Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm qua. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa bán được lợn sang Trung Quốc dù nhu cầu tiêu thụ thịt của quốc gia này rất lớn. Nguyên nhân chính là vấn đề dịch bệnh.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) tại Hội nghị triển khai biên bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh giữa Việt Nam và Trung Quốc (vừa được tổ chức tại tỉnh Lào Cai) cho thấy, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2023 (tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2022); tuy nhiên giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt 515 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 132 triệu USD, tăng 24,1%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 157 triệu USD, tăng 36,3%.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 12.300 tấn thịt lợn, tăng 28% so với cùng kỳ 2022, xuất khẩu thịt bò đạt 76,8 tấn, tăng 15% so với năm trước; xuất khẩu thịt trâu đạt 316,4 tấn, gấp 2,5 lần; xuất khẩu sữa gấp 1,8 lần so với năm 2022; xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ đạt 4.634 tấn, tăng 115%; xuất khẩu trứng 3,1 lần so với năm 20223.
Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất thịt lợn (thị phần thịt xẻ chiếm 49% tổng thịt lợn thế giới), đứng thứ 3 thế giới về sản lượng thịt bò, thứ ba thế giới về sản lượng thịt gia cầm; nhưng với hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng về thịt và sản phẩm chăn nuôi nói chung (đứng đầu tiêu thụ thịt lợn, thứ hai về tiêu thụ thịt bò và thịt gia cầm của thế giới).
Với việc các nghị định thư được ký kết, cùng với hạ tầng thương mại giúp trao đổi giao thương hai chiều thuận lợi hơn; việc cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác kiểm dịch động vật, thực vật; nhiều mặt hàng nông sản sắp được ký nghị định thư… đây là cơ hội để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi, đồng thời đặt ra những thách thức đối với ngành chăn nuôi để phát triển trong giai đoạn tới, hướng tới xuất khẩu.
Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine.
Muốn vậy, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai thật đồng bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.
“Trung Quốc đang cần nhập 25 triệu con lợn mỗi năm mà Việt Nam không xuất khẩu được, đến lúc họ đã có đối tác rồi là rất khó. Mọi thứ thuận lợi như thế mà không làm được là tại chúng ta. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu chứ đừng nghĩ sẽ chỉ bán mãi ở Việt Nam. Phải tính lộ trình xuất khẩu, cứ không chỉ đổ đầu 100 triệu dân nội địa” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cục Thú y, năm 2023, cả nước có 29 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) tại 20 huyện của 14 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 1.023 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 103 con. Từ đầu năm 2024 đến ngày 26/2/2024, cả nước có 5 ổ dịch LMLM tại 4 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ngãi và Kon Tum; số gia súc mắc bệnh là 144 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 59 con. Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch LMLM tại tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum chưa qua 21 ngày. |
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Gần 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực