spot_img
17 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Trung Quốc: Làn sóng biểu tình phản đối phong tỏa lan đến Thượng Hải và Bắc Kinh

Khởi phát từ vụ hỏa hoạn gây chết người tại Urumqi hôm 24/11, hôm nay (27/11), làn sóng biểu tình phản đối các chính sách phong tỏa đại dịch Covid-19 đã lan sang Thượng Hải và Bắc Kinh. Những người biểu tình tập trung tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Bắc Kinh để kêu gọi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ chính sách phong tỏa.

Trung Quốc: Làn sóng biểu tình phản đối phong tỏa lan đến Thượng Hải và Bắc Kinh
Đám đông giận dữ đã xuống đường ở Thượng Hải, Trung Quốc vào rạng sáng ngày 27/11 để phản đối chính sách Zero Covid hà khắc của chính quyền Bắc Kinh. (Ảnh: AFPTV/AFP/Getty Images)

Làn sóng biểu tình, nổ ra ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), nơi xảy ra vụ hỏa hoạn hôm 24/11, cùng nhiều nơi khác ở Bắc Kinh, đã đạt đến mức độ chưa từng thấy tại Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ.

Tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, người dân tập trung vào tối thứ Bảy (26/11) tại đường Wulumuqi – được đặt theo tên của Urumqi – để thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, sự kiện này đã biến thành một cuộc biểu tình vào sáng hôm nay (27/11).

Khi một nhóm lớn cảnh sát xuất hiện, đám đông giơ cao những tờ giấy trắng –  biểu tượng phản đối chính sách kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc. Sau đó, đám đông hét lớn: “Dỡ bỏ phong tỏa Urumqi, dỡ bỏ phong tỏa Tân Cương, dỡ bỏ phong tỏa Trung Quốc!”, theo một video lan truyền trên mạng xã hội.

Sau đó, một nhóm lớn bắt đầu hét lên: “Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Đả đảo Tập Cận Bình”, theo các nhân chứng và video được tờ Reuters trích dẫn. Đây được coi là một cuộc biểu tình công khai hiếm hoi chống lại giới lãnh đạo Trung Quốc.

Cảnh sát lúc này đang nỗ lực để giải tán đám đông.

ntdvn 1 176
 Cảnh sát chặn đường Wulumuqi, được đặt theo tên Urumqi trong tiếng Quan Thoại, tại Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Tại khuôn viên của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, một đám đông lớn đã tụ tập, theo những hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội. Một số người cũng cầm trên tay tờ giấy trắng.

Vụ hỏa hoạn hôm thứ Năm (24/11) đã khiến 10 người thiệt mạng trong một tòa nhà cao tầng ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương. Tối hôm 25/11, ​​​​đám đông dân chúng đổ ra đường và hô vang “Hãy chấm dứt phong tỏa!” và giơ nắm đấm lên trời, theo video trên mạng xã hội.

Nhiều người dùng internet phỏng đoán rằng, cư dân của tòa nhà tại Urumqi không thể kịp thời thoát thân vì tòa nhà đã bị phong tỏa một phần, tuy nhiên các quan chức địa phương phủ nhận cáo buộc này. Ở Urumqi, thành phố 4 triệu dân, một số cư dân đã bị phong tỏa trong 100 ngày.

Chính sách phòng chống dịch hà khắc

Trung Quốc đang mắc kẹt với chính sách Zero Covid trong khi phần còn lại của thế giới chọn cách sống chung với Covid-19. Theo đó, các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc vẫn đạt mức cao kỷ lục trong nhiều ngày, với gần 40.000 ca nhiễm mới vào hôm 26/11.

Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chính sách Zero Covid vì cho rằng, đó là chiếc “phao cứu sinh” để bảo vệ dân chúng, và là hàng rào cần thiết để ngăn chặn đại dịch bùng phát, trong bối cảnh hệ thống y tế nước này hiện đã quá tải.

Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách này, bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của công chúng, cũng như những tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Biểu tình phản đối công khai trên diện rộng là điều cực kỳ hiếm thấy ở Trung Quốc, nơi hầu như không còn chỗ đứng cho những người bất đồng chính kiến ​​dưới thời ông Tập. Chính điều đó đã buộc người dân phải “trút bầu tâm sự” lên các nền tảng mạng xã hội, nơi họ chơi trò “mèo vờn chuột” với các cơ quan kiểm duyệt.

Sự phẫn nộ của công chúng diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ.

Ông Dan Mattingly, một học giả chính trị tại Đại học Yale, cho biết: “Điều này sẽ gây áp lực nghiêm trọng buộc ĐCSTQ phải đáp trả. Rất có thể phản ứng của họ sẽ là phát động một cuộc đàn áp, bắt giữ và truy tố những người biểu tình”.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn hiện nay khác xa so với sự kiện nổ ra vào năm 1989, khi các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm trong cuộc đàn áp đẫm máu ở Quảng trường Thiên An Môn, ông nói.

Các quan chức Tân Cương cho biết, dịch vụ giao thông công cộng sẽ dần hoạt động trở lại từ thứ Hai (28/11) tại Urumqi.

Cư dân Trung Quốc: Chúng tôi không muốn mã y tế

Nhiều thành phố khác cũng chứng kiến ​​​​sự phẫn nộ ​​​​của công chúng. Hôm 26/11, cư dân Lan Châu ở phía tây bắc đất nước đã đập phá các địa điểm xét nghiệm Covid-19, theo các bài đăng trên mạng xã hội. Những người biểu tình cho biết, họ vẫn bị phong tỏa mặc dù không có ai có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Các buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân Urumqi đã diễn ra tại các trường đại học ở thành phố Nam Kinh và Bắc Kinh.

Có thể là hình ảnh về 12 người, mọi người đang đứng và đường
Đại học Báo chí Nam Kinh, hai giáo viên đứng giữa sinh viên và cảnh sát . Nỗ lực bảo vệ sinh viên biểu tình khỏi bị cảnh sát bắt đi. Sau sự kiện 44 người chết cháy ở Tân Cương đã châm ngòi các cuộc nổi dậy trên toàn quốc , lần đầu tiên sau thảm sát Thiên An Môn người dân Trung Quốc dám cùng nhau đứng lên một lần nữa (Ảnh. Thiên Thanh)

Các video từ Thượng Hải cho thấy, đám đông đối mặt với cảnh sát và hô vang các khẩu hiệu như: “Hãy phục vụ nhân dân”, “Chúng tôi cần tự do” và “Không cần mã y tế”.

Chính quyền Thượng Hải không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận vào hôm 27/11.

Thành phố 25 triệu dân này đã bị phong tỏa trong hai tháng đầu năm nay, điều này đã gây ra phản ứng tức giận và kéo theo các cuộc biểu tình của dân chúng. Kể từ đó, giới chức Trung Quốc đã tìm cách thắt chặt các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19.

Một video được chia sẻ với tờ Reuters cho thấy cư dân Bắc Kinh tuần hành ở một khu vực của thủ đô vào thứ Bảy, hét lên “Hãy kết thúc phong tỏa!”.

Chính quyền Bắc Kinh không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Huyền Anh (NTDVN)

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều