Bé trai 7 tuổi ở (ở xã Đề Thám, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) bắt được một con rắn cạp nia đã bỏ vào cặp. Khi đến lớp, bé bị rắn cắn vào ngón út tay trái.
Giáo viên dạy bé trai kể lại, bé tự bắt được con rắn cạp nia bỏ vào cặp, mang tới lớp và bị rắn cắn vào ngón út tay trái.
Sau sự việc, nạn nhân được đưa tới Trung tâm Y tế huyện, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, điều trị giờ thứ 3 sau cắn.
Bệnh nhân vào viện trong tỉnh trạng tỉnh, sụp mi mắt, yếu tay chân, có dấu hiệu yếu liệt cơ hô hấp, thở khó khăn, liệt hầu họng. Các bác sĩ và điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã nhanh chóng đánh giá, cấp cứu, đặt ống Nội khí quản và cho bệnh nhi thở máy.
Hiện bệnh nhi vẫn trong tình trạng thở máy, liệt toàn thân, đồng tử giãn, rối loạn điện giải. Bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhi, do vậy các bác sĩ thống nhất chuyển bệnh nhi lên tuyến trên điều trị tiếp.
Xử lý ra sao khi bị rắn cạp nia cắn
Rắn cạp nia là một loài rắn độc ở Việt Nam, có thể khiến người bị cắn tử vong nếu không được nhanh chóng xử trí kịp thời. Tuy nhiên nếu biết cách sơ cứu đúng sẽ hoàn toàn có thể cứu được người gặp nạn.
Nọc độc của rắn cạp nia có độc tính mạnh hơn nhiều so với rắn hổ mang. Tại thời điểm bị rắn cạp nia cắn, người bệnh thường không có biểu hiện bất thường. Tại vết cắn không hoại tử, không phù nề, ít khi nhìn thấy 2 chấm tròn dấu vết móc độc để lại do móc độc rất nhỏ. Vết cắn ít sưng đau trong thời gian đầu mới bị cắn khiến người gặp nạn chủ quan.
Tuy nhiên, trong vòng 2 – 3 giờ sau khi bị cắn, người gặp nạn xuất hiện những triệu chứng bất thường như:
- Tại vết cắn xuất hiện tấy đỏ lan xung quanh vết cắn.
- Sụp mi giống như người buồn ngủ, muốn ngất.
- Đồng tử giãn không còn phản xạ với ánh sáng.
- Xuất hiện triệu chứng liệt chi, chân tay không nhấc lên được.
- Đau rát cổ họng khó nuốt làm ứ đọng đờm.
- Khó thở, khó nói chuyện, giao tiếp, lâu dần có thể dẫn đến suy hô hấp cấp.
Có thể nhận thấy rõ ràng những triệu chứng này tại người bị nạn. Tỷ lệ người bệnh tử vong có thể lên đến 75% nếu không được xử trí kịp thời. Do vậy, cần nhanh chóng sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn, không nên đợi khi có những triệu chứng trên mới bắt đầu thực hiện sơ cứu.
Sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn đúng cách
Bước 1: Xác định tình trạng vết rắn cắn
Xác định vị trí cắn, kích thước, hình dạng đầu, màu sắc của vết rắn cắn. Nếu có thể, hãy mang hình ảnh rắn hoặc rắn đã chết hay mô tả rõ rắn có phân khúc sáng tối liên tiếp để bác sĩ dễ dàng nhận dạng và điều trị theo đúng phác đồ.
Bước 2: Ổn định tinh thần người bị rắn cắn
Động viên, bình ổn tinh thần, tuyệt đối hạn chế di chuyển và hoạt động tại vị trí bị rắn cắn làm giảm sự phân tán nọc độc trong cơ thể. Sự hoảng loạn của nạn nhân có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim.
Sau đó, tiến hành nới lỏng quần áo, trang sức nạn nhân ở vùng bị cắn do có thể xuất hiện sưng.
Bước 3: Xử lí vết rắn cạp nia cắn
Làm giảm bớt nọc độc bằng cách rửa vết cắn bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó, dùng gạc mát để phủ lên vết cắn để giảm đau và sưng.
Tiến hành băng ép bất động làm chậm sự xuất hiện biểu hiện liệt. Nếu vết cắn ở chân, dùng khăn hoặc vải băng kín cả chân, đồng thời, nẹp bằng một tấm gỗ để cố định, không cử động.
Bước 4: Đưa người bị rắn cạp nia cắn đến cơ sở y tế
Nhanh chóng vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý: Khi vận chuyển cần để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim nhằm hạn chế nọc độc di chuyển tới tuần hoàn trung tâm.
Lưu ý: Trong quá trình sơ cứu, cần thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân như nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt… Nếu người bị nạn có dấu hiệu khó thở, thở nông thì tiến hành hô hấp nhân tạo. Trường hợp có thể gặp ngừng hô hấp thì tiến hành ép tim và thổi ngạt càng nhanh chóng càng tốt.
Một số lưu ý khi sơ cứu người bị rắn cạp nia cắn
Cần lưu ý một số điều sau:
- Không dùng miệng hay dụng cụ để hút nọc độc: Việc làm này không mang lại hiệu quả đối với nọc rắn cạp nia do chúng có độ dính và khó hút được.
- Không trích, rạch, đâm, chọc làm tổn thương thêm vết cắn.
- Không sử dụng rượu hay đồ uống có caffeine làm lan rộng chất độc.
- Không garo chặt vì có thể làm máu không lưu thông tại vị trí cột dễ làm hoại tử, đồng thời khi tháo garo sẽ khiến máu chứa chất độc vận chuyển về tim gây sốc và có thể khiến nạn nhân tử vong.
- Không băng quá chặt tạo áp suất và gây bầm tím vết cắn.
- Sử dụng các loại lá chữa bằng mẹo có thể gây nhiễm trùng tại vị trí đắp và chậm quá trình giải độc.
- Không sử dụng các món ăn từ rắn với mục đích lấy độc trị độc khi bị cắn: Chả rắn, rắn xào lăn, ướp nướng…
- Không sử dụng đá chườm, bôi thuốc mỡ, hoá chất: Cách này đã được chứng minh có thể gây hại, làm nhiễm trùng tới vùng bị rắn cắn.
Nghi Vân (t.h)
VIDEO CHỌN LỌC:
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực