Một người không quá để tâm, không so đo tính toán làm sao để bản thân được lợi thì cuối cùng lại được lợi. Trái lại, người luôn tìm cách để người khác chịu thiệt thòi mà chiếm lợi về mình thì cuối cùng lại bị mất nhiều hơn. Người ta nói đó là “Người tính không bằng Trời tính”.
Cổ ngữ có câu: “Họa do ác tác, phúc do đức sinh”, họa là do làm việc ác mà ra, phúc là do Đức mới có. Cổ nhân cho rằng thế sự là vô thường, nhân sinh như mộng, nên không hao tổn tâm sức vào việc tranh danh đoạt lợi – những điều được cho là thứ “ngoại thân”. Người xưa cũng tin rằng trên đường đời nên là tích đức làm việc thiện, hướng đạo hướng thiện, bởi vì đạo Trời sẽ bảo hộ người lương thiện. Ngược lại, người ham lợi chỉ luôn nghĩ đến lợi ích của bản thân thì thường chiêu mời họa, bởi vì “họa do ác tác”.
Trong cuốn Sử ký – Hoá sự liệt truyện, Tư Mã Thiên có viết: “Thiên hạ hy hy, giai vi lợi lai; thiên hạ nhưỡng nhưỡng, giai vi lợi vãng”. Nghĩa là: “Người trong thiên hạ đều tất bật, bận rộn là vì cái lợi mà đến; Người trong thiên hạ đều rối ren, hỗn loạn cũng vì cái lợi mà ra…”
Với người thông minh tài giỏi mà hay tính toán để hưởng lợi, họ làm bất kể công tác nào cũng luôn nghĩ tới nghĩ lui làm thế nào để bản thân không bị thiệt thòi, đắc được nhiều lợi ích nhất; biểu hiện như đang chiếm thế thượng phong so với người khác, nhưng nội tâm lại mất đi sự bình tĩnh, thời thời khắc khắc đều đề phòng, từ đó mà thân thể thân thể suy kiệt, nội tâm bất an. Những người này họ luôn cảm thấy mệt mỏi trong thời gian dài, so với những người ít thông minh hoặc ít tính kế lợi ích thì lại càng lao tâm khổ tứ hơn gấp bội phần.
Với người hồ đồ, đôi lúc họ hồ đồ thật cũng tốt. Họ thông thường “không biết” tranh giành lợi ích, có khi còn bị người khác lừa gạt mà đánh mất lợi ích của mình. Nhưng tục ngữ có câu: “Nếu ai đó nợ bạn thứ gì, ông trời sẽ trả lại cho bạn”, chí ít hiện tại họ là bên thiệt thòi, nhưng tương lai lại sung túc, hơn nữa nội tâm an nhiên đạm bạc. Với người giả vờ hồ đồ, có lẽ họ không muốn vướng vào những lợi ích tranh giành cá nhân, họ giữ “đức”, sống cuộc sống tự tại, thực hiện theo phương châm: “cái gì của mình thì sẽ không mất, cái gì không phải của mình thì có tranh giành cũng không được, trời xanh đã tự có an bài”.
Trong Kinh Dịch có viết như sau:
“Đất có tính nhu hoà, người quân tử dựa vào đức dày để nâng đỡ vạn vật. Trời đất, khiêm nhường mà thâm sâu, dung nạp vạn vật, hà tất có tính toán chi? Vậy mới nói: so đo qua lại, kỳ thực chính là tính toán với bản thân. Ngày ngày âm mưu tính kế, dối người lừa mình, người thân dần dần xa lánh, bạn bè rời bỏ, con đường nhân sinh càng đi lại càng hẹp! Hồ đồ nhiều hơn một chút, ít tính kế đi một chút. Nhân sinh không tính toán, thật tốt nhường nào!”…
Nguyên văn:
“Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật. Thiên địa, phu chuyết thâm trầm, dung tải vạn vật, kỷ tăng toán kế giảo quá, kỳ tăng toán kế quá? Chính sở vị, toán lai toán khứ, kỳ thực thị toán kế trước tự kỷ. Thiên thiên câu tâm đấu giác, nhĩ ngu ngã trá, thân nhân hội sơ viễn, bằng hữu hội viễn ly, nhân sinh chi lộ hội việt tẩu việt trách! Đa điểm hồ đồ, thiểu điểm kế giác. Bất toán kế đích nhân sinh, đa hảo!”
