Một nỗ lực thầm lặng đang được tiến hành để tối đa hóa lợi nhuận bằng cách biến đổi gen của các động vật cung cấp thực phẩm.
Những người ủng hộ thực phẩm an toàn và có ý thức về sức khỏe đều nhận thức rõ về thực phẩm biến đổi gen (GMO), chẳng hạn như một loại ngô do Monsanto tạo ra để chịu được mức độ phơi nhiễm nặng hơn với thuốc diệt cỏ nồng độ cao Roundup.
Tuy nhiên, điều ít được công khai hơn chính là thực phẩm từ động vật biến đổi gen GMO. Đánh giá từ nghiên cứu đang diễn ra cho thấy, các công ty sản xuất những sinh vật này hy vọng chúng sẽ ngày càng tìm được đường vào bữa ăn của người Mỹ trong những năm tới.
Cá hồi AquAdvantage đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2015 và còn các động vật biến đổi gen khác đang được phát triển.
Cá hồi AquAdvantage được tạo ra bằng cách lấy gen di truyền từ cá hồi Chinook và cá chình Ocean Pout rồi tiêm vào trứng của một con cá hồi Đại Tây Dương. Điều đó khiến việc tăng trưởng của giống cá này nhanh gấp đôi so với cá hồi bình thường. Nó cũng là loài động vật biến đổi gen đầu tiên được FDA chấp thuận.
Theo trang web Counter của ngành công nghiệp thực phẩm, cá hồi AquAdvantage được bán ở Canada. Tuy nhiên, hơn 85 chuỗi cửa hàng tạp hóa, công ty dịch vụ thực phẩm, nhà hàng và công ty hải sản đã cam kết tẩy chay nó vì cả lý do an toàn thực phẩm và môi trường.
Ngoài những lo ngại về chính sản phẩm, sự an toàn của quần thể cá hồi hoang dã đang bị đe dọa bởi động vật biến đổi gen này nếu chúng trốn thoát. (Hãy liên tưởng đến bộ phim Công viên kỷ Jura.)
Trong khi cả FDA và người tạo ra cá hồi AquAdvantage (AAS), AquaBounty, đều khẳng định cá hồi biến đổi gen là an toàn để ăn, thì tài liệu tóm tắt của FDA trong các phiên điều trần năm 2010 đã tiết lộ những cảnh báo về tỷ lệ mắc bệnh “xói mòn hàm” và “viêm khu trú” (nhiễm trùng) cao hơn được thấy ở cá hồi AAS; thậm chí là không thể xác định nếu tồn tại rủi ro dị ứng lớn hơn do việc cơ thể đào thải quá mức với cá hồi AAS “bất thường”; và khả năng “tăng mức độ IGF-1” – yếu tố tăng trưởng giống như insulin tuýp 1.
Thêm vào đó, các nhà khoa học thực phẩm của FDA và các chuyên gia bên ngoài được mời tham gia phiên điều trần đã ghi nhận những nghi vấn không thể giải thích, dữ liệu bị bỏ sót và nhìn chung là không đạt tiêu chuẩn trong báo cáo được đưa ra bởi những người quảng bá cá hồi AAS.
FDA tiếp tục phê duyệt các sản phẩm GMO
Năm 2020, FDA đã phê duyệt động vật biến đổi gen thứ hai là một “sự thay đổi bộ gen có chủ đích” (IGA) ở lợn. Lợn “GalSafe” tạo ra ở phòng thí nghiệm được thiết kế để loại bỏ một chất trên bề mặt tế bào gọi là “đường alpha-gal”. Chất này có thể khiến những người mắc hội chứng alpha-gal (AGS) bị dị ứng. Hội chứng AGS khiến người ta dị ứng với thịt đỏ hoặc thịt do ve cắn từ bò, lợn và cừu. Do đó, động vật GMO được họ tạo ra bằng cách loại bỏ gen alpha-1, 3-galactosyltransferase mà có chứa đường alpha-galactose bề mặt tế bào”, theo Medpage Today.
