spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

‘Thử thách bất tỉnh’ trên TikTok khiến ít nhất 20 trẻ thiệt mạng khi tự bóp cổ mình

‘Thử thách bất tỉnh’ trên TikTok khiến ít nhất 20 trẻ em thiệt mạng - Ảnh 1.
Nylah Anderson (10 tuổi) thiệt mạng ở ngoại ô thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) khi thực hiện thử thách bất tỉnh – Ảnh: BLOOMBERG

“Thử thách bất tỉnh” (blackout challenge) phổ biến trên nền tảng mạng xã hội TikTok, khuyến khích người chơi tự bóp cổ mình bằng các vật dụng trong nhà cho đến khi bất tỉnh và quay lại cảnh khi họ tỉnh lại.

Theo Hãng tin Bloomberg, ít nhất 15 trong số những đứa trẻ đã chết khi quay thử thách này ở độ tuổi dưới 12. Khoảng 5 trong số các nạn nhân ở độ tuổi 13 hoặc 14.

“Thử thách bất tỉnh” là phiên bản hiện đại của thử thách ngạt thở đã có nhiều năm nay và khác ở một điểm là thử thách này tự do hướng tới trẻ em thông qua nền tảng mạng xã hội.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thử thách ngạt thở đã giết chết 82 trẻ vị thành niên khi xuất hiện lần đầu vào năm 2008.

TikTok và công ty mẹ ByteDance đang bị các bậc cha mẹ khởi kiện tập thể vì cho rằng con cái họ chết do thử thách nói trên.

Tháng 2-2021, một bé gái 9 tuổi ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ), đã chết ngạt sau khi quấn đồ dùng trong nhà quanh cổ trong lúc cố gắng thực hiện thử thách bất tỉnh.

Antonella Sicomero, bé gái 10 tuổi ở Palermo (Ý), được phát hiện chết trong tư thế treo cổ. Cha mẹ bé cho biết con gái mình đã thiệt mạng khi tham gia thử thách “cực đoan” trên TikTok.

Sau cái chết của Sicomero, văn phòng công tố Palermo đã mở cuộc điều tra. Cơ quan chức năng Ý không tìm thấy bằng chứng cho thấy thuật toán của ứng dụng video ngắn đề xuất video có thử thách bất tỉnh cho Sicomero.

Cơ quan chức năng sau đó yêu cầu TikTok kiểm tra lại độ tuổi của tất cả người dùng Ý và chặn mọi quyền truy cập của người dùng dưới 13 tuổi.

Sau đợt rà soát này, hơn nửa triệu tài khoản TikTok ở Ý đã bị xóa vì người dùng tự tuyên bố bản thân trên 13 tuổi. Trong trường hợp của bé gái Sicomero ở Palermo, cơ quan chức năng sau khi xem các video mà cô bé đã xem, khẳng định cô bé cũng tự nhận mình trên 13 tuổi khi tạo tài khoản TikTok.

Dù vậy, những vụ việc thương tâm chưa dừng lại.

Tháng 12-2021, Nylah Anderson (10 tuổi) đã thiệt mạng ở ngoại ô thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Mẹ của Anderson đã tìm thấy các đoạn video trên điện thoại di động, quay cảnh cô bé và người anh họ đang thực hiện thử thách ngạt thở.

Một sĩ quan cảnh sát đã viết trong bản báo cáo về vụ việc rằng người anh họ của cô bé Anderson nói đó là thử thách siết cổ mà hai đứa trẻ thấy trên TikTok và YouTube.

Mẹ của bé Anderson sau đó đã kiện TikTok, cho rằng “chắc chắn công ty biết thử thách bất tỉnh chết người đang lan rộng trên ứng dụng và thuật toán của họ đề xuất video này cho trẻ em, bao gồm những đứa trẻ đã chết”.

Tuy nhiên, các vụ kiện TikTok và ByteDance ở Mỹ đã đi vào ngõ cụt vì tòa án cho rằng công ty có quyền miễn trừ theo điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act). Đạo luật này đảm bảo các công ty công nghệ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung được xuất bản trên nền tảng của họ.

Một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo (ASA) của Vương quốc Anh cho thấy hơn 1,6 triệu tài khoản mạng xã hội do trẻ em sở hữu đều khai sai độ tuổi.

Gần 93% thanh niên trong độ tuổi 11-17 cho biết họ có tài khoản Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok, Twitch, Twitter hoặc YouTube. 24% trong số đó khai báo sai tuổi khi đăng ký tài khoản.

Tác hại của điện thoại và internet đối với con trẻ

Ngày nay, trong cuộc sống bộn bề, cha mẹ dường như không còn thời gian trông nom, quản lý và bảo vệ con trẻ. Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm rằng, kiếm thật nhiều tiền và cho con cái tất cả những vật chất chúng muốn, theo học trường tốt nhất,… đã là yêu thương con vô điều kiện. Nhưng có một hiểm họa to lớn ăn mòn tinh thần và thể chất của đứa trẻ hàng ngày mà nhiều bố mẹ không nhận thức được, thậm chí còn khuyến khích trẻ tiếp xúc chúng mỗi ngày, đó là chiếc điện thoại di động.

Đầu tiên cần nói đến tác hại không lường từ màn hình và sóng điện thoại đối với con trẻ. Nhiều nghiên cứu về tác động của màn hình đối với não trẻ em đã được thực hiện. Gõ hai từ khóa screen time (thời gian dành cho màn hình) và children (trẻ em) trên PubMed (cơ sở dữ liệu về sinh học và y học trên các tạp chí khoa học), ta thấy có khoảng 1.589 kết quả.

Tháng 12-2018, các nhà nghiên cứu Mỹ chứng tỏ trẻ em dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và trò chơi điện tử hơn 7 giờ một ngày có biểu hiện “vỏ não mỏng đi sớm”. Tạp chí JAMA Pediatrics (Mỹ) ngày 4-11-2019 cũng cho rằng màn hình làm thay đổi cấu trúc não của trẻ em.

Một kết quả khác của công trình nghiên cứu ở Anh về mối liên quan giữa điện thoại di động và sức khỏe cho thấy nếu chúng ta cho trẻ sử dụng điện thoại di động quá sớm có thể làm tăng nguy cơ mắc một dạng u não lên gấp 5 lần.

Các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã tìm hiểu các thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 20 và chia họ thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gọi chưa đến 5 cuộc và gửi chưa đến 5 tin nhắn mỗi ngày. Những người tham gia phải trả lời một số câu hỏi về lối sống và giấc ngủ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ nào sử dụng điện thoại di động thường xuyên thì luôn ở trong tình trạng bất ổn, không yên. Chúng cũng có lối sống phóng túng hơn, hay bị mất ngủ hoặc ngủ không sâu và dễ bị stress, mệt mỏi.

Nhà nghiên cứu Gaby Bardre thuộc Viện Hàn Lâm Sahigren, tác giả công trình nghiên cứu cho biết: ” Việc sử dụng điện thoại di động ở trẻ em đang ngày càng phổ biến. Chúng đã tự tạo nên sức ép phải luôn kết nối và liên lạc trong cả ngày”.

dien-thoai-1-0917
Thói quen cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử  còn là nguyên nhân có thể khiến trẻ mất đi 70% thị lực

Theo các chuyên gia tâm lý  và y học, cần phải gia tăng nhận thức của trẻ em về những hậu quả tiêu cực do sử dụng điện thoại di động gây ra, chẳng hạn như làm mất ngủ, gây suy giảm trí nhớ và mất khả năng tập trung và cả thị lực.

Trẻ con sinh ra vốn như tờ giấy trắng. Thuận theo ngày tháng lớn lên và hòa vào “thùng thuốc nhuộm” của xã hội, thể chất và tâm hồn chúng sẽ bị các dẫn dụ đủ mọi loại hình trong cuộc sống. Việc tiếp cận với các nội dung số từ Internet đối với trẻ có mối nguy hại khôn lường. Nếu không có sự quản lý sát sao từ bố mẹ, trẻ sẽ dễ tiếp cận với các trò chơi bạo lực, phim ảnh khiêu dâm, tiếp xúc với kẻ xấu,…

Câu chuyện một bé gái 5 tuổi ở TP. HCM năm 2020 đã vĩnh viễn ra đi vì học theo những video hướng dẫn thắt cổ trên mạng; hoặc rất nhiều trẻ tự tử, tự hành hạ bản thân khi tham gia trò chơi “thử thách Momo”…. có lẽ là bài học đau lòng cho các bậc làm cha mẹ. Nhưng dù bài học đã thấy, rất nhiều các bậc phụ huynh vẫn “giao” đứa con bé bỏng của mình cho “ác thần điện thoại” mà không nhận thức được những hiểm họa tiềm ẩn sẽ ăn sâu vào tâm hồn non nớt của bé, tác động đến hành vi, suy nghĩ và nhân cách của trẻ.

Giúp con tránh tiếp xúc với điện thoại và internet chính là tình yêu thương thật sự bố mẹ dành cho chúng.

T.H

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều