Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với nhóm tín ngưỡng này.
Nghị quyết, được thông qua với đa số phiếu bầu vào ngày 18/1, trích dẫn hàng nghìn trường hợp tử vong đã được ghi nhận trong chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ. Chiến dịch đàn áp này đã giam giữ tùy tiện, tra tấn, lạm dụng tâm lý và cưỡng bức thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công nhằm xóa sổ môn này. Các nhà ủng hộ nhân quyền cho rằng số người chết thực sự có thể còn cao hơn nhiều.
Nghị quyết đề cập đến trường hợp của ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande) – một nông dân trồng chè, người bị chính phủ Trung Quốc bắt giữ phi pháp tại đồn điền của ông và giam giữ ông trong 8 tháng mà không cho gia đình đến thăm. Vào tháng 12/2023, ĐCSTQ tuyên án ông 3 năm tù.
“Ông ấy không phạm tội gì cả. Ông ấy vô tội. Và lý do duy nhất khiến ông ấy bị bỏ tù là vì ông đang tu luyện Pháp Luân Công”, chính trị gia người Đức Michael Gahler, một người ủng hộ nghị quyết, cho biết trong một tuyên bố video sau cuộc bỏ phiếu.
Nghị quyết nêu rõ ông Đinh Nguyên Đức và các học viên Pháp Luân Công khác phải được trả tự do vô điều kiện và cuộc đàn áp phải chấm dứt. Nghị quyết cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với thủ phạm, bằng các biện pháp như từ chối cấp thị thực, phong tỏa tài sản, trục xuất họ khỏi lãnh thổ EU và truy tố họ về tội ác của họ.
“Tôi nghĩ đó là những điều chúng tôi nợ những công dân vô tội và những người cần được trả tự do”, ông Gahler cho biết một ngày trước cuộc bỏ phiếu.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một pháp môn tu luyện thiền định bao gồm 5 bài công pháp và các bài giảng tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”, theo trang web của Pháp Luận Đại Pháp. Pháp môn này lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992 và đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc. Vào cuối những năm 1990, có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người đang tập Pháp Luân Công ở nước này, theo ước tính chính thức của chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, ĐCSTQ lo ngại rằng Pháp Luân Công sẽ gây ra mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của Đảng. Do đó, vào năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch sâu rộng nhằm tiêu diệt môn tu luyện này. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, tức là hành vi sát hại hàng loạt tù nhân để bán nội tạng do nhà nước hậu thuẫn. |
Hôm 17/1, nhà lập pháp Slovakia Miriam Lexmann đã lên tiếng ủng hộ nghị quyết này, trích dẫn một số trong nhiều hình thức tra tấn mà các học viên đã phải gánh chịu kể từ đầu năm mới, bao gồm “bị sốc bằng dùi cui điện, rắc ớt, bị bức thực bằng dầu mù tạt”, bị cấm ăn, cấm ngủ và bị tấn công tình dục.
Bà nói: “Và chúng ta không nên quên hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng kinh tởm”.
Một bản sao của nghị quyết sẽ được gửi tới các cơ quan của EU, cơ quan chính phủ của các quốc gia thành viên cũng như các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, tuy không có mặt trong cuộc bỏ phiếu nhưng đã có bài phát biểu được chuẩn bị trước để nhấn mạnh “những mối quan ngại dai dẳng và nghiêm trọng” của EU đối với danh sách dài các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, điều mà ông mô tả là “một trong những vấn đề thách thức nhất trong quan hệ EU – Trung Quốc”.
Ông nói: “Liên minh Châu Âu sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề nhân quyền”.
Nghị quyết này được thông qua hai năm sau khi Nghị viện Châu Âu thông qua một nghị quyết bày tỏ quan ngại về nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của EU, ông Josep Borrell, nói rằng khối gồm 27 thành viên đã lên án “hành vi phạm pháp, vô nhân đạo và phi đạo đức” bằng “những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”.
Vào tháng 12/2023, cơ quan lập pháp EU đã thông qua nghị quyết lên án việc ĐCSTQ cưỡng bức đồng hóa văn hóa đối với thanh niên Tây Tạng trong các trường nội trú.
Cũng giống như ông Gahler, bà Lexmann đã kêu gọi EU cần có hành động mạnh mẽ hơn để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.
Bà nói: “Cho phép tôi nói thẳng. Trong hơn bảy thập kỷ, ĐCSTQ đã triệt sản người dân trên khắp Trung Quốc đại lục và tiếp tục phạm những tội ác trắng trợn chống lại loài người, nhưng EU chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức nhỏ vì những hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Xin lỗi nhưng đây là một phản ứng yếu ớt và không toàn diện đối với quy mô tội ác mà chế độ này đang gây ra mỗi ngày”.
Sau đó, bà đã chia sẻ một bức ảnh trên mạng xã hội về cảnh bà đứng cùng anh Đinh Lạc Bân (Ding Lebin), con trai ông Đinh Nguyên Đức, trên tay cầm biểu ngữ yêu cầu trả tự do cho cha anh.
Bà nói thêm: “Sự thống khổ và cuộc bức hại đối với họ là biểu tượng cho sự chuyên chế của ĐCSTQ”.
Anh Đinh Lạc Bân, hiện đang sống tại Đức, đã gửi lời cảm ơn các nhà lập pháp của Quốc hội Mỹ vì nỗ lực nêu bật hoàn cảnh của cha anh.
Anh nói với The Epoch Times: “Không chỉ cha tôi, mà thực sự là hàng triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang phải chịu thống khổ vì cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc”.
Anh nói, những gì đang xảy ra với gia đình anh đã phơi bày rõ rằng ĐCSTQ coi thường nhân quyền, và việc thông qua nghị quyết cho thấy các nhà lập pháp đang nhìn thấy rủi ro khi để các chiến thuật đàn áp của ĐCSTQ tiếp diễn mà không bị kiểm soát.
“Sự tồn tại của chế độ này là mối đe dọa đối với tự do và các giá trị trong xã hội dân chủ”, anh nói, đồng thời nhấn mạnh rằng “Chân, Thiện và Nhẫn thực sự là những giá trị phổ quát đối với nhân loại”.
Trong video, ông Gahler bày tỏ hy vọng rằng việc phơi bày cuộc bức hại sẽ có tác dụng răn đe.
Ông Gahler kết luận rằng các chế độ như ĐCSTQ bề ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong yếu đuối, và đó là lý do tại sao họ cần phải đàn áp người dân.
Theo The Epoch Times
Bản dịch NTDVN
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*