spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Áp lực từ ‘cơn bão dân số già’ ở Việt Nam

Bộ Y tế dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, khi đó cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Người già sắp nhiều hơn trẻ em

Một trong những thách thức lớn mà vấn đề dân số Việt Nam đang phải đối mặt là tốc độ già hóa dân số nhanh “Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi”, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số Bộ Y tế, thông tin.

Nếu già hóa dân số là khái niệm được hiểu khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% tổng dân số (hoặc 7% với người từ 65 tuổi), thì với dân số già, tỷ lệ này là 20% (hoặc 14% với người từ 65 tuổi).

ap luc tu con bao dan so gia o viet nam 1
Hai thập kỷ tới, tốc độ già hóa của Việt Nam càng mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: Hoàng Hà

Năm 2009, cứ 11 người dân lại có 1 người từ 60 tuổi trở lên nhưng vào năm 2029, tỷ lệ này là 6:1, năm 2038 là 5:1. “Hai thập kỷ tới, tốc độ già hóa của Việt Nam càng mạnh mẽ hơn nữa”, Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định.

Chỉ số già hóa (tính bằng số người cao tuổi trên 100 trẻ dưới 15 tuổi) ngày càng tăng, hiện ở mức 53,1% (nghĩa là cứ 100 trẻ dưới 15 tuổi thì có 53,1 người cao tuổi). Dự báo, chỉ số này sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có lượng người cao tuổi nhiều hơn số lượng trẻ em.

Dự báo dân số cũng chỉ ra, năm 2019 Việt Nam chưa có tỉnh nào có lượng người cao tuổi nhiều hơn số trẻ em, nhưng vào năm 2029 sẽ có 14 tỉnh và năm 2039 sẽ có 41 tỉnh.

Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011. Như vậy, để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già, Việt Nam mất khoảng 27 năm. Bộ Y tế cho biết trên thế giới, nhiều quốc gia mất hàng trăm, hàng chục năm để tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 10% lên 20%. Trong khi đó, Việt Nam gia nhập nhóm các nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…

ap luc tu con bao dan so gia o viet nam 2

Trung bình mỗi người già có thể mắc 2-3 bệnh nền

Theo các chuyên gia, già hóa dân số là điều tất yếu xảy ra với quốc gia vừa tăng tuổi thọ nhanh lại vừa giảm mạnh tỷ lệ sinh. Đáng nói, ở Việt Nam, tuổi thọ người dân tăng nhanh, cao hơn nhiều mức tăng trung bình của thế giới. Trong 56 năm (1960-2016), tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng tới 29 năm (từ 44,4 tuổi lên 73,4 tuổi).

“Năm 2023, con số này là 74,5 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết. Một số địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu…, tuổi thọ bình quân còn ở mức trên 76 tuổi.

Tuy tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi, theo Bộ Y tế. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống và đối mặt với các vấn đề sức khỏe, bệnh tật. Trong khi sức khỏe là điều kiện tiên quyết để có cuộc sống tích cực thì mỗi người cao tuổi Việt Nam có tới 2-3 bệnh nền.

ap luc tu con bao dan so gia o viet nam 3

Sự khác biệt này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm giảm khả năng tham gia các hoạt động xã hội, suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị và từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, mức sống thấp, ít có tiết kiệm, dự trữ cho tuổi già.

Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý là tại nước ta, thời kỳ già hóa dân số diễn ra gần như song song với giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tức là thời kỳ lực lượng lao động dồi dào nhất. Nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi, đến năm 2036 con số này là 3 người và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người.

Nhu cầu việc làm từ người cao tuổi

Tuổi thọ nâng cao khiến nhu cầu tiếp tục làm việc tăng lên. Trong báo cáo, Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng thêm các chương trình, dự án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước sang tuổi già, phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường.

Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có 17,2 triệu người cao tuổi và năm 2049 số người cao tuổi lên đến gần 27 triệu. Nếu nhu cầu làm việc của người cao tuổi như hiện nay (khoảng 50%) được đáp ứng hoàn toàn thì năm 2030 sẽ có khoảng 8,5 triệu và năm 2049 có tới 13,5 triệu lao động cao tuổi.

Theo VNN

ắc quy xe máy diện năng 3

Xem thêm:

Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ trung bình tăng nhưng sức khoẻ yếu

Liên Hiệp Quốc: dân số Trung Quốc chỉ còn 600 triệu vào cuối thế kỷ này

Cuộc đua dân số ‘sống còn’ của Nhật Bản và Hàn Quốc

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều