Hơn 1,3 triệu du học sinh Trung Quốc về nước năm ngoái, tăng 34% so với cách đây 6 năm. Có ý kiến cho rằng vì môi trường trong nước dễ sống và nhiều cơ hội, tuy nhiên số liệu thực tế lại cho thấy việc làm đang là vấn đề nhức nhối hiện tại ở Trung Quốc.
Zhu Yangjian, sinh viên Đại học Kyushu, Nhật Bản, thường xuyên truy cập web dịch vụ việc làm dành cho du học sinh của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Nam sinh thích về nước vì mức lương tại Nhật hiện không khác so với quê nhà, trong khi phí sinh hoạt cao hơn.
“Sức hấp dẫn của thị trường việc làm Nhật Bản đã hạ nhiệt. Hơn nữa ở Trung Quốc có nhiều công việc hấp dẫn hơn”, Zhu nói.
Cũng ở Nhật, Zhao Zhijin, sinh viên Đại học Musashi, cho hay hơn một nửa số bạn bè xung quanh đã lên kế hoạch về nước tìm việc. “Chúng tôi tin rằng tư duy và tầm nhìn quốc tế có thể mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường việc làm”, Zhao nhận định.
Còn Huo Jiali đã về quê sau khi tốt nghiệp Đại học Delaware Valley, Mỹ. Huo Jiali hiện làm tại một công ty về nông nghiệp ở tỉnh Sơn Tây. Cô cho rằng chính sách của chính phủ với du học sinh trở về rất thuận lợi, và cô được làm việc trong môi trường tốt.
Về nước tìm việc hoặc khởi nghiệp đã trở thành xu hướng chủ đạo, theo “Báo cáo du học sinh Trung Quốc năm 2023” do cơ quan dịch vụ du học New Oriental công bố.
Nếu tính trong 10 năm (2012-2022), số du học sinh Trung Quốc về nước là 3,4 triệu, chiếm hơn 80% tổng số. Một khảo sát khác của trang tuyển dụng Zhaopin cho thấy con số này năm ngoái là 1,34 triệu, cao hơn 34% so với năm 2018. Hơn 40% trở về từ Anh, 16% từ Australia, 10% từ Mỹ.
Khoảng một nửa (54%) số người tham gia khảo sát chọn trở về vì môi trường sống thuận tiện, 44% bị thu hút bởi nền kinh tế phát triển tốt hơn của Trung Quốc đại lục.
Cũng theo báo cáo của Zhaopin, nhiều du học sinh về nước làm việc trong lĩnh vực du lịch và giải trí với lượng đơn xin việc tăng 24,5% trong năm ngoái. Các nhóm ngành khác là Năng lượng mới và Điện; Dầu khí và Hóa chất; Tự động hóa; Công nghiệp nặng và Cơ khí. Nhu cầu tuyển dụng du học sinh trong các ngành nghề này tăng 17-72%.
Mức lương của người có bằng cấp nước ngoài cũng tăng liên tục trong 5 năm. Năm ngoái, một người kiếm được trung bình 15.240 tệ (gần 55 triệu đồng) mỗi tháng, cao hơn 30% so với năm 2019. Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến là ba thành phố có mức lương cao nhất.
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn dẫn đầu về số sinh viên quốc tế tại các điểm đến du học. Theo báo cáo của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nước này có hơn một triệu du học sinh trong năm 2021, chủ yếu ở Mỹ, Australia, Anh, Nhật Bản và Canada.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách từ trung ương đến địa phương nhằm tạo điều kiện cho du học sinh về nước, như tuyển thẳng vào công chức, tạo môi trường làm việc thuận lợi, hỗ trợ vay vốn để khởi nghiệp.
Thực tế, những người trở về đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, năm 2023, gần 58% số học giả mới được bổ nhiệm tại Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc và các cơ quan, tổ chức khác là người hồi hương.
Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, người có bằng cấp ở nước ngoài đứng đầu hơn 70% dự án trọng điểm quốc gia, chiếm khoảng 40% số người đoạt giải thưởng khoa học và công nghệ cấp nhà nước, giữ chức hiệu trưởng ở 70% đại học thuộc Bộ Giáo dục.
Trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều công ty được thành lập và trở nên hùng mạnh như Baidu, Ctrip và Meituan… Những người hồi hương giúp doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng phạm vi kinh doanh toàn cầu, tham gia vào 80% vụ niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
HN (China Daily, Xinhua, Sohu,VNE).
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*
Giáo dục Đức: ‘Dù bạn giàu đến đâu, hãy để những đứa trẻ nghèo’
TP HCM: Trường Quốc tế phát tiểu thuyết có nội dung ‘nhạy cảm’ cho học sinh
Cha mẹ nên làm gì nếu không thể kiềm chế tính nóng nảy khi giáo dục con cái?