Phía Hàn Quốc vừa lên tiếng rằng nước này sẽ xác định mức độ viện trợ vũ khí cho Ukraine dựa trên lập trường của Nga đối với mối quan hệ của Moscow với Triều Tiên.
Ngày 21/6, một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói rằng Seoul sẽ xác định mức độ viện trợ vũ khí cho Ukraine dựa trên lập trường của Nga đối với mối quan hệ của Moscow với Triều Tiên, theo hãng thông tấn Yonhap.
“Có nhiều lựa chọn khác nhau để cung cấp vũ khí và quan điểm của chúng tôi về những diễn biến gần đây giữa Nga và Triều Tiên phụ thuộc vào cách Nga tiếp cận tình hình trong tương lai” – Yonhap dẫn lời quan chức Văn phòng tổng thống Hàn Quốc.
Trước đó một ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chang Ho-jin cho biết Hàn Quốc sẽ xem xét khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm điều khoản về phòng thủ chung.
Đáp lại phát ngôn của ông Chang, ông Putin cảnh báo Hàn Quốc có thể sẽ mắc phải “sai lầm lớn” nếu Seoul cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Cho đến nay, Hàn Quốc chỉ cung cấp các vật phẩm và thiết bị không sát thương cho Ukraine.
Theo các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc, trong số các loại vũ khí tiềm năng đang được xem xét có đạn pháo 155 mm cũng như các hệ thống phòng không cho Ukraine, theo Yonhap.
Các quan chức Seoul vẫn duy trì sự mơ hồ về mặt chiến lược liên quan các loại vũ khí có thể cung cấp cho Ukraine và điều này được coi là một động thái ngoại giao nhằm gây áp lực lên Moscow phải kiềm chế chuyển giao công nghệ quân sự quan trọng cho Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến liên quan, một số nguồn tin ngoại giao nói rằng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc dự kiến cuối ngày 21-6 sẽ triệu tập đại sứ Nga tại Seoul nhằm phản đối Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên.
Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên
Ngày 20/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải toàn văn Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Nga được nguyên thủ hai nước ký kết trong cuộc gặp ở Bình Nhưỡng vào ngày 19/6.
Tổng cộng, tài liệu bao gồm 23 điều.Trong đó, các điều có ý nghĩa quan trọng như điều 1, 2, 3, 4, 5, 6, 23.
Điều 1 nêu rõ, hai bên hình thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không xâm lược lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng và các nguyên tắc pháp lý quốc tế khác liên quan quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước, có tính đến luật pháp và nghĩa vụ quốc tế của nước mình. Duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài.
Theo Điều 3, trong trường hợp có đe dọa trực tiếp xâm lược vũ trang chống lại Moscow hoặc Bình Nhưỡng, hai bên phải “thỏa thuận về các biện pháp thực tế khả thi để phối hợp lập trường của nhau, phù hợp với yêu cầu của một trong hai bên và đảm bảo hợp tác nhằm loại bỏ mối đe dọa”. Khi đó, các cuộc đàm phán song phương sẽ bắt đầu ngay lập tức.
Điều quan trọng nhất của thỏa thuận nằm ở Điều 4, theo đó “nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh do bị một hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự bằng tất cả các phương tiện sẵn có theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp của Triều Tiên và Nga”.
Xem thêm:
Mất điện đột ngột trên toàn quốc, cuộc sống người dân Ecuador bị xáo trộn
Lao động Việt bổ sầu riêng làm hàng xóm Hàn Quốc nửa đêm đi báo cảnh sát
Vì sao túi hiệu Dior sản xuất chỉ 56 euro nhưng niêm yết 2.600 euro?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*