TTK – Chùa Cầu – một di tích tầm cỡ thế giới, trong quần thể di sản của đô thị cổ Hội An, được tháo rã từng chi tiết để trùng tu. Điều đặc biệt là ngay cả khi di tích đã được tháo dỡ hoàn toàn, Chùa Cầu vẫn bán được vé cho khách du lịch và thu phí thăm quan.
Khi đến Hội An để thị sát gần một năm Chùa Cầu được tháo dỡ, các nhà khoa học và chuyên gia trùng tu đã bày tỏ sự ngạc nhiên. Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thốt lên:”Tôi nghĩ Hội An nên mời người quan tâm tu bổ Chùa Cầu ở cả nước về trực tiếp xem, quảng bá cách làm độc đáo”.
Gần một năm, khi dự án trùng tu bắt đầu thì hình ảnh Chùa Cầu được bao bọc bốn hướng bằng một mái nhà tôn đã gây tò mò cho du khách.
Rồi đến khi Chùa Cầu bị tháo dỡ hoàn toàn, không ít người đã bất ngờ khi được các hướng dẫn viên dẫn lên lối đi mới dược dựng nên, song song với cây cầu cũ để ngắm việc trùng tu Chùa Cầu.
Lần đầu tiên một di tích tầm cỡ thế giới, trong quần thể di sản của đô thị cổ Hội An, được tháo rã từng chi tiết, từng bộ phận để trải qua đợt đại phẫu căn bản nhất kể từ năm 1986.
Cách làm không giống ai
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã bày tỏ sự ngạc nhiên và cho rằng không có nơi nào làm như Hội An.
Bình thường Chùa Cầu là di tích đóng góp nguồn thu từ bán vé rất lớn. Tuy nhiên điều rất đặc biệt là ngay cả khi di tích đã được tháo dỡ hoàn toàn, quá trình trùng tu sửa chữa này vẫn được coi là hoạt động du lịch.
Hằng ngày khách vẫn tản bộ qua cầu nhìn ngắm quá trình kỳ thú này. Và vé vẫn được bán ra.
Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, cái hay nằm ở chỗ chùa Cầu bây giờ ngổn ngang như công trường mà vẫn bán được vé để du khách trải nghiệm.
Ông Hoàng Đạo Kính lấy câu chuyện trùng tu di tích ở Huế và nói rằng cách làm của Hội An nên được quảng bá rộng rãi, Hội An nên gửi thư mời các nơi về để chiêm ngưỡng, học hỏi.
Kiến trúc sư này nói thêm “Trùng tu di tích khốn khổ nhất là ý kiến trái chiều. Đơn vị nào cũng góp ý. Hội An không ngại, bằng chứng là cho hạ giải di tích theo kiểu “phẫu thuật mở” để bất kỳ ai cũng đi qua và nhìn ngắm được. Đây là cái rất đáng ghi nhận. Tôi đề nghị khi xong phải làm một hồ sơ thật đẹp, tròn trĩnh để lưu lại”.
Trùng tu chùa Cầu nhận được sự đồng thuận cao
Lần Trùng tu chùa Cầu này Hội An nhận được sự đồng thuận cao. Quá trình làm luôn có sự đóng góp, tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia Nhật Bản, các nhà khoa học trong nước và đặc biệt là cư dân chủ thể di sản Hội An.
Song song hạng mục trùng tu đang được triển khai, một hành lang bộ xuyên qua Chùa Cầu được dựng nên để khách tham quan thưởng lãm. Các khu vực thờ cúng được giữ lại để mọi người ghé thắp nhang.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, quan điểm chung khi tu bổ là không đưa Chùa Cầu trở về một niên đại cụ thể.
Bởi nếu đưa màu vôi về một thời kỳ nào đó thì các thành phần kiến trúc khác sẽ không đảm bảo cơ sở dữ liệu, không đảm bảo cơ sở khoa học. Cho tới nay cũng chưa có một hình ảnh nào thể hiện rõ “phiên bản gốc” của di tích tầm cỡ này.
Ngoài việc góp ý về kết cấu, hình dáng… các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới diện mạo bên ngoài của Chùa Cầu sau khi trùng tu xong.
Quá trình thi công, các đơn vị cho biết nhiều cấu kiện công trình đã mục nát gây khó khăn cho việc giữ tối đa tính nguyên vẹn.
Các đơn vị phải làm thủ công hoàn toàn. Từng viên ngói, mạch hồ, chốt gỗ… được gỡ bằng tay cẩn thận rồi định vị bằng khung gỗ, đánh dấu số thứ tự để không xáo trộn và nứt vỡ.
Hiện tại công trình đã làm xong một số phần việc chính như số hóa 3D không gian di tích, xây dựng nhà che bao quanh, hạ giải xong hệ mái ngói âm dương và hệ khung gỗ, gia cố trụ móng…Dự kiến ban đầu là đến tháng 12/2023 việc Trùng tu sẽ hoàn thành.
Hoàng An tổng hợp.
Sơn La: Nữ nhân viên nhà bếp bỏ thuốc sâu vào thức ăn của học sinh khai gì?
Khởi tố ông Đinh Trường Chinh vì liên quan vụ thâu tóm “đất vàng” ở TPHCM
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*