spot_img
19 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Việt Nam còn bao nhiêu gạo để xuất khẩu?

(Tân Thế Kỷ) – Khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, Việt Nam trở thành thị trường quan trọng thay thế. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt 82% kế hoạch cả năm.

Xuất khẩu gạo đang trờ thành điểm sáng.
Xuất khẩu gạo đang trờ thành điểm sáng (Ảnh Vneconomy)

Các nước trên thế giới tăng cường mua gạo của Việt Nam

Vào nửa đầu tháng 9, cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã mời thầu 500.000 tấn gạo nhập khẩu, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và 200.000 tấn từ Pakistan. Đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 25/12.

Do liên tục tăng mua, Indonesia hiện đã vượt Trung Quốc, lên vị trí thứ hai về nước mua nhiều gạo Việt. 9 tháng đầu năm, nước này nhập 871.000 tấn gạo của Việt Nam, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Philippines – quốc gia nhập nhiều gạo Việt nhất – cũng đã tăng mua trở lại sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước. Hôm 4/10, nước này dỡ bỏ mức giá trần với gạo xay xát thông thường và xay xát kỹ. Ông Marcos – Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines – khẳng định đây là thời điểm thích hợp để dỡ bỏ áp trần giá gạo vì chính phủ có đủ nguồn cung.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,4 triệu tấn, tương đương giá trị gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc – nước nhập khẩu gạo top 3 của Việt Nam – cũng đang tăng mua gạo nếp, gạo ST 24, 25 trong tháng 10. Trong 9 tháng, sản lượng gạo xuất qua nước này trên 850.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài các thị trường chính trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Gana, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile cũng tăng 46% đến vài chục lần so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 9, xuất khẩu gạo sang các thị trường này tăng liên tục và chưa có dấu hiệu giảm.

thi phan nhap khau gao
Biểu đồ thị phần các nước nhập khẩu gạo Việt Nam (Ảnh VnExpress)

Ngày 9/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 600-613 USD một tấn, gạo thơm 640-650 USD. Mức này đang cao hơn gạo Thái 30 USD mỗi tấn và hơn gạo Pakistan 65 USD.

Tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, giá trị đạt 3,54 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về giá trị.

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sau khi tăng diện tích lúa Thu Đông, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Như vậy, trong 3 tháng còn lại của năm 2023, Việt Nam chỉ còn khoảng 1,38 triệu tấn gạo các loại để xuất khẩu.

Như vậy, so với nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước dịp cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đứng trước thu gom lúa gạo để thực hiện đơn hàng.

Giá lúa gạo sẽ còn tăng, không dưới 650 USD/tấn

TTO đưa tin, theo một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay An Giang đã xuất khẩu trên 440.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 249 triệu USD, tăng 11,56% về sản lượng và tăng 14,55% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường chiếm tỉ trọng cao nhất là Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ghana, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha…

Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cũng cho biết trong chín tháng đầu năm, địa phương này đã xuất khẩu trên 648,56 triệu USD, trong đó mặt hàng gạo đạt hơn 222 triệu USD, tăng 59,48%. Theo các chuyên gia nông nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng do nhiều nguyên nhân như thiên tai, thời tiết cực đoan, xung đột vũ trang tại một số khu vực…, giá gạo được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Theo ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), do đang vào cuối vụ nên Việt Nam còn rất ít gạo. Bây giờ có hàng là bán ngay, không có thôi chứ không ai dám ký trước đâu vì giá biến động liên tục. Nếu có gạo chào hàng, giá gạo Việt Nam không dưới 650 USD/tấn. Tôi nghĩ vụ đông xuân tới thì Việt Nam sẽ bán được nhiều gạo, trúng giá nữa”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không cần chuẩn bị gì mà quan trọng là khi nào có gạo sẽ bán, nếu không có nguồn sẵn sẽ không dám ký hợp đồng vì nguồn gạo không còn nhiều do vào cuối vụ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám ký hợp đồng trước mà chỉ đang cố gắng hoàn thành đơn hàng trong năm 2023. Đến nay lượng gạo Việt Nam đã xuất khẩu gần 3,7 tỉ USD rồi.

“Như vậy từ nay đến cuối năm 2023, nếu xuất khẩu gạo thêm nữa chắc chắn kim ngạch xuất khẩu gạo đạt trên 4 tỉ USD, hơn cả năm 2022 rồi. Vì hiện nay các nước như Indonesia, Philippines mời thầu liên tục nên ai có hàng cứ bán. Chúng tôi đang mua lúa với giá 7.600 đồng/kg đối với OM18, nông dân trúng mùa trúng giá”, ông Bình nói thêm.

Nghi Vân (t.h)

Theo TTO, VNE, TTVN

BN 2 jpeg 2

Xem thêm:

Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện năm 2023

Giá phân bón tăng mạnh sau lệnh dừng xuất của Trung Quốc

Sầu riêng tăng giá đến 100.000 đồng/kg, nông dân Đắk Lắk vừa mừng vừa lo

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều