spot_img
19 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Vì sao cổ nhân nói: ‘Kẻ dại cầu tri thức, cao nhân ngộ học vấn’?

Học vấn và tri thức thoạt nhìn vào ngỡ là giống nhau, nhưng nội hàm của hai từ này lại hết sức khác biệt, thậm chí ở một vài phương diện nào đó còn trái ngược nhau. Vậy nên người xưa nói: “Kẻ dại cầu tri thức, cao nhân ngộ học vấn”…

Tri thức là gì?

Có nhiều định nghĩa về tri thức, nhưng có lẽ định nghĩa được đông đảo mọi người đồng ý là: “Tri thức là những hiểu biết và kinh nghiệm có được nhờ học tập và trong thực tiễn”. Xét về mặt chữ nghĩa, tri thức gồm chữ Tri nghĩa là biết, và chữ Thức nghĩa là hiểu, liễu giải.

Như vậy tất cả những gì chúng ta biết được trong thực tiễn cuộc sống và thông qua học tập, tích lũy kinh nghiệm đều là tri thức. Thế nên, ai nấy đều trang bị cho mình những tri thức mà bản thân cho là hữu dụng, có thể giúp mình có chỗ đứng trong xã hội, hoặc giúp mình thành công trong sự nghiệp, cuộc sống, và cả trong các mối quan hệ tình cảm. Trẻ em đã học thêm ngay từ tuổi mẫu giáo, lớn lên chút thì học thêm các khóa như: toán, kỹ năng tư duy, ngoại ngữ, thanh nhạc, hội họa… Người lớn thì học các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết giảng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý…

Nhưng thế giới đang có những thay đổi to lớn, những sự việc, hiện tượng, tri thức mới liên tiếp xuất hiện, nhất là việc bùng nổ thông tin Internet khiến con người bị thông tin nhấn chìm. Càng truy cầu tri thức thì lại càng thấy mệt mỏi. Người xưa cũng nói “Biển học vô bờ”, thế nên truy cầu tri thức thái quá thì dễ bị “chết chìm” trong biển vô bờ này.

tri thức, học vấn
Việc bùng nổ thông tin Internet khiến con người bị thông tin nhấn chìm. (Ảnh: Shutterstock)

Học vấn có gì khác với tri thức?

Chúng ta cũng thường coi “học vấn” là từ đồng nghĩa với “tri thức”. Về định nghĩa cũng có nhiều, và đa số đồng ý rằng: “Học vấn là tri thức có được qua học tập”, coi học vấn là một phần tạo nên tri thức. Tuy nhiên, “học vấn” còn có 2 nét nghĩa mà “tri thức” không có:

  • Học vấn còn có nghĩa “học” và “vấn”, tức là học và hỏi – trong tiếng Việt chúng ta có từ “học hỏi”.
  • Từ “Học vấn” có thể tìm được trong các thư tịch cổ, ví như sách “Nhật tri lục” của Cố Viêm Vũ đời Thanh có viết: “Phù nhân dữ nghĩa, vị hữu bất học vấn nhi năng minh giả dã”, nghĩa là: “Về nhân và nghĩa, chưa có người không học hỏi mà có thể tỏ tường”.
  • Học vấn còn có nghĩa là “đạo lý”, tức là chân lý, quy luật của sự việc. Ví dụ trong “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần đời Thanh có viết: “Thế sự động, minh giai học vấn, nhân tình luyện đạt tức văn chương”, nghĩa là: “Việc đời sâu rộng, minh tỏ được đều là học vấn; nhân tình thế thái thông tỏ tức là văn chương”.

Như vậy có thể thấy, học vấn với nét nghĩa đạo lý thì quả là quá mênh mông và thâm sâu.

Một lần có người hỏi Vương Dương Minh – bậc Đại Nho đời Minh, rằng: “Đọc sách không nhớ thì thế nào?”

Vương Dương Minh trả lời rằng: “Chỉ cần hiểu, cần gì nhớ? Cần hiểu được đã là ý nghĩa thứ yếu rồi, chỉ cần hiểu rõ bản thân mình mới là trọng yếu nhất. Nếu đọc sách cứ phải nhớ, thì không hiểu được. Nếu đọc sách cứ phải hiểu, thì sẽ không hiểu rõ bản thân mình”.

văn hoá truyền thống
“Chỉ cần hiểu, cần gì nhớ?” (Ảnh: Wikipedia)

Vương Dương Minh cho rằng, người thường đọc sách chỉ là nhớ những lời trong sách, đây là đang học tri thức. Vì đó chỉ là chúng ta nhớ được những lời trong sách, nhưng cái ‘tri thức’ này có ảnh hưởng, có hiệu quả thế nào trong cuộc đời chúng ta, thì điều này rất khó nói, thậm chí có một số điều còn có hại.

“Hiểu rõ bản thân mình mới là trọng yếu nhất”, đó là chúng ta từ nội tâm phát hiện ra những đạo lý trong sách, nội tâm chúng ta ấn chứng những đạo lý ấy. Đây chính là đọc sách để chiếu sáng tâm mình. Như thế thì đắc được mới là “học vấn” chân chính, chứ không dừng lại ở “tri thức”. Thế nên, tri thức là vật chết, còn học vấn lại là thứ mà chúng ta đắc được, ấn chứng trong lòng, đắc được thể ngộ. Bởi thế khác biệt lớn nhất giữa “học vấn” và “tri thức” chính là trong nội tâm chúng ta có ấn chứng không, có thể ngộ không.

Thực tế đã cho thấy, một số người hiểu rõ rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế, đọc rất nhiều sách, nhưng hễ làm việc thì lại chẳng theo đạo lý. Vì những đạo lý này trong tâm của họ chỉ là tri thức.

Người ít tri thức nhưng lại có học vấn lớn

Ông tổ thứ 6 của Thiền Tông là Huệ Năng, vốn mồ côi cha từ nhỏ, hai mẹ con phải đến vùng miền nam còn hoang sơ sống bằng nghề kiếm củi. Cả đời không được học hành, nhưng có lần nghe một vị khách đọc Kinh Kim Cương mà trong lòng bỗng nảy sinh giác ngộ. Sau Huệ Năng được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát và tâm ấn, ông đã đi về phương Nam ở cùng phường thợ săn để lánh nạn, tránh những người đố kỵ, tham lam danh vọng quyền thế hãm hại.

Sau 15 năm mai danh ẩn tích trong rừng sâu theo lời dặn của sư phụ, Lục tổ Huệ Năng xuất sơn thuyết Pháp, các đại sư, đại hòa thượng, quan lại, sĩ phu, giới học giả tìm đến nghe ông thuyết Pháp nườm nượp. Có hòa thượng cả đời chuyên nghiên cứu Kinh Kim Cương, nghe người ta ca ngợi học vấn của Lục tổ Huệ Năng thì không phục và nói: “Tôi cả đời nghiên cứu kinh Kim Cương mà vẫn còn nhiều chỗ chưa hiểu thấu đáo, để tôi đến vạch mặt trò bịp bợm của ông ta”.

truyền thống văn hoá
Sau 15 năm mai danh ẩn tích trong rừng sâu theo lời dặn của sư phụ, Lục tổ Huệ Năng xuất sơn thuyết Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Vị hòa thượng già này gánh một gánh Kinh Kim Cương (xưa viết trên thẻ trúc nên số lượng rất lớn) rồi tìm đến Huệ Năng hỏi, đại ý, trong Kinh Kim Cương, tại sao chương này viết thế này, mà chương kia lại viết với ý nghĩa ngược lại. Lục tổ Huệ Năng nói: “Xin ngài hãy đọc hai chỗ đó cho tôi nghe, tôi chưa đọc Kinh Kim Cương bao giờ, và cũng chưa từng học chữ”.

Vị hòa thượng kia đọc ra, Huệ Năng trả lời rành mạch, giải nghĩa ý nghĩa sâu xa sau ngữ nghĩa bề mặt. Hòa thượng già liền sụp xuống lạy Lục tổ, xin bái ông làm sư phụ.

Lão Tử nói: “Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn” (học tập thì ngày một tăng thêm, tu Đạo thì ngày một giảm đi). Học tập, tức là học tri thức, đương nhiên là càng học càng tăng nhiều. Tuy nhiên việc tu Đạo là thể ngộ học vấn, tất nhiên sẽ càng ngày càng giảm những truy cầu danh lợi chốn thế gian đi, giảm truy cầu tri thức và quan niệm cố hữu ngăn cản chúng ta đến với học vấn lớn, đến với Đại Đạo.

Theo Trung Hòa, NTDVN

Vi sao co nhan loai 1

Xem thêm:

Những lễ nghi bị lãng quên: Hành vi chừng mực chứa đựng trí tuệ của Thần

Chụp quét xác ướp Từ Hiền pháp sư, phát hiện nhục thân 1.000 năm bất hoại

Biết sám hối kịp thời khác nào linh đan diệu dược

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều