Quan sát lịch năm 2024 có thể nhận thấy thứ tự các ngày trong năm hoàn toàn khớp nhau giữa hai năm là 1996 và 2024. Theo chuyên gia, đây là vấn đề số học và quy ước trong Dương lịch.
Lịch năm 2024 trùng với năm 1996 đến khó tin
Ngày 4/1, nhiều tài khoản, hội nhóm mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh đối chiếu giữa dương lịch năm 2024 và năm 1996. Theo đó, nếu để ý, mọi ngày trong năm 1996 là thứ mấy thì ngày tương ứng năm 2024 cũng y hệt vậy, hay nói dễ hiểu, cả hai tờ lịch này đều giống hệt nhau.
Các bài viết về nội dung trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn, nhiều bài nhận về hàng chục ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ ở nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. Sự trùng hợp giữa lịch năm 1996 và lịch năm 2024 cũng khiến nhiều người tò mò, thích thú, bên cạnh đó là thắc mắc không biết vì sao có sự trùng hợp này.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, những ngày gần đây, nhiều người chia sẻ thắc mắc về việc tại sao thứ tự ngày tháng năm 2024 lại trùng hoàn toàn với năm 1996. Đây hoàn toàn là vấn đề đơn giản của số học và quy ước trong Dương lịch.
Mọi người đều biết rằng mỗi tuần có 7 ngày và mỗi năm có 365 ngày (hoặc 366 đối với năm nhuận / có ngày 29/02). 365 chia 7 dư 1 còn 366 chia 7 dư 2. Do đó, nếu bạn so sánh 1 ngày bất kỳ trong 2 năm liên tiếp, nếu hoàn toàn không có ngày nhuận (29/02) nằm giữa khoảng đó, thì ngày của năm sau sẽ tiến thêm một bước theo thứ tự ngày trong tuần. Chẳng hạn, ngày 01/01/2024 là thứ hai, có nghĩa là 01/01/2023 là chủ nhật, còn của 2022 là thứ bảy, hoàn toàn không cần mở cuốn lịch ra để biết điều đó.
Như vậy, nếu cứ tiến tới tiếp thì sau 7 năm, ngày 01/01 sẽ lại rơi vào điểm cũ trong tuần so với năm được lấy làm mốc. Tuy nhiên, vì có sự can dự của năm nhuận (tạm coi là 4 năm một lần, vì tới tận 2100 mới có một năm chia hết cho 4 nhưng không nhuận), nên trên thực tế chu kỳ đó là 5 hoặc 6 năm (tùy vào việc có 1 hay 2 ngày nhuận chen vào giữa).
Trường hợp mà nhiều người đang nhắc tới ở đây là năm 1996 và 2024. Ngày 01/01 của 2 năm này cách nhau 10.227 ngày. Con số này chia hết cho 7 nên chúng trùng nhau theo thứ tự trong tuần. Mặt khác, cả hai năm 1996 và 2024 đều là năm nhuận, nên toàn bộ những ngày còn lại trong năm cũng vậy.
Đối với các năm không nhuận, thì trong thế kỷ này đã có 3 năm là 2001, 2007 và 2018 cũng có ngày 01/01 bắt đầu vào thứ hai và toàn bộ những ngày còn lại của 3 năm đó đều giống nhau. Riêng khoảng giữa 2007 và 2018 không có là vì năm 2012 là tới mốc 5 năm từ 2007 và ngày 01/01 đã tiến tới chủ nhật, nhưng chính năm đó là năm nhuận nên 01/01 của 2013 lại là thứ ba.
“Bạn cũng thấy rằng do sự khác biệt giữa nhuận và không nhuận nên các năm 2001, 2007 và 2018 không thể “hoàn toàn giống” năm 1996 và 2024. Sự khác biệt phát sinh khi đi qua ngày nhuận.
