Chính phủ Thụy Điển đã trục xuất một nhà báo Trung Quốc với lý do lo ngại người này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia – theo báo cáo truyền thông Thụy Điển hôm 8/4.
Nhà báo Trung Quốc bị trục xuất là một phụ nữ 57 tuổi, bà đã bị cơ quan an ninh Thụy Điển bắt giữ vào tháng 10 năm 2023. Sau đó, Cơ quan Di cư Thụy Điển đã trục xuất bà vào tháng 11 cùng năm. Đến ngày 4 tháng 4 năm nay, chính phủ Thụy Điển đã bác đơn kháng cáo chống lại việc trục xuất của bà. Theo truyền thông Thụy Điển, bà ta đã bị cấm nhập cảnh vào Thụy Điển suốt đời.
Người phụ nữ Trung Quốc đến Thụy Điển từ khoảng 20 năm trước. Đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT cho biết bà đã có giấy phép cư trú, kết hôn với một người đàn ông Thụy Điển và có con chung với chồng.
Các phương tiện truyền thông Kinamedia và RFI, đã tiết lộ danh tính của người phụ nữ là Chen Xuefei, chủ tịch và nhà báo của cơ quan truyền thông trực tuyến tiếng Trung thân Bắc Kinh – Green Post ở Thụy Điển. Bà cũng là chủ tịch Hiệp hội văn hóa Trung Quốc-Châu Âu.
Theo SVT, hầu hết các bài viết đăng trên Green Post đều đến trực tiếp từ các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và bà Chen bị cáo buộc đã nhận các khoản thanh toán từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Stockholm liên quan đến các bài báo của bà ta.
Theo các phương tiện truyền thông, cơ quan an ninh Thụy Điển phát hiện bà Chen được cho là đã hợp tác với một sĩ quan tình báo Trung Quốc và có liên hệ với đại sứ quán Trung Quốc, cũng như những người ở Thụy Điển có liên hệ với chế độ Bắc Kinh.
Đài truyền hình Na Uy NRK cho biết – Chen cũng đã đưa tin tại nước này và từ các quốc gia Scandinavi khác, bao gồm Đan Mạch, Phần Lan và Iceland.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm cho biết, Trung Quốc luôn yêu cầu công dân Trung Quốc tuân thủ luật pháp nước họ cư trú và mong muốn Thụy Điển đảm bảo quyền cũng như lợi ích của công dân Trung Quốc không bị xâm phạm.
Trước đó, Cơ quan an ninh Thụy Điển đã xác định Trung Quốc, Nga và Iran là những rủi ro an ninh lớn nhất đối với nước này vào tháng 2.
Sự xâm nhập của ĐCSTQ thông qua phương tiện truyền thông địa phương
Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà báo, nhà văn và nhà bình luận thời sự người Canada gốc Hoa, nói với The Epoch Times vào ngày 9 tháng 4 rằng – Việc chính quyền Thụy Điển trục xuất bà Chen cho thấy Thụy Điển hiện đang xem xét đến sự xâm nhập và can thiệp của ĐCSTQ một cách nghiêm túc, vì khả năng chế độ này đã xâm nhập đáng kể vào Thụy Điển.
Cô Thịnh cho rằng sự xâm nhập và thao túng truyền thông ở các nước phương Tây là cơ sở rất quan trọng cho sự xâm nhập của ĐCSTQ. Cô nói, ĐCSTQ đã dàn xếp với các phương tiện truyền thông để xâm nhập toàn cầu.
“Phương pháp chính của ĐCSTQ là cử nhân sự đến các quốc gia mà nó dự định xâm nhập và giả vờ là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông. Nó cũng đã mua chuộc nhiều người có ảnh hưởng và các tờ báo lá cải, thậm chí một số phương tiện truyền thông chính thống cũng bị ĐCSTQ ảnh hưởng và kiểm soát,” – cô nói.
“Ở các nước dân chủ lớn, số lượng nhân viên truyền thông phục vụ cho ĐCSTQ không hề nhỏ”.
Cô Thịnh nói rằng các hoạt động của chế độ này ở các nước sở tại ngày càng trở nên hung hãn “bởi vì họ thấy rằng chính phủ của các nước này muốn duy trì mối liên hệ ‘thân thiện’ với ĐCSTQ và thậm chí còn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược”.
“Hoạt động của họ ở các nước phương Tây là tạo nền tảng cho dư luận và tạo mối liên kết cho sự xâm nhập của ĐCSTQ. Loại hoạt động này rất phổ biến. Nhưng giờ đây, cuối cùng cũng đến lúc họ bắt đầu xuống dốc ” – cô nói.
Lợi ích kinh tế suy yếu
Học giả Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) ở Úc nói với The Epoch Times vào ngày 9 tháng 4 rằng – việc trục xuất nữ nhà báo Trung Quốc cho thấy thái độ của Thụy Điển đối với ĐCSTQ đã thay đổi.
Ông Phùng chỉ ra rằng các hoạt động xâm vào nhập nước ngoài của Bắc Kinh đã trở nên phổ biến. Thụy Điển từng coi các đặc vụ Trung Quốc là những người thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước, nhưng giờ đây, Thụy Điển đã thay đổi thái độ chính trị và pháp lý đối với những người này và coi hành vi đó là tội ác.
Ông nói rằng quyết định của Thụy Điển là lời cảnh tỉnh đối với những công dân Trung Quốc thân ĐCSTQ ở nước ngoài. Các quốc gia khác cũng đã thay đổi lập trường ở những mức độ khác nhau đối với những người đại diện cho chương trình nghị sự của ĐCSTQ.
Ông Phùng cho rằng các nước phương Tây từ lâu đã biết về sự xâm nhập của ĐCSTQ nhưng vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các nước này rất coi trọng lợi ích kinh tế và không muốn từ bỏ lợi ích của mình.
“Bây giờ, thị trường Trung Quốc gần như không có lãi, dù đầu tư vào đó hay giao dịch cổ phiếu, nên hiện nay cái giá phải trả cho việc thực hiện một số hành động chính trị chống lại ĐCSTQ (nếu nó trả đũa) cũng không cao đến thế. Vì vậy, Thụy Điển đã có hành động xử lý hành vi phạm tội của bà Chen. Và hhiều quốc gia hiện cũng đang trong tình trạng này” – ông nói.
Hoàng Dung biên dịch
Theo The Epoch Times
Xem Thêm:
Pháp, Ấn Độ, Nga, Anh cảnh báo người dân không nên đến Israel
Ý kiến chuyên gia: Ngành bảo hiểm Trung Quốc đang trên đà phá sản
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*