spot_img
17 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Làn sóng biểu tình trong khuôn viên các trường đại học và những thách thức mới cho TT Biden

Các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đang lan rộng khắp các khuôn viên đại học ở Hoa Kỳ, đặt ra thách thức chính trị mới cho Tổng thống (TT) Joe Biden trong bối cảnh các vụ việc bài Do Thái ngày càng gia tăng. Một số người biểu tình nói rằng chiến dịch phản đối chiến tranh của họ gợi nhớ lại các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam gần 60 năm trước.

id5639918 575e667fc03bf0321ec3cbb0 Columbia University students protest
Sinh viên Đại học Columbia phản đối cuộc xung đột ở Gaza tại Đại học Columbia ở thành phố New York, hôm 27/04/2024. (Ảnh: Emel Akan/The Epoch Times)

Tại Đại học Columbia, tâm điểm của các cuộc biểu tình gần đây, sinh viên đã cố thủ tại khu lều chống Israel trong hai tuần qua. Họ chiếm cứ phần lớn bãi cỏ trải dài giữa Thư viện Butler và Thư viện Tưởng niệm Low, hai tòa nhà mang tính biểu tượng của trường.

Tại trung tâm ngôi trường 270 năm tuổi của Mỹ, những lá cờ Palestine tung bay trong khi một biểu ngữ khác mang dòng chữ “Chào mừng đến với Đại học Nhân dân vì Palestine” thường chào đón người qua đường.

Sinh viên cho rằng tổ chức Đại học Nhân dân vì Palestine được xây dựng bởi một liên minh gồm nhiều tổ chức khác nhau, trong đó có Hội Sinh viên Người Mỹ gốc Phi Châu, Hội Sinh viên Việt Nam, và các tổ chức LGBT.

Hôm 29/04, Hiệu trưởng Đại học Columbia Minouche Shafik cho biết rằng các cuộc đàm phán với người biểu tình đã đi vào ngõ cụt và bà khuyến khích người biểu tình rời đi, nếu không sẽ phải đối mặt với việc bị đình chỉ.

Trước đó, trường này đã yêu cầu những người biểu tình rời khỏi khuôn viên trường trước 2 giờ chiều hôm 29/04. Thời hạn này đã trôi qua, nhưng những người biểu tình không chịu chuyển đi. Cảnh sát thành phố New York đã bố trí lực lượng xung quanh trường đại học này. Tại thời điểm xuất bản bài báo này, vẫn chưa rõ liệu các nhà quản lý trường Columbia hoặc cảnh sát có hành động để giải tán khu cắm trại hay không.

Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã trở thành điều đặc biệt tại các sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Biden trong những tháng gần đây, khiến ông rất đau đầu. Những người biểu tình thường xuyên làm gián đoạn bài diễn thuyết của ông, cáo buộc ông ủng hộ Israel. Họ hô vang các khẩu hiệu như “Diệt chủng Joe” và “Ngừng bắn ngay bây giờ hay là không bỏ phiếu”.

Kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra trong khuôn viên trường Columbia, Tổng thống Biden đã hạn chế nhắc đến vấn đề này để cố gắng đạt được sự cân bằng tinh tế khi phải nói đến cuộc xung đột ở Gaza.

“Tôi lên án các cuộc biểu tình bài Do Thái. Đó là lý do tại sao tôi đã lập ra một chương trình để giải quyết vấn đề đó”, Tổng thống Biden nói với các phóng viên hôm 22/04 khi được hỏi liệu ông có lên án các cuộc biểu tình tại trường đại học hay không.

Ông nói: “Tôi cũng lên án những người không hiểu tình hình đang diễn ra với người Palestine.”

Rạng sáng hôm 17/04, sinh viên biểu tình đã dựng lều trại trong khuôn viên trường Columbia để phản ứng trước các hành động quân sự của Israel đối với Hamas ở Gaza. Ngày hôm sau, bà Shafik gọi cảnh sát, dẫn đến vụ bắt giữ hơn 100 sinh viên vì các cáo buộc xâm phạm trái phép.

Kể từ đó, những người biểu tình đã dựng lại lều và tiếp tục biểu tình, cho thấy họ không có dấu hiệu bỏ cuộc bất chấp các vụ đình chỉ học và bắt giữ hàng loạt. Một vài giảng viên mặc áo khoác vàng cũng tham gia biểu tình, cố gắng bảo vệ sinh viên khỏi ban giám hiệu.

“Họ càng cố gắng khiến chúng ta im lặng, thì chúng ta càng ồn ào hơn,” một tấm biển ghi tại khu cắm trại.

Các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đã lan rộng như cháy rừng tại các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ để thể hiện tình đoàn kết với các sinh viên trường Columbia. Sự can thiệp của cảnh sát ở nhiều trường — như Đại học Yale, Đại học George Washington, Đại học Nam California, Đại học Texas ở Austin, và Cao đẳng Emerson—tính đến nay đã dẫn đến hơn 800 vụ bắt giữ.

“Chúng ta sẽ ở lại cho đến khi Columbia thừa nhận các yêu cầu của chúng ta” một tấm màu trắng tại khuôn viên trường Columbia viết, liệt kê ba yêu cầu của người biểu tình. Đầu tiên, họ muốn trường đại học này cắt đứt quan hệ với các tập đoàn mà họ cho rằng đang thu lợi “từ chế độ phân biệt chủng tộc, nạn diệt chủng, và sự chiếm đóng quân sự của Israel đối với Palestine.”

Israel đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc diệt chủng ở Gaza.

Người biểu tình cũng đang yêu cầu minh bạch tài chính và ân xá cho tất cả giáo viên bị sa thải và sinh viên bị đuổi học hoặc bị kỷ luật vì tham gia các cuộc biểu tình gần đây.

Naomi, một người biểu tình không muốn tiết lộ họ của mình, bày tỏ sự lạc quan rằng một số yêu cầu, nếu không phải tất cả, có thể được ban giám hiệu đáp ứng.

Cô nói với The Epoch Times hôm 27/04 rằng: “Điều quan trọng hơn là chúng tôi đang gửi tín hiệu tới các tổ chức khác, chẳng hạn như các trường đại học khác và Tòa Bạch Ốc, rằng sinh viên và rất nhiều người Mỹ không chấp nhận cuộc chiến ở Gaza.”

Tuy nhiên, cuộc sống tại ngôi trường Ivy League này đã bị gián đoạn đối với hầu hết các sinh viên không tham gia các cuộc biểu tình tình. Nhà trường thông báo sẽ chuyển sang hình thức học từ xa trong thời gian còn lại của năm học.

Nhiều sinh viên trên toàn quốc lo ngại lễ tốt nghiệp của họ sẽ bị gián đoạn. Đại học Nam California ở Los Angeles đã hủy bỏ lễ khai giảng chính do lo ngại về an toàn.

Bà Shafik cho biết Đại học Columbia sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp vào ngày 15/05, bất chấp tình thế đang bế tắc.

Ông Kaivan Shroff, một nhà bình luận chính trị và là cố vấn của Dream for America, một tổ chức bất vụ lợi do thế hệ Gen Z lãnh đạo, nói với The Epoch Times rằng: “Biểu tình là một điều tất yếu của quyền tự do biểu hiện và không có gì mới đối với những trường học này.”

Ông nói: “Trong trường hợp này, sự khác biệt chính dường như là phản ứng từ các nhà quản lý, với việc trường Columbia là nơi đầu tiên ra lệnh cho bắt giữ các sinh viên biểu tình ôn hòa của chính họ.”

Một số người biểu tình cảm thấy chiến dịch phản đối chiến tranh của họ gợi nhớ lại các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam tại Columbia gần 60 năm trước.

Mùa xuân năm 1968, những người biểu tình đã chiếm giữ các tòa nhà trong trường đại học để phản đối Hoa Kỳ can thiệp vào Chiến tranh Việt Nam. Sau một tuần không có tiến triển, cảnh sát thành phố New York đã ập vào khuôn viên trường, bắt giữ hơn 700 người.

Theo trang web của trường đại học này: “Phải mất nhiều thập niên để trường đại học phục hồi sau thời kỳ hỗn loạn đó.”

Vẫn chưa rõ liệu các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine hiện nay sẽ có quy mô lớn như cuộc phản kháng rộng rãi chống Chiến tranh Việt Nam trong khuôn viên trường đại học này hồi những năm 1960 hay không.

Tổng thống Biden chịu áp lực

Nhiều sinh viên phản đối cuộc chiến ở Gaza cho biết rằng họ không hài lòng với việc Tổng thống Biden không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Dân biểu Summer Lee (Dân Chủ-Pennsylvania) gần đây đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại về sự thiếu nhiệt tình của các cử tri trẻ dành cho tổng thống. Nữ nghị sĩ cấp tiến này gần đây đã đến thăm những người biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Pittsburgh.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nation” của CBS News hôm 28/04, bà Lee được hỏi liệu bà có thấy sinh viên có sự nhiệt tình để bỏ phiếu cho Tổng thống Biden vào tháng Mười Một hay không.