trong “Mộng Khê Bút Đàm” của Thẩm Quát, cuốn sách được coi là một bộ “từ điển bách khoa” đầu tiên của Trung Hoa cổ đại, có ghi chép lại một câu chuyện như sau:
Vào triều đại nhà Tống, Lý Sỹ Hành đảm nhận chức vụ tại Viện hàn lâm. Trong một lần ông phụng mệnh triều đình đi sứ sang Triều Tiên có võ tướng Dư Anh theo cùng làm người phụ tá.
Sau khi hoàn thành xong sứ mệnh, Lý Sỹ Hành hoàn toàn không quan tâm để ý đến những vật phẩm mà Triều Tiên biếu tặng. Ông ủy thác lại tất cả cho Dư Anh xử lý.
Lúc lên thuyền trở về nước, Dư Anh thấy đáy thuyền có chỗ bị thấm nước nên lo lắng rằng những thứ vật phẩm của mình sẽ bị ẩm ướt hết. Vì thế ông bèn lấy toàn bộ tơ lụa gấm vóc của Lý Sỹ Hành được tặng lót ở đáy thuyền, sau đó đặt những thứ của mình lên trên để tránh bị ẩm.
Khi thuyền đã ra giữa biển khơi rộng lớn thì đột nhiên sóng gió nổi lên, như thể muốn nhấn chìm con thuyền. Lúc ấy vì con thuyền quá nặng nên tình hình lại càng trở nên nguy cấp hơn.
Không còn cách nào khác, người thuyền trưởng vội vàng thỉnh cầu Dư Anh vứt bỏ những vật phẩm đi để thuyền nhẹ bớt, bảo đảm an toàn cho mọi người, nếu không thì thuyền lật mọi người sẽ bị chết.
Dư Anh lúc này cũng vô cùng hoảng loạn, liền vội vàng vơ những vật phẩm trên thuyền ném xuống biển. Khi số vật phẩm bị ném xuống nước ước chừng khoảng một nửa thì sóng gió nhẹ hơn và dần dần ngừng lại, thuyền cũng ổn định và họ thoát nạn.
Về sau, Dư Anh kiểm tra lại số vật phẩm còn lại trên thuyền thì mới phát hiện ra những thứ ném xuống biển toàn bộ đều là những vật phẩm của mình. Những tặng phẩm của Lý Sỹ Hành bởi vì chất đống ở dưới đáy thuyền để lót, cho nên hoàn toàn không bị mất mát chút nào, chỉ bị ướt một chút mà thôi. Cuối cùng thuyền về tới nơi an toàn.
Đối với những thứ tặng phẩm ấy, hai người họ đã có hai loại thái độ hoàn toàn trái ngược nhau. Lý Sỹ Hành bởi vì “không quan tâm chú ý”, kết quả chẳng bị mất mát gì. Còn Dư Anh thì hết sức “để ý” mà kết quả lại hoàn toàn ngược lại.
Sự việc ấy xem ra hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực không phải. Lý Sỹ Hành được là bởi vì ông bình thường xem nhẹ, không màng danh lợi và làm người ngay thẳng, chính trực, không toan tính vụ lợi. Dư Anh mất chính là bởi vì ông ta quá mê chuộng tài vật, chỉ tính toán điều có lợi cho mình, làm người không phúc hậu. Loại suy nghĩ, tâm tính ích kỷ ấy cuối cùng đã làm hại ông.
Cảnh giới tư tưởng khác nhau thì làm việc sẽ sinh ra kết quả khác nhau, “Người tính không bằng Trời tính”. Điều này chẳng phải cũng minh chứng rằng đạo lý: “Thưởng thiện phạt ác, hết thảy đều là Thiên lý” của người xưa là vô cùng chính xác sao?
Nghi Vân (t.h)
Theo Secretchina, Vision Times, TTVN
VIDEO CHỌN LỌC:
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực