Người bình thường sau khi mất vài ngày thì thân thể bắt đầu mục rữa, nhưng một số vị cao tăng trong Phật giáo sau khi viên tịch hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm thi thể vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều vị tu sĩ Cơ Đốc giáo ở phương Tây cũng tương tự.
Tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ này? Phải chăng trong ấy ẩn chứa điều gì đó huyền diệu về thân thể người chúng ta? Có lẽ, muốn hiểu được hiện tượng siêu thường, thì cũng cần phải có nhận thức siêu thường, chỉ đơn thuần dựa vào logic của khoa học thực chứng thôi là không đủ.
Những “nhục thân bất hoại” của người tu luyện
“Nhục thân bất hoại” là hiện tượng người ta sau khi chết thân thể vẫn không bị hư nát thối rữa, thậm chí có thể bảo trì nguyên vẹn thi hài trong một thời gian rất lâu dài. Theo nhận thức thông thường của giới khoa học, thì sau khi qua đời, cơ thể người sẽ trở thành một “bữa tiệc” cho các loài vi sinh vật, và sẽ nhanh chóng phân hủy nếu không kịp thời có các phương pháp xử lý, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm.
Nhưng tại Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới, kể cả Việt Nam đã xuất hiện những trường hợp nhục thân bất hoại, một số trải qua hơn một nghìn năm, không những không bị thối rữa mà khớp xương còn có thể cử động, thậm chí một số còn mọc tóc và móng tay.
Vào năm thứ hai của Đường Huyền Tông nhà Đường (713), vị Lục tổ Huệ Năng của phái Thiền tông viên tịch. Nhục thân của ông đã trải qua hơn 1.200 năm vẫn được bảo quản tốt. Người ta thường cho rằng nhiệt độ càng nóng và môi trường càng ẩm ướt thì thi thể càng nhanh thối rữa. Đặc biệt, ở nơi nóng nực như Quảng Đông vào mùa hè, mà thi thể của Huệ Năng lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi khí hậu.
Một trường hợp khác, lão hòa thượng Hải Hiền ở chùa Lai Phật thuộc Hà Nam, Trung Quốc, thọ hơn 112 tuổi, đã niệm Phật và tu hành được 92 năm. Sau khi hòa thượng viên tịch 6 năm 100 ngày, thân thể không thối rữa mà còn tỏa mùi hương, kể cả đầu tóc, mạch máu và lỗ chân lông đều có thể trông thấy rõ ràng, các Phật tử đều tán dương là: “Bất khả tư nghị!”
Ở Thái Lan, nhà sư Luang Phor Pian Wat Kerentin viên tịch vào ngày 16/11/2017 ở tuổi 92. Khoảng 2 tháng sau, các đệ tử và người dân địa phương đều nhận ra thân thể của ông không hề bị hủy hoại, gương mặt bình thản vẫn thoáng nụ cười hệt như lúc mới từ giã cõi trần, chỉ có lớp da là khô đi, trạng thái giống như người chỉ vừa mới mất. Khi còn sống, nhà sư rất được người dân kính trọng, mọi người đều cho rằng ông đã nhập Niết Bàn.
Ở Nga, vào năm 1927, Lạt Ma Khambo thứ 12 của Phật giáo Tạng truyền viên tịch, tính đến nay đã hơn 90 năm, nhưng thân thể vẫn như lúc còn sống. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng đích thân đến chiêm ngưỡng nhục thân bất hoại của vị cao tăng này.
Tại Việt Nam chúng ta, cũng có ghi nhận khá nhiều hiện tượng nhục thân bất hoại của các vị cao tăng. Điển hình là thiền sư Như Trí ở Bắc Ninh, khi còn sống từng làm trụ trì chùa Tiêu, qua đời năm 1723 dưới thời vua Lê Dục Tông, đến nay đã gần 300 năm mà vẫn giữ nguyên vẹn thi hài. Ngoài ra còn có hai vị thiền sư nổi tiếng khác trong lịch sử là Vũ Khắc Minh (tự Đạo Chân) và Vũ Khắc Trường (tự Đạo Tâm) tại chùa Đậu, cũng đạt được thân thể không bị hủy hoại sau khi viên tịch.
“Nhục thân bất hoại” không chỉ là hiện tượng riêng của phương Đông hay Phật giáo, mà các tín đồ, tu sĩ trong Thiên Chúa giáo của phương Tây cũng từng xuất hiện các trường hợp này.
Vào năm 2001, thi hài của Đức giáo hoàng John XXIII được đào lên, vì các tín đồ và vị giáo hoàng đương nhiệm cho rằng cần tìm cho Ngài một nơi an nghỉ tốt hơn, đủ chỗ cho đông đảo người mộ Đạo đến viếng. Điều đáng kinh ngạc là, mặc dù đã qua đời 37 năm, thi hài của Ngài vẫn còn trong tình trạng rất tốt, khiến các nhà nghiên cứu không sao lý giải được.
Một trường hợp khác là Bernadette Soubirous, một vị nữ tu đáng kính trong Thiên Chúa giáo. Năm 1909, sau 30 năm qua đời, thi hài bà được đào lên để mang chôn cất ở nơi khác, và những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc khi thấy thi thể của bà vẫn nguyên vẹn, thậm chí khuôn mặt còn tươi đẹp có phần hơn cả người sống, chỉ tựa như bà đang ngủ một giấc dài vậy.
Tương tự, còn có Thánh Jean Baptiste Marie Vianney (1786 – 1859) cũng sở hữu nhục thân bất hoại. Khi còn sống, vị Thánh này nổi tiếng với sự tận tụy và niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa của mình.
Trên đây là một số có thể liệt kê trong rất nhiều trường hợp các tu sĩ, tín đồ thành kính trong tôn giáo đã đạt được nhục thân bất hoại, trải qua năm tháng vẫn trường tồn với thời gian, bất chấp điều kiện bất lợi của môi trường và thời tiết.
Cơ thể người là một ẩn đố lớn
Những bí ẩn của thân thể con người vượt ra ngoài những lý giải thông thường. Tại sao hiện tượng nhục thân bất hoại lại thường xuất hiện trên thân những người tu hành? Ví dụ, các tăng nhân và đạo sĩ của hai trường phái Phật và Đạo, hoặc các tu sĩ, nữ tu của Tây phương, thông qua các phương pháp tu hành khác nhau, họ đã đạt đến trạng thái nhục thân bất hoại.
Điều này chẳng phải đã nói rõ rằng đằng sau việc tu hành còn tồn tại những điều bí ẩn nằm ngoài phạm trù khoa học, vượt xa năng lực của con người? Những ví dụ này chẳng phải cũng cho thấy thông qua việc tu luyện thân thể, nâng cao đạo đức tinh thần, có thể cải thiện tốt các chức năng của cơ thể vật chất? Bí ẩn về cơ thể người phi thường, là một lĩnh vực khoa học chưa biết đến được, đang chờ đợi con người khám phá và giải đáp những bí ẩn của nó.
Người hiện đại cho rằng người xưa không phát triển và lạc hậu, nhưng thật ra con đường mà cổ nhân đi là một khoa học hoàn toàn khác so với “khoa học thực chứng” mà hiện nay chúng ta có thể biết đến. Khoa học hiện đại chỉ sau khi nhận thức được một sự vật rồi mới bắt đầu nghiên cứu, đối với những gì không thể kiểm chứng bằng máy móc và các phương pháp hiện có thì nhất loạt bài trừ hoặc không thừa nhận.
Những nhục thân bất hoại đa phần phần họ là các cao tăng đắc đạo, người tu hành sau khi rời khỏi thế gian để lại một số kỳ tích, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người. Đặc điểm chung giữa họ là đều có đức tin vào Thần Phật và Chúa Trời, sống trong cuộc đời đều rất lương thiện, từ bi. Khi khám nghiệm, thi thể của họ đều còn đầy đủ nội tạng và hoàn toàn chân thực. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể giải thích được hiện tượng này, nhưng nó lại là điều hoàn toàn dễ hiểu trong giới tu luyện.
Giới tu luyện giảng rằng thuận theo tự nhiên, khi người tu luyện thanh lọc tư tưởng, đề cao đạo đức và trở về với bản tính lương thiện nguyên thủy của mình, thân thể vật chất của họ cũng sẽ cải biến theo, cơ thể dần chuyển hóa sang vật chất cao năng lượng nên không bị ước chế bởi quy luật vật lý thông thường.
Ngoài thân thể không bị phân hủy ra, trong Phật giáo Tây Tạng còn có hiện tượng đặc biệt là “cầu vồng hóa thân thể”. Cơ thể của các vị Phật sống sau khi viên tịch trong nháy mắt có thể hóa thành ánh sáng cầu vồng thăng thiên. Những hiện tượng này đã thu hút sự tìm kiếm của con người đối với bản chất của sự sống, khiến nhiều người từ tận đáy lòng sẽ hướng về Phật Pháp. Thật ra những ví dụ như thế trên thế giới còn rất nhiều, đây đều là những hiện tượng mà khoa học ngày nay chưa lý giải được.
Kỳ thực, khi bạn suy nghĩ tích cực thiện lương và sống vui vẻ, thì từng vi lạp tế bào của bạn cũng sẽ chậm tiêu vong và bạn sẽ trông trẻ hơn. Hiệu quả này không quá lạ thường, bạn có thể thấy ngay ở những người nhân hậu, vô tư yêu đời, hoặc những người hay thiền định sẽ trông khỏe mạnh và tươi tắn hơn những người cùng tuổi.
Thế giới này vô cùng rộng lớn và huyền diệu, thân thể người cũng ẩn chứa nhiều điều huyền bí mà khoa học mãi chưa lý giải được. Hiểu biết của chúng ta dù phát triển đến đâu cũng chỉ như hạt cát nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la vô tận. Chẳng thế mà rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Isaac Newton, Albert Einstein, Alfred Nobel… càng nghiên cứu về khoa học tự nhiên lại càng tin vào Thần học, tin vào tín ngưỡng và đi tìm câu trả lời về vũ trụ ở trong ấy…
Nghi Vân (t.h)
Nguồn Tinh Hoa, NTDVN, Epoch Times
Xem thêm:
Đi tìm nguồn gốc con người: Thiên địa huyền cơ bên trong hình vẽ Phục Hy và Nữ Oa
Phật Milarepa: Từng là kẻ sát nhân, tu hành khổ hạnh và đắc đạo
Đi tìm lời giải cho vấn đề cuối cùng của nhân loại: Sự trường sinh
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*