“Thành thật mà nói, quý vị biết đấy, chúng tôi không thấy. Đây không phải là một chủ đề lúc nào cũng gặp nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn,” bà trả lời.

“Họ muốn thấy một lệnh ngừng bắn ở Gaza; họ muốn thấy các vụ oanh tạc và sát nhân bừa bãi phải chấm dứt,” bà cho biết. “Họ cảm thấy như chính phủ của chúng ta có thể làm được nhiều nữa. Và đó là những gì họ đang mong mỏi. Họ đang mong chờ sự thừa nhận nào đó từ phía lãnh đạo của chúng ta.”

Trong khi đó, những sinh viên Do Thái cũng ngày càng bất mãn khi nhận thấy rằng chính phủ TT Biden có thể làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề tấn công bài Do Thái trong khuôn viên trường.

Mặc dù những người biểu tình và các nhóm hoạt động đưa ra rất nhiều tuyên bố rằng các cuộc biểu tình đó diễn ra ôn hòa, nhưng một số người biểu tình đã bị camera ghi lại cảnh họ đưa ra những lời nhận xét bài Do Thái và đe dọa xâm phạm thân thể đối với những người Do Thái.

Chẳng hạn, trong một video lan truyền rộng rãi, Khymani James, một nhà lãnh đạo sinh viên của Trại Đoàn kết Gaza chống Israel của Đại học Columbia, đã công khai tuyên bố rằng “Những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái không đáng được sống.” Sau đó, anh này đã xin lỗi trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây là Twitter, nói rằng anh “đã lỡ lời trong lúc nóng nảy.”

Ông Shroff chỉ trích Đảng Cộng Hòa vì đã sử dụng các cuộc biểu tình này “như một cơ hội chính trị.” Ông cũng nói rằng các hãng truyền thông đang đổ thêm dầu vào lửa bằng cách tập trung vào “những tiếng nói quá khích nhất” của sinh viên ủng hộ Palestine lẫn sinh viên ủng hộ Israel.

Theo báo cáo của các hãng truyền thông, những người biểu tình ở Đại học Columbia đã trực tiếp nhắm mục tiêu vào các sinh viên Do Thái và quấy rối họ bằng lời nói. Một người biểu tình đeo mặt nạ nói: “Chúng tôi là Hamas đây. Tất cả chúng tôi đều là Hamas đây.” Một người biểu tình khác nói: “Đừng bao giờ quên ngày 07/10 … điều đó sẽ xảy ra không chỉ một lần nữa, không chỉ năm lần nữa, không chỉ mười lần nữa, không chỉ trăm lần nữa, không chỉ ngàn lần nữa mà là vạn lần.”

Tòa Bạch Ốc đã lên án mọi hành vi quấy rối sinh viên Do Thái, gọi đó là hành vi “bài Do Thái.”

Ông Andrew Bates, phó tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc, nói trong một tuyên bố gần đây, “Những tuyên bố nguy hiểm, kinh khủng này khiến người ta chán ghét và nên coi đó như một lời cảnh tỉnh.”

id5639917 72fabff1df79091c65e3aeca Columbia University students protest
Sinh viên Đại học Columbia phản đối cuộc xung đột Gaza tại Đại học Columbia ở thành phố New York, hôm 27/04/2024. (Ảnh: Emel Akan/The Epoch Times)

Ông cho biết Tổng thống Biden luôn phản đối “những lời lẽ bạo lực, cách nói chuyện thù hận, và những nhận xét bài Do Thái.”

Hôm 24/04, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cùng các đồng sự Đảng Cộng Hòa đã đến thăm Đại học Columbia để thể hiện sự ủng hộ đối với sinh viên Do Thái.

“Đây không phải là [các quyền theo] Tu chính án thứ Nhất. Họ đang đe dọa và hăm dọa, nói rằng họ sẽ dùng bạo lực đối với sinh viên Do Thái,” ông Johnson nói với các phóng viên trong khuôn viên trường, chỉ trích những người biểu tình. “Chúng tôi đã gặp những sinh viên Do Thái đang sợ hãi. Họ không thể đến trường. Họ không thể học bài cho kỳ thi cuối kỳ.”

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường đại học này, nói rằng việc biểu tình phải dừng lại.

“Những gì đang xảy ra trong các khuôn viên trường đại học ở Mỹ thật kinh khủng,” ông Netanyahu nói trong một tuyên bố. “Đám đông bài Do Thái đã chiếm cứ các trường đại học hàng đầu. Họ kêu gọi tiêu diệt Israel. Họ tấn công sinh viên Do Thái. Họ tấn công giảng viên Do Thái.”

Một số nhà lập pháp gốc Do Thái từ cả hai đảng cũng đã chỉ trích chính phủ TT Biden vì đã áp dụng cách tiếp cận không nghiêm khi giải quyết tình trạng ngược đãi sinh viên gốc Do Thái đang diễn ra.

Tuần trước, Dân biểu Josh Gottheimer (Dân Chủ-New Jersey) đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona về việc các đơn khiếu nại gửi đến Bộ Giáo dục đã gia tăng. Đồng thời, ông yêu cầu cập nhật về các cuộc điều tra chưa giải quyết liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái tại các trường đại học.

Theo NBC News, trong bức thư, ông phản đối “tốc độ của các cuộc điều tra này, các kết luận chậm trễ, và việc thiếu nguồn lực thích hợp được phân bổ cho các cuộc điều tra.”

Ứng cử viên mang đến trạng thái ổn định?

Giống như năm 2020, trong năm 2024, Tổng thống Biden đã tự định vị mình là ứng cử viên mang đến trạng thái ổn định. Tuy nhiên, nếu các cuộc biểu tình và đụng độ quy mô lớn với cảnh sát này kéo dài đến tận mùa thu, thì chúng có thể đặt ra thách thức đáng kể cho nỗ lực tái tranh cử của ông.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Joe Biden đã chỉ trích Tổng thống đương thời Donald Trump vì đã gieo rắc hỗn loạn, và khi nhậm chức, ông đã hứa sẽ “đảo ngược sự hỗn loạn” mà ông thừa hưởng.

Tuy nhiên, Đảng Cộng Hòa, trong đó có cả cựu Tổng thống Trump, hiện đang chỉ trích ông vì lạm phát cao, khủng hoảng biên giới, và các cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông. Ngoài ra, các nhà phê bình cho biết, làn sóng biểu tình gia tăng gần đây trong khuôn viên các trường đại học ngay trong nhiệm kỳ của ông có thể trở thành một chủ đề bị chỉ trích và có thể khiến các cử tri độc lập hướng về cựu Tổng thống Trump.

Các cuộc thăm dò gần đây cũng sự không hài lòng đối với Tổng thống Biden đang gia tăng.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, tỷ lệ tín nhiệm đối với công việc của Tổng thống Biden cho quý đầu tiên năm thứ tư trong nhiệm kỳ tổng thống đạt thấp nhất trong nhiệm kỳ của ông và tệ nhất trong số tất cả các tổng thống trong lịch sử hiện đại.

Tỷ lệ tín nhiệm công việc của TT Biden đạt trung bình 38.7% cho quý đầu tiên năm thứ tư của mình (từ ngày 20/01 đến 19/04).

Một báo cáo của Gallup cho biết: “Kể từ thời cố TT Dwight Eisenhower, không ai trong 9 tổng thống đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên có tỷ lệ tín nhiệm trung bình trong cùng quý thấp hơn TT Biden.”

Theo một cuộc thăm dò mới của CNN, 61% người Mỹ tin rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden là một sự thất bại, trong khi 39% cho rằng nhiệm kỳ này thành công.

Nhìn lại, theo cùng một cuộc khảo sát, 55% số người được hỏi xem nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là thành công, trong khi 44% xem đó là một sự thất bại.

Hôm 27/04, Tổng thống Biden đã chỉ trích người tiền nhiệm của ông tại Dạ tiệc Thông tín viên Tòa Bạch Ốc thường niên.

“Tất nhiên, cuộc bầu cử năm 2024 đang diễn ra sôi nổi. Và, đúng vậy, tuổi tác là một vấn đề. Tôi là một người đàn ông trưởng thành đang đối đầu với một đứa trẻ sáu tuổi,” Tổng thống Biden nói.

BN 2 jpeg 1 2

Cẩm An biên dịch từ The Epoch Times.

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

‘Lời nguyền tuổi 35’ – thực tế cay đắng của xã hội Trung Quốc hiện tại

Dự luật chi tiêu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chi 8 tỷ USD để chống lại Trung Quốc

Bí quyết vượt qua khủng hoảng của huyền thoại kinh doanh Nhật Bản

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều