địa phương nhiều lần mời chủ đầu tư lên làm việc song họ phớt lờ, đóng cửa biệt thự hàng tháng liền. Đến nay mới có hai căn bị đập bỏ.
Phó chủ tịch UBND Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết quan điểm của tỉnh là xử lý dứt điểm, đúng quy định và không có trường hợp ngoại lệ. Tỉnh khuyến khích chủ các căn biệt thự phản ánh, tố cáo những cá nhân, tổ chức đã lừa gạt mua phải đất công và xây dựng sai phạm.
Sau khi hoàn thành tháo dỡ công trình, cơ quan chức năng sẽ đo đạc, xác định vị trí, diện tích, lập biên bản kiểm kê và bàn giao thửa đất cho UBND xã Dương Tơ quản lý. Đối với các trang thiết bị, tài sản đã kiểm kê, nếu chủ biệt thự từ chối nhận, chính quyền địa phương sẽ quản lý, bảo vệ và xử lý theo quy định.
Theo Ngọc Tài/VNE.
Hàng chục người đi xe đạp vào cao tốc, quây kín ô tô, đe dọa tài xế
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*