spot_img
20 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Đơn hàng tiếp tục giảm, hơn 110.000 lao động thiếu việc làm tại TP. HCM

Năm 2023, đơn hàng ở một số ngành, doanh nghiệp tại TP. HCM giảm đến 40%, đơn giá giảm 20% nên dự báo việc làm của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng.

Thông tin được đại diện công đoàn, doanh nghiệp và ngành lao động đưa ra tại cuộc làm việc về tình hình việc làm cuối năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP HCM, chiều 21/12.

Ông Trần Đoàn Trung tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Trần Đoàn Trung tại buổi làm việc. Ảnh: VNE

Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho biết số liệu từ các cấp công đoàn, tính đến nay hơn 110.000 lao động trên địa bàn bị thiếu việc, mất việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng. Trong đó có 6.300 công nhân bị cắt giảm.

Đánh giá từ tổ chức công đoàn thành phố, sắp tới lao động còn gặp khó do nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng. Đơn cử như Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở quận Bình Tân (gần 56.000 lao động) hiện cho 18.000 lao động nghỉ luân phiên vào thứ 7 trong tuần. So với các nhà máy trên địa bàn, Pou Yuen bị ảnh hưởng ít bởi được tập đoàn ưu tiên đơn hàng. Tuy nhiên, phía nhà máy dự báo tình hình sắp tới ảm đạm, gặp khó khăn trong sản xuất ít nhất 6 tháng đầu năm 2023.

Theo ông Trung, một số nhà máy thiếu đơn hàng không cắt giảm nhưng sử dụng các biện pháp kỹ thuật như điều chuyển, giảm sâu giờ làm để công nhân tự nghỉ, tránh phải bồi thường. Đại diện công đoàn ví dụ một công ty lấy lý do nhà máy ở TP HCM không có đơn hàng nên điều lao động đi tỉnh. Công nhân không thể chuyển đi vì liên quan chỗ ở, con cái học hành đành xin nghỉ việc.

Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó ban Quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza), cho biết các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong khu thường chọn phương án cho lao động nghỉ phép năm, tuần làm việc 2-3 ngày, không tái ký hợp đồng mới. Ngoài ra, nhiều lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động. Khảo sát của Hepza về đơn hàng năm 2023 ở 240 doanh nghiệp cho kết quả 42% hụt đơn hàng với mức giảm trung bình 20%. Nhóm doanh nghiệp giảm chủ yếu ngành cơ khí, hóa nhựa, dệt may, da giày.

Công nhân ở một nhà máy tại quận 12. Ảnh:Lê Tuyết

Công nhân ở một nhà máy tại quận 12. Ảnh:VNE

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình, nói rằng dự báo tình hình sản xuất đầu năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn. Hiện, đơn hàng đã nhận chỉ đáp ứng khoảng 85% năng lực sản xuất của công ty. Kế hoạch quý 1/2023, công ty đạt 38 triệu USD nhưng đến nay mới được 36 triệu USD, giảm 7%. Hiện, công ty chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí lỗ để duy trì lượng khách hàng, tạo việc làm cho người lao động.

Theo ông Tuấn, công ty không chủ trương cắt giảm công nhân trực tiếp sản xuất nhưng cũng không tuyển mới dù có người nghỉ việc. Do đó, lao động của nhà máy còn khoảng 6.500 người, giảm 300 người so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, công ty tinh gọn bộ máy quản lý, văn phòng, cắt giảm khoảng 300 nhân sự, điều chuyển qua bộ phận sản xuất hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Tại Công ty TNHH Tỷ Hùng, bà Phạm Thị Út, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết đơn hàng giày da của công ty chủ yếu từ châu Âu. Năm 2022, tình hình của nhà máy không ổn định vào những tháng cuối năm đơn hàng giảm 70-80%. Trước đó, mỗi tháng nhà máy tại thành phố nhận làm 200.000-250.000 đôi giày nhưng đến tháng 9 chỉ còn từ 75.000 – 80.000 đôi nên không thể cầm cự, buộc phải cắt giảm gần 1.200 lao động.

Ngoài nhà máy tại quận Bình Tân, công ty còn có hai nhà máy ở Đồng Tháp và Bến Tre. Hiện các đối tác vẫn duy trì sản xuất nhưng đơn hàng chỉ đủ cho hai nhà máy ở tỉnh, công nhân cũng không tăng ca và phải nghỉ luân phiên một số ngày trong tháng.

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nói rằng thông tin của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thông thường tới thời điểm này đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành đã được lấp đầy đến giữa năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà máy đơn hàng giảm 20-40%, đơn giá chỉ còn 80% so với trước.

Theo ông Thanh, hiện Chính phủ có các gói vay hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp với kinh phí 40.000 tỷ đồng nhưng đến nay giải ngân không đáng kể. “Doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc hoặc cần chuyển đổi, nới lỏng quy định như thế nào cứ đề xuất”, ông Thanh nói.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp và chính quyền TP HCM đề nghị cần có chính sách hỗ trợ lao động tương tự Nghị quyết 68, tức gói 26.000 tỷ đồng (đã hết hiệu lực). Thành phố hiện có gần 249.000 doanh nghiệp với hơn 2,8 triệu lao động, trong đó gần 1.600 doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 333.000 người.

Theo VNE

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều