spot_img
17 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Cha mẹ làm gương: Hành trang quý giá nhất dành cho con trẻ

Không sợ trẻ nhỏ có những khiếm khuyết, mà điều đáng sợ nhất là ở phương pháp dạy dỗ và quan niệm giáo dục gia đình thiếu đúng đắn của các bậc cha mẹ.

Jenny Elim, tác giả chuyên về chăm sóc và giáo dục trẻ em người Mỹ từng nói:

“Sinh lý và tâm lý của trẻ chưa đủ trưởng thành, nên hầu như tất cả các phản ứng với thế giới bên ngoài đều dựa trên phản ứng tự nhiên và bắt chước. Nên cha mẹ cần kiên nhẫn dẫn dắt từng bước, đồng thời dạy con thế nào thì mình làm gương thế ấy. Đây chính là hành trang quý giá nhất trên con đường trưởng thành cho con trẻ”.

Cha mẹ chính là tấm gương cho trẻ soi vào

Giáo dục trong gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ, nhất là trong những năm đầu đời. Đứa trẻ từ khi lọt lòng, người chúng nhìn thấy đầu tiên thường là cha mẹ. Theo năm tháng, cha mẹ là người chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ. Trẻ nhỏ sinh ra như tờ giấy trắng. Thuận theo thời gian, chúng bắt đầu quan sát và tiếp nhận, học hỏi thế giới quan xung quanh. Nên với từng lời nói, cử chỉ, cách dạy dỗ của cha mẹ đứa trẻ sẽ tiếp thu. Lối sống, cách ứng xử của cha mẹ sẽ trở thành tấm gương cho đứa trẻ soi mình, học hỏi.

Vì tâm sinh lý của trẻ chưa đủ trưởng thành, nên hầu như tất cả các phản ứng với thế giới bên ngoài đều dựa trên phản ứng tự nhiên và bắt chước. Nên cha mẹ cần kiên nhẫn dẫn dắt và làm gương.
Vì tâm sinh lý trẻ chưa đủ trưởng thành, nên hầu như tất cả các phản ứng với thế giới bên ngoài đều dựa trên phản ứng tự nhiên và bắt chước. Nên cha mẹ cần kiên nhẫn dẫn dắt và làm gương. (Pexels)

Khi chúng ta rót vào tâm hồn trẻ sự chân thành và tình yêu thương, tương lai nhất định trẻ cũng hiểu được thế nào là trân quý bản thân và yêu cuộc sống, càng dễ dàng hiểu được sự tôn trọng và cảm ơn sự phó xuất của người khác.

Khi chúng ta rót vào tâm hồn đứa trẻ sự ích kỷ, hận thù, và hành xử như vậy với mọi người xung quanh, đứa trẻ cũng lớn lên với sự vô cảm, không biết yêu thương, chia sẻ.

Từ nhỏ đã có nề nếp, trẻ tự nhiên sẽ biết trân trọng bản thân và trân trọng những thành viên khác trong gia đình, sẽ không tự dưng làm tổn hại bản thân cũng chính là không bao giờ làm tổn hại người khác, dìu dắt và giáo dục trẻ theo cách phù hợp quan trọng hơn nhiều so với việc để chúng lớn lên không nghe lời rồi mới áp dụng kỷ luật và la mắng.

Cha mẹ yêu thương con cái của mình, đó chính là bản năng bẩm sinh. Nhiều bậc cha mẹ ở Châu Á còn dành cả cuộc đời để sống vì con cái của mình. Vì để con cái được ăn no mặc ấm, họ đều không ngần ngại gánh lấy trách nhiệm và áp lực trên vai, sẵn sàng ôm đồm tất cả mọi chuyện, quả là một đời vì con vì cháu. Nhưng chính sự bao bọc đó lại tạo ra những đứa trẻ vô ơn, thiếu trách nhiệm và mãi không chịu lớn.

Chúng ta cũng biết rằng, những kinh nghiệm do giáo dục không phù hợp thường lưu lại nhiều bài học đau đớn và sâu sắc nhất.

Chẳng hạn như một số trường hợp đáng tiếc đã xảy ra ở Trung Quốc trong thời gian gần đây:

Vào ngày 2 tháng 12 năm 2018, có một cậu bé 12 tuổi ở Hồ Nam, đang học lớp sáu, khi cậu bị mẹ mắng vì hút thuốc, bèn chạy ngay vào bếp lấy một con dao và đâm hơn 20 nhát vào cơ thể của bà. Cậu bé ấy đã sát hại chính người mẹ đẻ của mình.

Ngày 16 tháng 3 năm 2019, Một cậu bé 13 tuổi ở Giang Tô đã giết mẹ mình vì không phục cách quản giáo nghiêm khắc của bà.

Trong dân gian, có câu chuyện đứa con nhỏ chứng kiến cha mẹ mình hàng ngày cho bà nội bệnh tật ngồi ở chiếc bàn nhỏ ăn riêng một góc với cơm thừa canh cặn, với lý do bà quá phiền phức và vì sao mãi không qua đời. Một hôm đứa trẻ nghiêm chỉnh nói với cha mẹ là nếu bà qua đời thì đừng bỏ chiếc bàn đó đi. Người cha rất ngạc nhiên. Đứa trẻ nói: “Sau này cha mẹ già và bệnh tật rồi, thì con để cha mẹ ngồi ăn cơm chỗ ấy như bà vậy”. Đây cũng là câu chuyện làm gương mà trẻ có thể học được từ cha mẹ.

Hãy kiên nhẫn hơn là quở mắng

Khi cuộc sống quá nhiều áp lực, như trong thời đại hiện nay, người ta thường ít quan tâm đến nhau vì lý do bận rộn.

Dễ thấy những người chồng tự tìm buổi sáng bên ngoài và quần áo không thẳng thớm, gọn gàng; Dễ thấy những phụ nữ đầu tắt mặt tối trong công việc xã hội, chăm sóc con cái, gia đình; dễ thấy những đứa trẻ không còn thời gian làm những việc yêu thích mà phải tham gia đủ loại lớp học theo yêu cầu của cha mẹ và cần đạt thành tích cao. Theo guồng quay đó, nhiều cha mẹ không đủ thời gian kiên nhẫn dạy dỗ trẻ mà thay vào đó là quở trách, thậm chí đánh đòn khi chúng phạm sai lầm.

Đối với trẻ con thì nên nhẫn nại nhiều hơn và ít quở mắng hơn; có thể thấu hiểu và ít oán trách hơn; dẫn dắt nhiều hơn và ít phê bình hơn. Hãy để trẻ con có cơ hội cùng tham gia những hoạt động trong gia đình, bồi dưỡng tâm hồn trẻ để trẻ hiểu được thế nào là tấm lòng chân thành và một trái tim biết cảm ơn, đây cũng là phúc khí lớn nhất của các bậc làm cha mẹ.

Đứa trẻ trong giai đoạn tìm hiểu thế giới xung quanh, sẽ hỏi rất nhiều thứ. Nếu cha mẹ nhận ra đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng để giúp con hòa nhập với cuộc sống và hình thành nhân cách tốt, thì cần dành nhiều thời gian, kiên nhẫn dạy cho con những điều chúng muốn biết, cũng là cơ hội hướng con đến những điều tốt đẹp. Đồng thời cha mẹ lấy mình làm mẫu, gieo vào trẻ nhân cách sống đạo đức, thiện lương,… đứa trẻ sẽ dõi theo, ghi nhớ trong lòng. Đây chính là hành trang quý giá mà chúng sẽ mang theo đến hết cuộc đời.

Ngược lại nếu cha mẹ không kiên trì, nôn nóng và thậm chí quát nạt vì thấy trẻ quá phiên phức, chúng sẽ tự thu mình lại, cảm thấy cô độc và sẽ tự nhận định thế giới quan bằng suy nghĩ của mình. Hoặc chúng sẽ tìm đáp án từ những nơi khác như bạn bè, những người xung quanh, môi trường mạng. Điều này sẽ dẫn đến những nhận định sai lệch, không định hướng, thậm chí rất nguy hiểm đối với nhận thức còn non nớt của trẻ.

Trong “Cách ngôn đối liên” có câu: “Phụ mẫu đức cao, tử nữ lương giáo”, tức là: Cha mẹ có đạo đức cao thượng, đó chính là ‘tấm bùa hộ mệnh’ tốt nhất của con cái.

untitled 1325
Cha mẹ có đạo đức cao thượng, đó chính là ‘tấm bùa hộ mệnh’ tốt nhất của con cái.

Cha mẹ hiền lành, sống có tình có nghĩa, đó chính là phúc báo lớn nhất của đời người, cũng là “cái lợi” to lớn nhất của con cái, là phúc phận sâu dày của bậc làm con.

Một gia đình đức dày và thiện lương, mới có thể có những đứa con thiện lương, bao dung và sống có tu dưỡng. Những đứa trẻ như vậy, tâm địa thường ôn hòa, hiền lành, luôn biết ‘lấy việc giúp người làm vui’, đến nơi đâu cũng có những mối lương duyên đón chờ, tự nhiên cũng có vô vàn quý nhân.

Nghi Vân 

Vi sao co nhan loai 6

Xem thêm:

Có nên dọa con bằng clip “Chú công an trẻ con”?

Mùa “khoe con” trên MXH và những nguy hiểm khôn lường

Tiết học thú vị về Thiên Đường – Địa Ngục

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều