spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Từ bỏ VTV6 mở Bệnh viện đồ da cho “anh em đường phố” làm lại cuộc đời

Tân Thế Kỷ – Câu chuyện về cuộc đời và hành trình gây dựng, phát triển sự nghiệp của Bệnh Viện Đồ Da là một nguồn cảm hứng trong cuộc sống dành cho rất nhiều người.

Nhắc đến dịch vụ chăm sóc đồ hiệu, đồ da hàng đầu Hà Nội, ta không thể không nhắc đến Bệnh Viện Đồ Da của anh Nguyễn Văn Phúc với 4 cơ sở, mang trong mình uy tín nhiều năm. Đặc biệt hơn, đằng sau đó là câu chuyện cảm động của anh Phúc – chủ bệnh viện đồ da và nhiều thành viên khác.

Chúng tôi đến 1 trong những cơ sở chăm sóc đồ da của anh Phúc tại Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), đó là một xưởng chuyên phục chế những đôi giày da hiệu, những bộ sofa bằng da đắt đỏ,….

Bước vào trong xưởng, mùi đồ da đặc trưng phảng phất khiến chúng tôi ngỡ ngàng, ít ai biết được nơi đây được coi là “đại bản doanh” của những anh em đường phố trong hành trình viết lại cuộc đời.

Từ chàng trai rong ruổi đánh giày

Khu xưởng rộng khoảng 100m2 với rất nhiều đồ từ những bộ sofa đang cần phục hồi, những đôi giày, túi xách hàng hiệu, trang thiết bị máy móc,… nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Anh em trong xưởng ai nấy cũng lộ rõ vẻ lạc quan,niềm vui, niềm phấn khởi với công việc. Trong xưởng lúc nào cũng tràn ngập tiếng đùa vui, cười nói rôm rả, dù không khí làm việc ở nơi đây luôn tấp nập, bộn bề.

Gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1990) – chủ Bệnh viện đồ da, anh cho biết sinh ra và lớn lên ở Cao Dương- Thanh Oai- Hà Nội. Anh gây dựng và phát triển công việc này đã được ngót nghét cả chục năm, đằng sau đó là câu chuyện vô cùng xúc động.

Chia sẻ về cơ duyên với nghề cũng như hành trình mưu sinh của mình, anh Phúc cho hay: ” Tôi từ năm 11 tuổi đã đi đánh giày ở đường phố, cuộc sống cũng đã trải qua nhiều biến cố. Nhà tôi có 5 chị em, tôi là út.

Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, anh Phúc là con trai duy nhất trong nhà. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn khi bố là thương binh, 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng của mẹ.

Năm 2001, bố anh Phúc mất do bệnh nặng, kể từ đó áp lực kinh tế đè nặng lên vai mẹ. Do quá khổ, các chị phải nghỉ học, khi đó trong anh Phúc luôn mang suy nghĩ phải kiếm tiền. Rồi anh quyết định đi đánh giày.

Untitled 10 3
Ảnh: cafef.vn

Nhớ lại những ngày lang thang trên các con phố của Hà Nội, bất kể thời tiết trái gió trở trời, anh Phúc cho hay: “Hồi đó, tôi còn học THPT, đi học ngày 1 buổi, nếu học sáng thì chiều đi đánh giày. Còn nếu học chiều thì sáng tôi dậy sớm từ 3 giờ sáng, để bắt xe rong ruổi các con phố để mưu sinh.

Thực hiện được ước mơ bước chân vào cánh cổng đại học

Kể về con đường đưa anh đến với nghề báo: “Đơn giản chỉ vì năm học cấp 3 tình cờ xem được bộ phim Phóng viên thử việc rồi từ đó luôn ấp ủ đam mê trở thành phóng viên. Thế nhưng, đến khi đi đại học gia đình tôi lại muốn chọn Học viện hành chính. Biết năng lực không thể đậu vào Học viện báo chí & tuyên truyền nên tôi khăn gói lên Hà Nội vừa ôn thi vừa đi làm. Sáng thức dậy từ 5h30 rồi đi làm tới gần trưa, ăn vội bữa cơm tôi liền vác sách tới lò luyện thi. Tối về cơm nước vệ sinh cá nhân xong lại ngồi vào bàn học tới 3-4h sáng, cuối cùng sau hai năm sau ôn thi miệt mài cũng đã bước chân vào giảng đường Học viện báo chí & tuyên truyền.

Đến khi đi học lại vô tình gặp được rất nhiều may mắn, cô giáo ở lớp luyện thi từng ra một cuốn sách và trong đó có vài trang viết về tôi – cậu bé đánh giày. Tình cờ một nhà báo đọc được, sau đó tôi cũng nhận được nhiều lời mời phỏng vấn rồi cộng tác với các báo.

Sau khi ra trường tôi được nhận vào làm tại VTV6 và có cơ hội làm việc cùng nhiều nhà báo kỳ cựu trong làng nghề”, Phúc cho rằng mình gặp nhiều may mắn trên con đường mình đã chọn. Cả tuần làm việc bên đài, cuối tuần lại trở về với công việc đánh giày.

Trăn trở khi chọn con đường nghề nghiệp

Với nhiều người việc đánh giày đó là công việc nhưng với Phúc đó còn là niềm vui bởi kể cả sau này khi đi học, đi làm rồi, nếu có thời gian rảnh anh vẫn đi đánh giày vì nhớ nghề. Thời điểm đó số tiền kiếm được nghề báo không phải quá ít, nhưng nhiều đêm còn nằm ngủ mơ thấy đang mời khách đánh giày, cái “nghiệp” nó cứ âm ỉ trong anh mãi.

Ước mơ là được làm báo nhưng đam mê lại là đánh giày. Sau một thời gian dài suy nghĩ, tôi quyết định chọn “nghiệp” trước rồi khi kinh tế ổn định lại quay về thỏa mãn tình yêu nghề báo.

“Chọn quay lại đánh giày, đơn thuần chỉ là lựa chọn công việc mà bản thân làm tốt nhất và cũng vì đam mê của bản thân. Đó cũng như một lời tri ân ‘nghiệp đánh giày’ này vì trở thành cầu nối để tôi đạt được nhiều thứ, đạt được ước mơ, thực hiện được nhiều mong muốn mà nếu như không có nó thì chắc chắn tôi không thể đạt được. Tiếp đến, đó như một bước đệm, một nền móng kinh tế để tiếp tục công việc làm báo của mình, bởi có thực mới vực được đạo”, anh bộc bạch.

Nâng tầm “đánh giày vỉa hè”

Từ năm 2015, qua những lần đánh giày cho khách hàng, anh được va vấp với lượng đồ hiệu khá nhiều. Khách hàng thường hỏi anh rằng vật liệu đang dùng có an toàn cho đôi giày của họ hay không? Những câu hỏi đó khiến chàng trai đánh giày vô cùng tò mò.

Untitled 7 2
Sau một thời gian tìm được vật liệu và quy trình phù hợp, anh quyết định đi theo hướng bảo dưỡng đồ da với phân cấp cao hơn một chút so với trước.

“Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu và nghiên cứu một số quy trình và sản phẩm bảo dưỡng đồ da. Sau một thời gian tìm được vật liệu và quy trình phù hợp, tôi quyết định đi theo hướng bảo dưỡng đồ da với phân cấp cao hơn một chút so với trước. Ý định này được ấp ủ từ năm 2015, nhưng tới năm 2018 khi nghỉ làm báo tôi mới có cơ hội bắt tay vào làm.

Đến 2018, khi tôi quan sát thấy thị trường đồ hiệu da đang phát triển khá mạnh mẽ, tôi quyết định mở dịch vụ chăm sóc đồ da ở Hà Nội. Tôi và một người bạn nữa cùng chung ý tưởng, làm với nhau. Được một thời gian, anh ấy tách ra làm riêng.

Khi đó tôi khá buồn và có định từ bỏ, nhưng với niềm yêu thích công việc đã thôi thúc tôi vực dậy lần nữa để làm lại từ đầu. Rất may mắn khi ấy tôi gặp Chiến, hai anh em đồng hành từ những ngày đầu khó khăn.

Hai anh em bắt đầu với số vốn ít ỏi nhưng rồi cũng cố gắng dần thì mọi thứ ổn hơn, chúng tôi đi tìm thêm những anh em có hoàn cảnh khó khăn như mình để cùng kết hợp làm việc. Cứ như vậy cho đến bây giờ, hầu hết tất cả các bạn ở đây đều có những hoàn cảnh đặc biệt cả.”

Được biết, hầu hết anh em trong xưởng đều có những câu chuyện đặc biệt. Người thì phải tha hương cầu thực kiếm sống từ rất sớm, người thì là nạn nhân của buôn người,… Từ những kinh nghiệm làm chung với anh em, anh Phúc đúc kết lại :” Nếu cuộc sống là một bức tranh chung, bên cạnh những mảng màu tươi sáng thì những câu chuyện của anh em tôi là những màu màu tối không thể thiếu để tạo nên bức tranh ấy.”

Chúng tôi tò mò muốn về lý do anh lại chọn những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, chưa có chuyên môn về nghề để cùng phát triển, anh trả lời rằng điều đó xuất phát từ sự thấu hiểu của chính bản thân anh. Anh cũng từng là một cậu bé 11 tuổi đi đánh giày ngần ấy năm, anh hiểu và cảm thông được những cái nguy hiểm, khó khăn mà những bạn trẻ làm công việc đánh giày trải qua.

Anh Phúc đưa ra quan điểm vô cùng sâu sắc:” Mọi người thường nhìn công việc đánh giày từ theo góc nhìn từ trên cao xuống, là phải lem luốc, phải lăn lê trên đường phố, không đáng được tôn trọng. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi cho rằng họ là những người mà khó khăn, không được hưởng lợi ích về an sinh xã hội. Họ lại phải đối diện với quá nhiều hiểm nguy. Họ còn có thu nhập rất bấp bênh, ngày mưa thì không làm được, ngày nắng thì ít ai người ta đeo giày để mình làm. Do đó thu nhập của họ ngày có ngày không. Các bạn ấy đều rất hoàn cảnh, rất ít có cơ hội được học tập trong một môi trường tốt. Có lẽ cũng vì có hoàn cảnh đặc biệt như vậy, khi được vào làm ở đây các bạn ấy rất tự giác, rất có ý thức. Và hơn thế nữa là sự cần cù chịu khó, khát khao vươn lên của các bạn không bao giờ thiếu. Chính vì thế mà đây là nhóm đối tượng tôi hướng đến đầu tiên.”

Anh Phúc chia sẻ thêm về quá trình thuyết phục những bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ấy về làm cho mình. Anh bộc bạch rằng mình dùng sự thấu hiểu, sự đồng cảm để chia sẻ với các bạn. Sau đó anh thuyết phục và làm cho cho các bạn hiểu và có những góc nhìn khác hơn để từ đó có thể cải thiện cuộc sống. Cũng thật may các bạn trẻ ấy đều là những con người mang trong mình khát khao vươn lên mạnh mẽ, có tính cầu thị cao.

Trong quá trình làm việc, có lẽ những bất đồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng với những anh em trong xưởng chăm sóc đồ da của anh Phúc thì chuyện mâu thuẫn xảy ra chưa bao giờ có. Bởi tại đây, họ đều là những người hoàn cảnh, xuất phát điểm giống nhau, thấu hiểu, đồng cảm với nhau, sống với nhau như người 1 nhà.

“Những bạn trẻ này đều có thay đổi tích cực sau khi về làm ở đây. Trước hết là thay đổi về con người, về tầm nhìn, về suy nghĩ. Sau là thay đổi cách giao tiếp, các bạn ấy đã cởi mở và tự tin hơn thay vì luôn ngại ngùng tránh né giao tiếp như trước đây. Tôi sửa cho các bạn ấy theo cách của riêng mình. Thỉnh thoảng tôi yêu cầu các bạn để hết vật tư lên bàn rồi thuyết trình trước anh em, dần dần các bạn quen hơn và có thể tự tin, cởi mở hơn khi giao tiếp.” Ông chủ bệnh viện đồ da cho hay.

Không giống như những người làm nghề khác, họ luôn giữ cho mình những cách làm riêng, nhưng anh Phúc thì không, anh chọn mở lòng chia sẻ. Bởi vì với anh, ” điều gì trên đời này rồi cùng sẽ mai một, chỉ có sự cho đi là còn mãi”.

Từ chính những trải nghiệm của mình, anh Phúc mở cửa xưởng chào đón để những “người anh em đường phố” thay vì phải lang thang đánh giày, lao động cưỡng bức có thể học được một nghề, có việc làm có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Những ngày đầu gây dựng cửa hàng  chỉ có hai bàn tay trắng và sức trẻ, hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe máy, cái rét căm của mùa đông Hà Nội không làm nguội lạnh ngọn lửa đam mê trong tôi”, anh Phúc nhớ lại.

Untitled 6
Nhắc đến dịch vụ chăm sóc đồ hiệu, đồ da hàng đầu Hà Nội, ta không thể không nhắc đến Bệnh Viện Đồ Da của anh Nguyễn Văn Phúc với 4 cơ sở, mang trong mình uy tín nhiều năm.

Sau một thời gian ngắn, Bệnh viện đồ da đã có 4 cơ sở, cũng có nhiều người ngỏ ý muốn hợp tác để phát triển thương hiệu, nhưng anh Phúc muốn dừng lại để kiện toàn lại tất cả bộ máy nhân lực.