Ví dụ cụ thể: 28/02/2018 là thứ tư, và ngày đó của 2024 cũng vậy. Nhưng 2018 không phải năm nhuận, nên sau đó là ngày 01/03 và nó là ngày thứ năm, trong khi đó 2024 là năm nhuận nên phải tới thứ sáu của tuần đó mới là 01/03“, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.
Những sự trùng hợp thú vị giữa năm âm lịch và dương lịch
“Nói chung đây hoàn toàn là sự ngẫu nhiên do quy ước về lịch của con người, không phải sự trùng hợp kỳ lạ nào. Bên cạnh đó, các năm dương lịch và âm lịch cũng có những sự trùng hợp thú vị mà mọi người có thể tham khảo thêm”, ông Sơn cho hay.
Về cơ bản nguyên tắc tính ngày của người phương Đông trước kia cũng giống như của người phương Tây. Ngày nay chúng ta biết rằng một ngày là khoảng thời gian để Trái đất tự quay một vòng quanh trục của nó. Tuy nhiên người xưa chưa biết qui luật thiên văn này, mà tính ngày dựa trên vị trí của Mặt trời trên bầu trời. Mốc được chọn là khi Mặt trời lên cao nhất vào giữa trưa. Khoảng thời gian giữa hai lần giữa trưa liên tiếp được gọi là một ngày.
Ở phương Tây, người ta chia ngày thành 24 giờ, trong đó lúc 12 giờ là thời điểm giữa trưa. Đây cũng là giờ quốc tế dùng trong hành chính mà ngày nay chúng ta vẫn biết.
Còn ở phương Đông thì một ngày chia thành 12 canh, được gọi tên theo 12 chi là Tí, Sửu, …, trong đó canh Tí kéo dài từ 11h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau, do đó cũng có nhiều tài liệu cho rằng ngày trong âm lịch sớm hơn ngày trong dương lịch 1 giờ. Thời điểm giữa trưa của ngày âm lịch tương ứng với canh Ngọ, kéo dài từ 11h đến 13h. Thời điểm chính giữa canh tương ứng với 12h trưa trong dương lịch là khi Mặt trời lên cao nhất, gọi là chính ngọ.
Tháng trong âm lịch của chúng ta dựa vào chu kỳ của Mặt trăng trên bầu trời. Mặt trăng là vệ tinh tự nhiên của Trái đất, nó chuyển động trên quĩ đạo quanh Trái đất theo chu kỳ 27,32 ngày. Tuy nhiên vì trên thực tế Trái đất còn có chuyển động quanh Mặt trời nên phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để Mặt trăng về vị trí cũ khi quan sát từ Trái đất, khiến cho chu kỳ của Mặt trăng được quan sát là 29,53 ngày. Chu kỳ này gọi là một tuần Trăng. Người phương Đông trước đây lấy một tuần Trăng này làm độ dài cho một tháng. Ngày mùng 1 mỗi tháng bắt đầu vào ngày có điểm không Trăng, âm lịch thường gọi là điểm sóc. Đây là điểm mà toàn bộ phần tối của Mặt trăng quay về phía Trái đất, hoàn toàn không thể nhìn thấy Mặt trăng vào ban đêm.
Vì chu kỳ tuần Trăng là 29,53 ngày chứ không phải tròn 29 hay 30 nên điểm sóc không rơi vào một giờ cố định. Vì vậy tháng nào mà điểm sóc rơi vào cuối ngày của ngày mùng 1 âm lịch thì sau ngày 30 tháng đó mới có điểm sóc tiếp theo. Tháng như vậy có 30 ngày. Với những tháng điểm sóc rơi vào đầu ngày mùng 1 thì sau chu kỳ 29,53 ngày, điểm sóc tiếp theo xuất hiện sau ngày 29, tháng đó không có ngày 30, gọi là tháng thiếu.
Nghi Vân (Theo KH, SKĐS)
VIDEO CHỌN LỌC:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*