Thực tế thì động vật biến đổi gen đã được sử dụng trong phòng thí nghiệm từ rất lâu trước đây. Vào những năm 1980, chuột biến đổi gen được tạo ra bằng cách chèn gen người hay như một con cừu mang gen người được lai tạo năm 1997. Bên cạnh đó, động vật GMO cũng được sử dụng trong các ứng dụng y tế và phi thực phẩm. Năm 2009, FDA đã phê duyệt một loại thuốc chống đông máu làm từ dê có gắn gen kháng thrombin (ức chế huyết khối) của người và liên kết với DNA của dê.
Các kỹ thuật di truyền vật nuôi
Năm 2006, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Biotechnology mô tả rằng “thế hệ lợn nhân bản dựa trên mô hình gene Caenorhabditis elegans và mã hóa axit béo n-3 (fat-1),” để tạo ra thịt lợn có nhiều axit béo “tốt” omega-3 hơn, đồng thời giảm axit béo “xấu” omega-6 thường có trong thịt.
Năm 2010, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một giống lợn GMO bằng cách thêm gen phytase kết hợp từ chuột với khuẩn E. coli vào DNA của nó. Giống lợn này đã được chấp thuận ở Canada. Nó được đặt tên là “Enviropig” (lợn môi trường) bởi được cho là tạo ra ít phốt pho trong nước tiểu và phân, nghĩa là ít gây hại cho môi trường hơn. Tuy nhiên, những con lợn này đã bị tiêu huỷ vào năm 2012 khi hết kinh phí.
Ngoài việc tạo ra những loài động vật thân thiện với môi trường hoặc có thành phần dinh dưỡng tốt hơn cho con người thì vào năm 2007, các nhà khoa học Vương quốc Anh tại Viện Roslin, gần Edinburgh, đã thông báo rằng họ vừa tạo ra những con gà GMO đẻ trứng chứa chất chống ung thư, theo BBC.
“Một số loài gia cầm đã được lai tạo để đẻ trứng có chứa miR24, một loại kháng thể có khả năng điều trị khối u hắc tố ác tính – một loại ung thư da. Một số khác thì sản xuất ra interferon b-1a (chất trung gian điều hòa giữa các tế bào trong cơ thể), có thể được sử dụng để ngăn chặn vi-rút nhân lên trong tế bào”, BBC đưa tin.
“Mỗi lần tạo ra những con gà biến đổi gen đều rất dễ dàng; một khi bạn đã có gen, thì bạn có thể lai tạo hàng trăm con gà con từ một con gà trống với hàng trăm con gà mái. Và nếu mỗi con gà mái cho một quả trứng thì bạn sẽ có hàng trăm quả trứng và ngay lập tức là hàng trăm con gà con” tiến sĩ Helen Sang, nhà khoa học chính của dự án phát biểu.
Động vật GMO ở nước ngoài
Năm 2011, các nhà khoa học tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa gen người vào bò sữa để sản xuất sữa có thành phần gần giống với thành phần sữa mẹ. Họ hy vọng sữa từ những con bò biến đổi gen sẽ được bán trong các siêu thị và được coi như một loại sữa thay thế cho sữa công thức và sữa mẹ dành cho trẻ sơ sinh. Ngay sau đó, các nhà khoa học ở Argentina cũng đã tạo ra một con bò với mục đích tương tự và các nhà khoa học ở New Zealand thì đã thêm gen của chuột vào để bò tạo ra sữa không gây dị ứng.
Khi bò GMO có gen người được công bố, Helen Wallace – giám đốc điều hành của nhóm giám sát công nghệ sinh học GeneWatch UK đã nói với Telegraph rằng: “Chúng tôi rất quan ngại về nghiên cứu biến đổi gen bò với gen người này.
“Có những vấn đề lớn về chính sách phúc lợi dành cho động vật biến đổi gen khi số lượng thai chết lưu cao.” Wallace cũng đặt câu hỏi liệu sữa “có thể gây hại cho một số người” hay không khi chưa có thử nghiệm lâm sàng lớn nào được tiến hành.
Những người khác cũng đưa ra các câu hỏi về đạo đức của việc thêm các đặc điểm của con người vào động vật.
Nhiều động vật GMO có khả năng xuất hiện trước FDA
Cho đến nay, cá hồi AquAdvantage, lợn “GalSafe” và dê GMO đã được FDA chấp thuận. Thậm chí, công nghệ biến đổi gen động vật làm thức ăn có vẻ sẽ phát triển hơn khi các nhà sản xuất tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách biến đổi động vật cho phù hợp với số đông và nhu cầu người tiêu dùng cũng như khả năng tiếp thị.
Giuseppe Ambrosi, chủ tịch Hiệp hội Sữa Châu Âu, nói với Dairy Global: “Chỉnh sửa bộ gen là một công cụ hữu ích làm sáng màu lông nhằm giúp bò sữa thích nghi tốt hơn với các điều kiện khí hậu thay đổi nhanh chóng. Đây là những phát hiện của các nhà nghiên cứu từ Trung tâm AgResearch, New Zealand. Bò sữa Holstein Friesian năng suất cao có bộ lông màu đen và trắng đặc trưng, thường có tỷ lệ màu đen lớn. So với màu lông sáng, màu đen hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời hơn.”
Đầu năm nay, National Hog Farmer đã viết rằng kỹ thuật di truyền “có khả năng thay đổi cách chúng ta cải thiện vật nuôi bằng di truyền học… giúp tăng năng suất nông nghiệp (nhiều lương thực cho nhiều người hơn trong cộng đồng của chúng ta và những nơi khác). Dù bài báo muốn gợi ý rằng kỹ thuật di truyền là để cắt giảm việc sử dụng kháng sinh, thì nhiều tổ chức vẫn đang sử dụng vắc-xin cho mục đích đó.
Ngoài ra, một loại bò sữa GMO đã được lai tạo để trưởng thành mà không có sừng bằng cách lấy DNA từ bộ gen của bò Angus đỏ, gene này giúp ngăn chặn sự phát triển của sừng, sau đó đưa nó vào tế bào của bò đực Holstein. Cũng giống như lợn GMO kháng với hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) đã được biến đổi gen, các nhà nghiên cứu đang cố gắng biến đổi gen những con bò miễn dịch với bệnh “bò điên” giai đoạn cuối sau khi dịch bệnh này bùng phát trên toàn thế giới vào đầu những năm 2000.
Mặc dù ngăn chặn dịch bệnh là một mục tiêu chính đáng của kỹ thuật biến đổi gen, nhưng nhiều bệnh ở động vật là do các nguyên nhân bên ngoài. Ví dụ như dịch cúm gia cầm bị gây ra hoặc trở nên tồi tệ hơn do tình trạng đông đúc và mất vệ sinh.
Kết luận
Sự phát triển của thực phẩm GMO trên động vật sẽ ngày càng tăng vì nó mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các nhà sản xuất khi họ điều chỉnh sản phẩm theo mục đích, nhu cầu sử dụng thay vì quan tâm hơn tới quyền lợi của động vật và sự an toàn của con người.
Tuy nhiên, giống như cây trồng GMO, nhiều tổ chức môi trường và tập đoàn thực phẩm không tin tưởng vào các sản phẩm này (đôi khi được gọi là “Frankenfoods”) và đặt ra những câu hỏi sát đáng về sự an toàn, mục đích của chúng và ai đang thúc đẩy chương trình nghị sự tích cực về GMO.
Hơn nữa, nếu cây trồng biến đổi gen bị phản đối vì can thiệp vào tự nhiên để phục vụ lợi ích của con người, thì việc can thiệp vào sinh trưởng của các loài động vật còn có ảnh hưởng lớn hơn nhiều.
Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ cho biết việc tạo ra những động vật mới để con người sử dụng “là một cách coi động vật như máy móc trên quan niệm rằng chúng chỉ là công cụ cho con người sử dụng chứ không phải là sinh vật có tri giác”.
Nguồn The Epoch Times tiếng Anh
Bản dịch NTDVN