Cuộc hội ngộ của những người ” anh em đường phố”

Dạo quanh một vòng xưởng, tại đây những người anh em của anh Phúc đang tỉ mỉ trong từng công đoạn phục chế những sản phẩm bằng da cao cấp. Chúng tôi tiếp xúc và trò chuyện với anh Nguyễn Viết Chiến (quê Thường Xuân, Thanh Hóa), một người em anh rất quý mến đồng hành với Bệnh viện đồ da từ những ngày đầu gây thành lập.

Được biết, trước đây anh cũng làm công việc đánh giày ở đường phố từ sớm. Gia đình anh cũng rất hoàn cảnh, bố anh suy thận nặng không đủ tiền chạy chữa, chị gái anh lúc ấy đang học đại học.

“Nếu lúc đó tôi không nghỉ học thì chị gái đang học đại học sẽ phải bỏ ngang”, anh Chiến nhớ lại.

Để bắt đầu hành trình lên Hà Nội lăn lê khắp các hè đường, góc chợ, anh Chiến bán chiếc xe đạp để đi học hàng ngày được 300.000 đồng lấy tiền mua vé xe khách. Đặt chân tới Thủ đô, trong túi Chiến chỉ còn hơn 100.000 đồng. Bộ đồ nghề đánh giày đầu tiên, anh được các anh chị cùng quê mua giúp.

Ngày ngày, anh Chiến lang thang quanh khu Mỹ Đình để tìm khách. Số tiền kiếm được từ công việc đánh giày dù ít ỏi chỉ đủ để hai chị em trang trải cuộc sống qua ngày. May mắn sau này, anh Chiến tìm hiểu và gặp được anh Phúc, từ đó cùng nhau kết hợp làm công việc này.

Anh Chiến chia sẻ: “Trước đây mình rất ít nói. Sau một thời gian làm việc cùng anh Phúc, được tiếp xúc và học hỏi từ nhiều người. Từ đó mình trở nên bạo dạn và hoàn thiện mình hơn”.

Theo anh, công việc này đòi hòi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một. Nếu vội thì không làm được việc. Do đó, đây cũng là cách để con người ta rèn luyện sự kiên nhẫn.

Anh cũng chia sẻ rằng công việc này rất phù hợp với anh, khiến anh cảm thấy yêu và muốn gắn bó lâu dài, đồng thời đây là cơ hội phát triển cho anh và nhiều người khác.

Cũng giống anh Chiến, anh Đình Tuyên (28 tuổi, quê Thanh Hóa) đã làm tại đây được 10 năm và từng có quãng thời gian dài mưu sinh trên đường phố. Gia đình khó khăn, anh rời quê lên Hà Nội từ năm 16 tuổi với vỏn vẹn chỉ vài chục nghìn trong túi. Công việc đầu tiên của anh khi đặt chân lên Thủ đô là làm phụ hồ.

“Từ xách vữa, bê gạch,… tôi đều cố gắng nhận làm, chỉ mong sớm kiếm được tiền. Lúc ấy, tôi mới biết kiếm được đồng tiền khó khăn như thế nào”, anh Tuyên nhớ lại.

Sau khi gặp anh Phúc, được mời về cùng phát triển, cùng làm việc, anh Tuyên nói: “Cuộc đời tôi như sang một trang mới, giờ em tôi cũng đang làm việc tại đây, kinh tế thu nhập ổn định, chúng tôi có thể tự trang trải cuộc sống, cũng như lo được một phần cho gia đình ở quê.”

Untitled 9 1
Xưởng đồ da của anh Phúc tại con ngõ ngỏ tại Hoàng Mai, Hà Nội – nơi giúp nhiều phận người éo le tìm lại chính mình. – Ảnh: cafef.vn

Hàng ngày, tôi cùng làm việc, cùng ăn uống với mọi người trong xưởng. Ở đây, ai làm việc thế nào sẽ được hưởng đúng công sức tương ứng, không phân biệt chủ – tớ”, anh Tuyên chia sẻ.

Hầu hết các nhân sự đang làm việc tại xưởng đều có hoàn cảnh đặc biệt, bởi vậy nơi đây không phân biệt “Chủ – tớ”, mà thân thương gọi nhau là những người anh em

Hiện nay, Bệnh viện đồ da của anh Phúc nhận chăm sóc đồ da, chủ yếu phục chế những bộ sofa. Trung bình mỗi tháng, xưởng nhận sửa khoảng 20-30 bộ với mức giá hàng trăm triệu đồng.

Tịnh Yên (t/h)

Banner 1 3

Chia sẻ yêu thương: Nhà trọ 300 giường miễn phí giúp bệnh nhân ở Sài Gòn

Cổ nhân nói: “phụ nữ dịu dàng không nuôi chó, đàn ông mạnh mẽ chẳng nuôi mèo”

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều