Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam Defense 2022) đã khai mạc ngày 08/12 tại khu vực sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Có khoảng 174 nhà trưng bày đến từ 30 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia sản xuất vũ khí lớn như Mỹ, Nga, ngoại trừ Trung Quốc. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 10 tháng 12, theo Reuters.
Phát biểu với truyền thông tại triển lãm, đại sứ Mỹ Marc Knapper cho biết Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam ‘là một chặng mới trong quá trình hướng đến toàn cầu hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa của Việt Nam, và Hoa Kỳ muốn tham gia quá trình này’.
Ông cũng khẳng định Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam, hiện mới chỉ dừng ở việc cung cấp tàu tuần duyên, máy bay huấn luyện, và sẵn sàng thảo luận về những nhu cầu quốc phòng, kể cả năng lực hàng hải. Kể từ khi Washington từng bước dỡ bỏ cấm vận vũ khí trong những năm 2014-2016, Việt Nam đã có thể mua vũ khí của Mỹ.
Về phía Nga, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport giới thiệu drone, xe bọc thép, máy bay trực thăng, nhiều loại máy bay và vũ khí hạng nhẹ tại triển lãm. Trong một thông cáo, tổng giám đốc Alexander Mikheev cho biết Rosoboronexport ‘sẵn sàng thảo luận hợp tác trong lĩnh vực quan hệ đối tác công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng’.
Việt Nam hiện nhập đến 80% vũ khí từ Nga, trong khi nguồn cung này đang gặp khó khăn vì chiến tranh Ukraina.
Theo các nguồn tin của Reuters, Việt Nam đang muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, giảm phụ thuộc vào Nga, bằng cách chuyển sang các nhà cung cấp từ châu Âu, Đông Á, Ấn Độ, Israel và Hoa Kỳ. Các nguồn tin cũng cho biết Việt Nam đã đang thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự trong nước với sự hỗ trợ của Israel và các đối tác khác, đồng thời hy vọng xuất khẩu vũ khí.
Theo ĐKN